“Ở Mỹ thời đó chưa có đại sứ quán Việt Nam. Tình hình cấm vận khá căng thẳng giữa hai nước được xem là cựu thù chiến tranh. Làm việc ở New York, chúng tôi thường xuyên bị quấy rối bởi những nhóm người chống đối Việt Nam. Quan hệ song phương giữa hai nước là điều cấp bách khi chúng ta muốn khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, hội nhập thế giới” - đại sứ Ngô Quang Xuân trầm ngâm nhớ lại những hồi ức trên đất Mỹ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Quá khứ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ lại được tái hiện trong đại sứ Ngô Quang Xuân khi nhắc đến nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh - vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, thống nhất đặt chân lên đất Mỹ. Khi ấy, ông Xuân là Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (trụ sở làm việc tại New York).

New York những ngày “chưa bình thường”

Vừa kể chuyện, vị đại sứ cẩn thận nhắc tôi: “Mình sắp có khách”. Cuộc trò chuyện bất ngờ này có thể gián đoạn bất cứ lúc nào với lịch gặp gỡ dày đặc khi ông vừa trở về từ TP.HCM. Nhưng ký ức thì liền mạch. Vị đại sứ đã quá lục tuần, với gần 40 năm gắn bó với công tác Liên Hợp Quốc và ngoại giao đa phương, cùng hàng trăm sự kiện quan trọng của cả Việt Nam lẫn quốc tế - như đã sống lại những ngày 40 tuổi trên đất Mỹ, trong không khí sôi động của nền ngoại giao trước sự kiện bình thường hóa mối quan hệ với Mỹ.

Năm 1993, ông Xuân cùng gia đình sang New York nhận nhiệm sở tại Liên Hợp Quốc. Lúc bấy giờ, Việt Nam vừa mở cửa, chưa bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Nhiệm vụ quốc gia tại Liên Hợp Quốc khi ấy bề bộn mọi lĩnh vực từ chiến tranh, kinh tế, thương mại, luật pháp, văn hóa, nhân đạo… Mà đại sứ Việt Nam còn là một “kênh” duy nhất để Chính phủ Việt Nam tiếp cận với Mỹ, phải tranh thủ cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ song phương với một cường quốc có khả năng chi phối cục diện ngoại giao của hầu hết các nước trên thế giới.

Những nhiệm vụ ngoại giao đặt lên vai phái đoàn hơn 20 thành viên - lại là một trong số ít phái đoàn chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của an ninh nước sở tại. Do chưa có quan hệ song phương với Mỹ, theo quy định, các thành viên phái đoàn Việt Nam không được phép đi khỏi phạm vi 20 dặm tính từ trụ sở Liên Hợp Quốc. Lúc đó, đời sống của cán bộ ngoại giao còn nhiều khó khăn. Được mang vợ con sang theo chế độ của đại sứ, nhưng ông Xuân phải tự túc nuôi con ăn học. “Cấm vận 25 dặm” giới hạn mọi sinh hoạt, học hành của gia đình và bản thân các nhà ngoại giao trong thành phố New York đắt đỏ. Đã thế, thỉnh thoảng vào nửa đêm, ông Xuân lại nhận những cuộc điện thoại đe dọa từ những người giấu tên. “Kịch bản” bắt cóc con cái, đặt bom, đốt nhà cứ láy đi láy lại. Nước Mỹ khi ấy rải rác khá nhiều lực lượng chống đối Việt Nam, trong đó có cả những nhóm Việt kiều. Nhiều lần đón tiếp những vị khách Mỹ đến thăm, chưa hết niềm hồ hởi của những người Việt hiếu khách, ông Xuân và đồng nghiệp đã chạnh lòng khi nghe tin chính vị khách ấy bị đe dọa, quấy rối chỉ vì đến thăm đoàn Việt Nam. Tôi hỏi: “Nếu không phải là đại diện Việt Nam - đất nước chưa có quan hệ song phương với Mỹ thì liệu các ông có được họ bảo vệ bằng những biện pháp tối ưu hơn không?”. Ông Xuân điềm tĩnh nói: “Lúc đó, Mỹ vẫn làm rất tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các phái đoàn làm việc tại Liên Hợp Quốc, không loại trừ Việt Nam. Nhưng khi quan hệ song phương giữa ta với họ chưa có thì khó mà yêu cầu những hỗ trợ đặc biệt hơn. Trong khi, những quốc gia không có lịch sử quan hệ với Mỹ như ta thì họ lại không phải chịu những đe dọa kiểu vậy trên đất Mỹ”.

Hằng ngày sống trên đất Mỹ, nhưng ông Xuân và đồng nghiệp vẫn canh cánh tình hình quê nhà mà tranh thủ từng cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước. Chủ trương đổi mới từ năm 1986, nhưng do vẫn bị Mỹ cấm vận, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều rào cản. Lúc này, xác định quốc gia vừa cần giải phóng sức lao động, tạo nguồn lực để bứt phá về kinh tế, vừa cần nguồn tiền để giải quyết hậu quả chiến tranh - gút thắt này chỉ được mở khi Việt Nam có được mối quan hệ đa phương, mối hợp tác quốc tế. Nhưng, vì “vướng” Mỹ, hầu hết các nước có quan hệ với Mỹ, kể cả Trung Quốc, ASEAN đều tạo thành vòng vây cấm vận với Việt Nam. Đến những năm đầu thập niên 90, Mỹ vẫn giữ lệnh cấm, khiến hai tổ chức tài chính lớn nhất thế giới không thể cho Việt Nam vay tiền.

“Phải là người quan tâm đến tình hình quốc gia, hoặc phải sống ở Mỹ trong những ngày tháng đó, người ta mới thấy hết giá trị của từng bước ngoại giao, bình thường hóa giữa hai nước sau này. Chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước Lê Đức Anh tháng 10/1995 là sự kiện có ý nghĩa mở gút thắt ngoại giao như thế” - vị đại sứ bồi hồi.

Và những đêm không ngủ

Mục đích chuyến công du của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh lúc đó là để dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc, chứ không phải để dự một cuộc gặp gỡ song phương với Mỹ. Nhưng, vì đó là cuộc hội ngộ thượng đỉnh lớn nhất thế giới giữa lãnh đạo các quốc gia, sự xuất hiện của nguyên thủ Việt Nam lúc này là cơ hội vàng để đưa hình ảnh, gửi thông điệp của Việt Nam ra thế giới, đồng thời, hóa giải những hiểu lầm còn vướng lại đâu đó về Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh. Mang trọng trách ấy, Chủ tịch nước phải có bài diễn văn xuất sắc ngay trong giờ vàng của lễ kỷ niệm, phải có nhiều nhất những cuộc tiếp xúc chất lượng với từng nguyên thủ quốc gia. Để chuẩn bị cho Chủ tịch nước chương trình dày đặc với nhiều hoạt động nhất có thể, cộng với áp lực đảm bảo an ninh cho vị nguyên thủ đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất công du đến Mỹ, cả ê-kíp hơn 20 người của phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã làm việc căng thẳng suốt ngày đêm. Đến gần ngày đón Chủ tịch nước, ông Xuân lại nhận những cuộc điện thoại đe dọa. Có cuộc gọi đe dọa trực tiếp “sẽ cài bom trên xe nguyên thủ”. Khẩn cấp thông báo tình hình với an ninh Liên Hợp Quốc lẫn an ninh của Mỹ để có biện pháp an toàn cho Chủ tịch nước, nhưng vị đại sứ biết, mối đe dọa này cùng với áp lực ngoại giao sẽ khiến ông cùng anh em trong đoàn không thể chợp mắt suốt bảy ngày hoạt động của Chủ tịch nước trên đất Mỹ.

“Thế nhưng, cũng trong bảy ngày căng thẳng tột bực ấy, Đại tướng Lê Đức Anh đã cho tôi những ấn tượng mạnh mẽ đặc biệt trong cuộc đời ngoại giao của mình”.

17 giờ ngày 20/10/1995, lần đầu tiên có một chuyên cơ Việt Nam đáp xuống sân bay JFK của Mỹ. Trên chiếc máy bay Boeing 767 của Hàng không Việt Nam đó có Chủ tịch nước Lê Đức Anh, phu nhân và đoàn Việt Nam. Dưới mặt đất, ngoài đại sứ Ngô Quang Xuân cùng các đại diện Việt Nam tại Mỹ lúc bấy giờ còn có một trung đội bảo vệ từ Lực lượng an ninh Mỹ (FBI) đã đứng đợi từ 2 giờ trước. Lúc chiếc máy bay có biểu tượng Việt Nam lăn bánh vào sân đỗ, nhìn thấy ở vị trí buồng lái, phi công Nguyễn Thành Trung - người từng lái máy bay F-5E ném bom xuống Dinh Độc lập hồi tháng 4/1975 - đang đưa lá cờ Việt Nam lên vẫy chào - ông Xuân bật khóc.

Suốt bảy ngày tháp tùng Chủ tịch nước trong các hoạt động tại Liên Hợp Quốc, ông Xuân và những đồng nghiệp cũng nhiều lần không kìm được nước mắt trước những động thái ngoại giao chân thành của vị nguyên thủ và phản ứng của những vị quan khách. Mang theo phiên bản chiếc trống đồng Ngọc Lũ đến tặng Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cùng một bài diễn văn sâu sắc, ông Lê Đức Anh trở thành nguyên thủ đầu tiên của Việt Nam được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Boutros Boutros-Ghali đáp từ bằng sự bộc lộ sâu sắc niềm yêu mến văn hóa Việt. Ngay sau đó, chiếc trống đồng được chọn đặt tại vị trí trang trọng bậc nhất trong trụ trở Liên Hợp Quốc - ngay cửa ra vào Hội đồng Bảo an.

Ngoài những hoạt động ngoại giao quan trọng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh lúc đó còn kiên quyết dành thời gian đi thăm, quan sát đời sống của người dân địa phương. Lúc ông quyết định đi thành phố Harlem - một thành phố toàn dân nghèo gần New York, đoàn tháp tùng và cả nhân viên an ninh đều e ngại. Thế nhưng, với quyết tâm của đại tướng, cả đoàn có được một trải nghiệm ngoài kế hoạch nhưng đầy nhân văn khi chứng kiến nguyên thủ một quốc gia mới đó còn nhiều khoảng cách với nước Mỹ - lại điềm nhiên, tự tại đến tiếp cận, chuyện trò với từng người vô gia cư ở khu vực thuộc loại kém an ninh của đất nước này. “Chủ tịch nước Lê Đức Anh hoàn thành xuất sắc từng hoạt động một trong lịch làm việc dày đặc suốt bảy ngày đó. Ông khiến mọi sự chuẩn bị của chúng tôi đều đạt thành quả ngoài mong đợi, để lại dấu ấn mạnh mẽ, củng cố hình ảnh, tinh thần, màu cờ sắc áo của nước Việt trên trường quốc tế” - ông Xuân chia sẻ.

“Trong từng chi tiết được cẩn mật nhắc đến, tôi còn có cơ hội cảm nhận niềm cảm kích kín đáo của một nhà ngoại giao từng trải với một vị nguyên thủ ông từng có cùng chuỗi trải nghiệm, đồng cảm và ngưỡng mộ - một người vừa nằm xuống.”

Thế nhưng, đến khi nghe đại tướng trút lời gan ruột, chia sẻ từ tận đáy lòng với đồng bào Việt Nam trong cuộc gặp ở gần cuối chuyến công du, ông Xuân mới hiểu trọn vẹn từng ý muốn, từng hoạt động của đại tướng trong những ngày ở Mỹ. Trước đồng bào Việt kiều, trước người Mỹ, đại tướng chia sẻ: “Một dân tộc văn minh là một dân tộc không bao giờ sống với hận thù. Đất nước Việt Nam đang làm như thế”. Đại sứ Ngô Quang Xuân và các đồng nghiệp một lần nữa không kìm được nước mắt. Giọng kể của ông như cũng rưng rưng: “Tôi chưa bao giờ quên từng chữ trong câu nói đặc biệt ấy. Đó là thông điệp đỉnh cao mà Việt Nam có thể gửi tới chính người Việt, tới người Mỹ, nền chính trị Mỹ và tới cả thế giới. Câu nói ấy có ý nghĩa rằng: Việt Nam đã sẵn sàng gác lại quá khứ”. Sự xúc động của vị đại sứ với phát ngôn của Chủ tịch nước vẫn nguyên vẹn sau gần một phần tư thế kỷ. Dường như, đó là lần bộc lộ mạnh mẽ nhất thông điệp xuyên suốt mà Việt Nam và chính phái đoàn mà ông từng lãnh đạo ở Liên Hợp Quốc đã nỗ lực tỏ bày trong suốt những năm tháng cam go, đoạn trường nhất của hoạt động ngoại giao nước nhà.

Chia sẻ bài viết: