Đó là cuộc trở về trên cả hai nẻo: Trần Lực về lại với sân khấu - ngôi nhà được chưng cất từ trong huyết quản, một đứa con được sinh ra từ nôi chèo - cha là NSND Trần Bảng, nhà nghiên cứu chèo; mẹ là nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân. Lucteam và ngôn ngữ chủ đạo ước lệ - biểu hiện, vốn là linh hồn của nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc mà chèo là một đại diện.

Sân khấu chèo là gốc của Trần Lực. Chọn lựa ngôn ngữ sáng tạo ước lệ là cuộc nương nhờ khôn ngoan cái gốc gác cội nguồn ấy của Lucteam. Nói nương nhờ bởi trên cái nền ước lệ ấy, với sự khai thác triệt để ngôn ngữ tả ý trong trình thức, tâm lý nhân vật - diễn viên thì Trần Lực đã linh hoạt mở rộng biên độ tiếp cận và tiếp nhận “tiếng nói” nghệ thuật đa dạng từ các loại hình sân khấu khác.

Đấy là chủ đích tận dụng nghệ thuật hóa trang theo mặt nạ tuồng - đẩy nhanh và mạnh tính biểu hiện trong tính cách, tâm trạng của nhân vật vốn được quy ước qua mỗi khuôn chuẩn. Vô tình, là cuộc gặp gỡ với nghệ thuật biểu hiện của mặt nạ trên sân khấu Ý. Tận cùng, là cuộc giao thoa đông - tây trong cảm thức sáng tạo của người nghệ sĩ.

Đấy là khai thác thủ pháp gián cách của B.Brecht - “một người Đức ở phương Đông” - xen lẫn trong yếu tố tự sự là tính tương tác khán giả mạnh mẽ, thúc đẩy sự tỉnh thức, đối thoại xã hội nơi mỗi người xem với câu chuyện, vấn đề của vở diễn.

Và, từ Cơn ghen của Lọ Lem - của nhà soạn kịch hài lừng danh Molière cho đến Quẫn của Lộng Chương, với ngôn ngữ châm biếm, hoạt kê, vừa dí dỏm lại sâu cay, vừa giễu nhại những thói tật xã hội ở thời đại xa xưa, lại đủ sức công phá những mầm bệnh xã hội trong chính hôm nay, ngay tại xã hội mình đang sống. Đó cũng là một “thuộc tính” của chèo, từ cái gốc trò nhại dân gian, kể cả khi hoàn thiện thành một chỉnh thể sân khấu thì tính hoạt kê là một đặc sản qua nhân vật hề chèo.

Chỉ có điều, với cuộc trở về này, người viết bài vu vơ tự hỏi, tại sao Trần Lực lại chọn vào lúc này, khi mà thực tế sân khấu phía Bắc đang “chết lâm sàng” - như lời NSND Lê Khanh từng phát biểu?

Tại sao lại là lúc này, khi mà khán giả hầu như đã quay lưng với sân khấu, bởi sự bùng nổ của các phương tiện giải trí hiện đại khiến sân khấu không còn sức mạnh quyến rũ khán giả như trước?

Chính bởi sân khấu “đang chết lâm sàng” nên ta cần phải làm cho nó sống lại. Nếu khán giả quay lưng với sân khấu, thì phải làm sao để khán giả trở về. Nếu sân khấu đã đánh mất sức mạnh thì ta phải lấy lại sức mạnh cho nó. Những người yêu sân khấu, đắm say với sân khấu phải làm điều đó, nếu không, làm sao gọi là “yêu”?

Nhưng yêu là một chuyện, khát vọng là một chuyện, cụ thể làm thế nào để đạt được mục đích lại là chuyện khác. Không có cách nào ngoài cách tạo ra sự khác biệt.

Sân khấu kịch truyền thống cho đến nay vẫn dựa trên nền tảng của “chủ nghĩa hiện thực”, nghĩa là mọi cái diễn ra trên sân khấu đều y như thực. Cái nền tảng này, các bộ môn nghệ thuật như điện ảnh, truyền hình đang làm và có lợi thế hơn nhiều so với sân khấu, nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật và công nghệ. Khán giả vẫn thích xem phim, xem truyền hình hơn bỏ tiền ra rạp xem một vở diễn sân khấu mà thực chất không khác bao nhiêu so với việc ngồi nhà xem truyền hình hay ra rạp xem phim.

Và Trần Lực đã làm một cuộc thay đổi lớn về ngôn ngữ sân khấu, thực chất là cuộc cách mạng về tư duy đạo diễn. Anh khước từ tuyệt đối ngôn ngữ “hiện thực”, để tạo ra một ngôn ngữ sân khấu mới có tên là ước lệ - biểu hiện.

Điều đặc biệt, ngôn ngữ ước lệ - biểu hiện không phải là thứ ngôn ngữ xa lạ hay quá mới mẻ với khán giả Việt, nó bắt nguồn từ các bộ môn nghệ thuật dân tộc như tuồng, chèo, cải lương nhưng được diễn đạt bởi tư duy hiện đại.

Chính cái nghệ thuật “sân khấu hiện thực” bắt nguồn từ phương Tây, khiến kịch của chúng ta “Tây” quá, và càng “hiện thực” bao nhiêu, càng “Tây” bấy nhiêu, càng đánh mất sức mạnh bấy nhiêu. Ngôn ngữ ước lệ - biểu hiện suy cho cùng là “trở về với chính mình”, với “ngôn ngữ dân tộc” dưới ánh sáng của tư duy hiện đại.

Kết quả đầu tiên, vở kịch Quẫn được làm lại từ kịch bản rất “hiện thực” của Lộng Chương, dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Trần Lực đã gây chấn động sân khấu thủ đô và giúp anh đoạt ngay giải Đạo diễn xuất sắc nhất trong Liên hoan Sân khấu thủ đô tháng 10 năm 2016. Các diễn viên đồng thời là những học trò của anh, dù chưa ra trường, cũng đã đoạt một giải vàng, một giải bạc.

Thì ra, cái ngôn ngữ ước lệ - biểu hiện khi thoát khỏi sự gò bó của “hiện thực, giống thật” đã mở đường cho tài năng sáng tạo, cho trí tưởng tượng nghệ sĩ thăng hoa và đặc biệt, sự mới mẻ và lôi cuốn của ngôn ngữ mới đã thực sự chinh phục khán giả.

Trên thế giới, nhiều bậc thầy sân khấu đã ghi dấu ấn của mình bằng những cuộc cách mạng về ngôn ngữ đạo diễn nhằm thực hiện triết lý của mình. Stanilapski, bậc thầy của sân khấu hiện thực muốn tạo ra những ảo giác khiến khán giả phải hòa mình với sân khấu (còn gọi là “sân khấu hòa cảm”), từ đó sẽ cuốn theo các tình huống, để khóc cười, đau đớn, cuối cùng là nhận thức và thanh lọc tâm hồn.

Bertolt Brecht tạo ra sân khấu gián cách, cũng là cuộc cách mạng, đối lập với hòa cảm khiến người xem không thể hòa mình vào sân khấu, mà là gián cách để phê phán nó, từ đó đánh thức khả năng phê phán của con người.

Còn với Trần Lực, khát vọng của anh là gì khi sáng tạo ra ngôn ngữ ước lệ - biểu hiện?

Đó chính là sự HỒN NHIÊN.

Người ta sống trong xã hội, dù là xã hội nào, thì bức xúc giữa cá nhân và xã hội là không thể tránh khỏi. Con người càng tiến bộ về nhận thức thì định kiến càng nhiều và càng nhiều bức xúc. Hơn lúc nào hết, tâm hồn trẻ thơ mới là cái đích cuối cùng của hành trình nhận thức. Tâm hồn trẻ thơ, sự hồn nhiên chính là bản chất của con người. Triết gia nổi tiếng người Đức Nietzsche viết về ba biến thể của nhận thức như sau: “Làm thế nào tinh thần trở thành lạc đà, làm thế nào lạc đà trở thành sư tử và sau cùng, làm thế nào sư tử hóa thành trẻ thơ...”. Vâng, nhận thức thuở ban đầu chỉ thu nạp kiến thức, chất chứa kiến thức như chú lạc đà, rồi một ngày kiến thức chuyển hóa thành năng lượng và lạc đà biến thành sư tử gầm vang, đập phá mọi giá trị, khẳng định sức mạnh, nhưng rồi bước tiến cuối cùng, sư tử trở thành trẻ thơ, hồn nhiên như thuở ban đầu.

Năm 1990, tốt nghiệp Học viện Sân khấu Sofia (Bulgaria), Trần Lực về nước. Anh cùng một số bạn thân, những diễn viên đầy tài năng đang sung sức như Bùi Trung Anh (Nhà hát Kịch Việt Nam), cố diễn viên Nguyễn Hồng Sơn (Nhà hát Kịch Hà Nội) “âm mưu” thành lập sân khấu tư nhân để có thể thỏa chí sáng tạo, nhưng có lẽ thời điểm đó, điều kiện chưa cho phép, khó khăn chồng chất khiến “tình yêu rực cháy” tạm thời lắng xuống.

Tuy nhiên, niềm đam mê nghệ thuật không mất đi, nó chỉ chuyển hướng sang lĩnh vực khác, đó là điện ảnh. Tham gia đóng phim, Trần Lực nhanh chóng trở thành ngôi sao. Sau đó, Trần Lực còn làm cả đạo diễn và những phim hài đình đám cả ở điện ảnh lẫn truyền hình ra đời như Ảo ảnh giữa đời thường, Chuyện nhà Mộc, Hai Bình làm thủy điện, Tết này ai đến xông nhà... đã khẳng định một phong cách đạo diễn hài hước, duyên dáng và lịch lãm.

Tuổi ngoài bốn mươi, anh thành lập hãng phim, trở thành nhà sản xuất, hàng loạt bộ phim dài tập mang nhãn hiệu hãng phim Đông A ra đời, như Đại ca U70, Cocktail tình yêu, Chàng trai đa cảm, Lấy chồng đại gia... khá thành công, đều mang dấu ấn phong cách của nhà sản xuất.

Những tưởng sự nghiệp đã đạt đỉnh vinh quang, giờ ở tuổi ngũ tuần anh tự hài lòng với chính mình như bao người khác, và cái năng lượng tình yêu dành cho sân khấu từ “thời xa vắng” cũng đã ngủ yên, không ngờ, một ngày đẹp trời, khi bàn việc với tay biên kịch đồng thời là bạn thân thuở nhỏ, là kẻ viết bài này, về kịch bản Quẫn (tác giả Lộng Chương) cho bài thi tốt nghiệp của sinh viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh, cái năng lượng đó lại bừng bừng trỗi dậy, chỉ trong khoảnh khắc, anh quyết định thành lập sân khấu của riêng mình, quyết định thực hiện cái ước mơ từ thuở mới ra trường.

 

Với Trần Lực, nghệ thuật là đưa tâm hồn người trở thành hồn nhiên, trẻ thơ và ngôn ngữ ước lệ - biểu hiện sẽ giúp anh làm được điều này. Với Quẫn - từng được xem là hài kịch đả kích, và sau đó là Cơn ghen của Lọ Lem - kiệt tác lừng danh của Molière, hài kịch châm biếm... khi được diễn tả bằng ngôn ngữ ước lệ - biểu hiện, chúng đều trở thành hài kịch hồn nhiên, nghĩa là một câu chuyện vui vẻ, tự nhiên như nó vốn vậy, không chứa định kiến nào, phán xét nào của người kể. Và chính sự hồn nhiên giúp chúng ta bay bổng trong thế giới tưởng tượng, mơ mộng, giúp ta tiếp nhận cái mới cùng tinh thần sáng tạo và giúp ta sống nhẹ nhõm, vị tha hơn.

Với ngôn ngữ kịch mới mẻ, hồn nhiên và trong trẻo, Trần Lực và đội kịch Lucteam đã tạo ra sức mạnh riêng, đã lôi cuốn được khán giả bỏ tiền mua vé xem kịch. Những buổi biểu diễn của Lucteam hầu hết đều “cháy” vé. Lucteam đang trở thành thương hiệu nghệ thuật đặc sắc và khác biệt.

 

Hiện Trần Lực và đội kịch Lucteam đang thực hiện một dự án táo bạo, đó là dựng kịch phi lý, một thể loại kịch rất nổi tiếng ở phương Tây, nhưng khán giả Việt Nam chưa từng biết đến vở kịch Nữ ca sĩ hói đầu của Ionesco - cha đẻ dòng kịch phi lý.

Hy vọng rằng, với ngôn ngữ ước lệ - biểu hiện, cùng với tài năng của các diễn viên đội kịch Lucteam, Nữ ca sĩ hói đầu của đạo diễn Trần Lực sẽ một lần nữa làm nên cơn địa chấn, báo hiệu sự hồi sinh của sân khấu thủ đô trong những ngày đón xuân năm mới 2019.

 

Đỗ Trí Hùng

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: