Xăng giảm: Chưa chắc hàng hóa, vận tải giảm giá

24/12/2014 - 16:59

PNO - PN - Giá xăng dầu giảm là tín hiệu mừng cho người tiêu dùng khi có nhiều dự báo sẽ giảm giá thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng. Thực tế giá có giảm trong thời gian tới hay không vẫn chưa chắc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Xang giam: Chua chac hang hoa, van tai giam gia

Người dân vẫn đang trông đợi giá thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm

Doanh nghiệp: “Thực phẩm khó giảm giá”

Nhiều đầu mối, doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm tại TP.HCM cho rằng, bất chấp hơn chục lần giảm giá xăng dầu, rất khó để giảm giá sản phẩm bởi giá thành xăng dầu chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành sản phẩm, trong khi thực phẩm không phải từ nơi sản xuất đến thẳng người tiêu dùng mà qua rất nhiều khâu với rất nhiều chi phí khác nhau.

Ông Phạm Thanh Hùng, Phó giám đốc công ty TNHH Ba Huân tính toán cụ thể, trong cơ cấu giá thành mỗi quả trứng ra tới thị trường, cước vận chuyển trung bình khoảng 50đ, xăng dầu chiếm khoảng 20% trong chi phí vận chuyển đó, tính ra xăng dầu chiếm khoảng mười đồng nên khi giá xăng dầu giảm, yêu cầu giảm giá sản phẩm từ gia cầm là điều rất khó.

Tương tự, đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến thực phẩm trực thuộc Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn lý giải, trong năm qua, giá cả đầu vào các sản phẩm chăn nuôi có mặt hàng tăng, mặt hàng giảm không phải chịu chi phối từ giá xăng dầu mà phụ thuộc chủ yếu vào cung cầu thị trường. Chẳng hạn, giá heo hơi tăng nhiều tháng gần đây tính ra cao hơn cùng kỳ năm trước hàng chục ngàn đồng/kg, trong khi giá thịt heo bán lẻ không thể tăng nhiều như thế. Nhiều doanh nghiệp còn tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố, lúc giá thị trường tăng cao cũng phải đợi Sở Tài chính tính toán mới cho phép điều chỉnh tăng giá. Các doanh nghiệp thực phẩm thường phân phối qua hệ thống siêu thị, các siêu thị lại thực hiện chương trình khuyến mãi, giảm giá thì mức tăng sau khi điều chỉnh cũng không lại mức khuyến mãi, nên rất khó để giảm giá nếu chỉ có giá xăng dầu giảm.

Những đầu mối nhỏ hơn cũng có chung lập luận này. Bà Nguyễn Thị Lan, một đầu mối kinh doanh rau củ tại Thủ Đức cho biết, xưa nay một ký cà chua từ Đà Lạt có thể giảm 2.000-3.000đ sau một, hai ngày nếu các nhà vườn đồng loạt thu hoạch, cũng có thể tăng gấp đôi nếu khan hiếm. Một xe rau từ Đà Lạt về cả chục tấn, xăng dầu có giảm 10.000đ/lít, tài xế cũng chỉ bớt được thêm 300.000-500.000đ tiền xăng cho mỗi chuyến xe. Nhưng giá rau củ từ nguồn chỉ cần nhích 200-300đ/kg thôi, hàng chục tấn hàng sẽ tăng giá theo tiền triệu nên việc giảm giá xăng không bù đắp nổi.

Xang giam: Chua chac hang hoa, van tai giam gia

Theo Co.op Mart, nếu không có biến động khác, nhóm hàng thực phẩm tươi sống sẽ giảm giá từ 5-10%

Siêu thị chờ phản hồi từ nhà cung cấp

Ông Hồ Quốc Nguyên - đại diện truyền thông hệ thống siêu thị Big C trên địa bàn TP.HCM cho biết, hai lần giảm giá xăng gần đây nhất cũng chưa thấy doanh nghiệp có động thái tích cực thông báo sẽ giảm giá theo thực tế. Lần này, Big C đã cập nhật thông tin giảm giá xăng và yêu cầu các nhà cung cấp xem xét lại giá thành sản phẩm. Dù chưa nhận được phản hồi nào từ nhà cung cấp - có lẽ do họ đang tính toán, nhưng nếu họ vẫn không “động tĩnh”, Big C sẽ quyết liệt yêu cầu các nhà cung cấp nói rõ lý do để thuyết phục người tiêu dùng.

Đại diện LotteMart ở TP.HCM cũng cho rằng, tình hình giá xăng dầu từ đầu năm đến nay liên tục giảm nhưng nhìn chung các nhà cung cấp đa số đều không giảm giá. Một khi có sự thay đổi về giá nhà cung cấp phải có thông báo trước 30 ngày, việc chuyển đổi nhanh nhất cũng mất khoảng thời gian từ 7-10 ngày. Đợt giảm giá xăng mạnh nhất rơi vào thời điểm chiều ngày 22/12/2014, việc chuyển đổi giá cho khách hàng trên toàn hệ thống vẫn chưa được thực hiện và chưa có thông báo chính thức nào.

Ông Nguyễn Thành Nhân - Phó TGĐ hệ thống siêu thị Co.opMart cho biết, dự kiến khoảng ngày 27/12, nhóm hàng thực phẩm tươi sống sẽ giảm từ 5-10% nếu không kèm những biến động khác ngoài giá xăng như thời tiết, nguyên liệu đầu vào… Riêng với ngành hàng tiêu dùng, nếu hết độ “trễ” trong hợp đồng (thường từ 1-3 tháng) thì chắc chắn với lượng hàng nhập mới, Co.op Mart sẽ yêu cầu nhà cung cấp giảm giá, tùy theo từng ngành hàng, nhưng cố gắng ở mức từ 5-20%.

Doanh nghiệp vận tải đang cân nhắc

Lần giảm giá xăng dầu vào ngày 22/12 được đánh giá là chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Không những thế, sau đợt giảm giá lần thứ 12 liên tiếp, tổng mức giảm của xăng hiện gần 7.770đ/lít, kế đến là dầu diezen với 5.830đ/lít, dầu hỏa với 5.550đ/lít và dầu madut là 5.560đ/kg. Xăng dầu đang ở mức rẻ chưa từng có trong vòng bốn năm qua. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sốt sắng trong việc giảm giá cước. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp đang rà soát các chi phí đầu vào, sau đó mới cân nhắc. Với vai trò Tổng giám đốc hãng taxi Vinasun, ông Hỷ cũng cho biết đang cân nhắc và chưa đưa ra khả năng nào vào thời điểm này.

Về phía Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký cho biết, hiệp hội đang tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp thành viên về vấn đề giảm cước. Dự kiến, hôm nay (24/12), hiệp hội này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Mặc dù, ông Chung không đưa ra khả năng giảm cước, song theo quy định của hiệp hội thì khi giá dầu giảm trong khoảng 5-10%, các doanh nghiệp thành viên buộc phải điều chỉnh cước theo hướng giảm theo. Thực tế, hiện một số doanh nghiệp vận tải đường dài đã có kế hoạch giảm cước. Ông Trần Thanh Toàn, Giám đốc Công ty vận tải Trọng Tấn

(TP.HCM) cho biết, hiện doanh nghiệp của ông đã lên kế hoạch giảm cước khoảng 10% cho tuyến vận tải Bắc - Nam, từ 2,2 triệu đồng/tấn xuống còn hai triệu đồng/tấn. Theo nhận định của ông Toàn, mức giảm này sẽ tác động đáng kể đến thị trường tiêu dùng trong thời gian tới, bởi lượng hàng hóa cho mùa kinh doanh cuối năm đang tăng cao, khoảng 20% so với bình thường.

Mức giảm 10% đối với cước vận tải trong thời điểm này được cho là động thái tích cực khi mùa kinh doanh Tết Nguyên đán đã cận kề. Tuy nhiên, theo ông Toàn, đây mới là mức giảm đầu tiên kể từ đầu năm đến giờ. Trong khi đó, tính đến thời điểm này, mức giảm của các mặt hàng dầu đã ở mức 5.550 - 5.580đ/lít. Đây là một kẽ hở mà cơ quan quản lý chưa thể kiểm soát cước vận tải khi giá xăng, dầu có sự điều chỉnh. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, hiện chúng ta vẫn chưa có chế tài mạnh buộc doanh nghiệp vận tải phải giảm giá phù hợp. Việc giảm thế nào là phù hợp cũng chưa ai đưa ra công thức tính cụ thể. "Cơ quan quản lý cần phải chỉ ra được các chi phí đầu vào hợp lý để buộc các doanh nghiệp vận tải phải vận hành theo đúng cơ chế giá", ông Thành nói.

 HẢO-THƯ-NAM

Theo đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), dù giá cước vận tải được thực hiện theo cơ chế thị trường, không phải mặt hàng áp giá trần, nhưng theo quy định của Luật Giá, khi cần thiết, cơ quan nhà nước vẫn cần kiểm tra, đôn đốc giảm giá để đảm bảo quyền lợi ba bên giữa doanh nghiệp - Nhà nước - người tiêu dùng. Nếu thấy đầu vào giảm mà đầu ra vẫn cao, thì đoàn kiểm tra có thể căn cứ vào Luật Giá đề nghị Sở Tài chính, Sở GTVT nơi doanh nghiệp kê khai giá yêu cầu doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ chủ trì cuộc họp về kê khai giá cước của các doanh nghiệp vận tải để đánh giá việc thực hiện quản lý giá cước trong thời gian qua.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI