Vì sao cổ phiếu bất động sản FLC và Tân Hoàng Minh giảm sàn?

13/01/2022 - 19:34

PNO - Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị phát hiện bán “chui” cổ phiếu và phải hoàn tiền, và việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất trúng đấu giá ở Thủ Thiêm, hàng loạt cổ phiếu ngành bất động sản đã lau sàn.

Cổ phiếu họ FLC trắng bên mua, nhóm bất động sản nằm sàn la liệt

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/1, VN-Index giảm 14,46 điểm (-0,96%) xuống 1.496,05 điểm. Trong đó, phản ứng trước thông tin ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” cổ phiếu, phong toả tài khoản kèm theo việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc gần 600 tỷ đồng ở lô đất trúng đấu giá tại Thủ Thiêm khiến lực bán tháo ồ ạt bung ra, dư bán sàn lên đến hàng triệu đơn vị trong khi khối lượng khớp lệnh nhỏ giọt của nhóm cổ phiếu họ FLC và nhóm bất động sản.

Trong phiên giao dịch ngày 12, 13/1, hàng loạt mã cổ phiếu bất động sản liên tục giảm sàn, đơn cử: CII (Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM) bị giảm còn 49.050 đồng/cổ phiếu, trong khi đó giá đóng cửa ngày 11/1 là 56.600 đồng/cổ phiếu; mã LDG (Công ty CP đầu tư LDG) bị giảm còn 23.500 đồng/cổ phiếu, giá đóng cửa ngày 11/1 là 27.150 đồng/cổ phiếu; mã QCG (Công ty CP Quốc Cường Gia Lai) bị giảm còn 20.100 đồng/cổ phiếu, giá đóng cửa ngày 11/1 là 23.200 đồng/cổ phiếu.

H
Hàng loạt mã cổ phiếu bất động sản nằm sàn, trắng bên mua trong phiên ngày 13/1

Hay mã NHA (Công ty CP đầu tư phát triển Nhà và đô thị Nam Hà Nội) giảm còn 90.900 đồng/cổ phiếu, giá đóng cửa ngày 11/1 là 105.000 đồng/cổ phiếu; mã NBB (Công ty CP đầu tư Năm Bảy Bảy) giảm còn 51.800 đồng/cổ phiếu, trong khi đó giá đóng cửa ngày 11/1 là 59.700 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản khác cũng tiếp tục giao dịch tiêu cực và bị bán về mức giá sàn như HQC, DRH, OGC, SCR, DXG, DRH…

Tương tự, phiên giao dịch hôm nay 13/1 tiếp nối sự việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC bị hủy toàn bộ giao dịch bán “chui” gần 75 triệu cổ phiếu FLC. Ngay khi khởi động phiên, hàng loạt mã cổ phiếu thuộc họ FLC tiếp tục nằm sàn, trắng bên mua. Cụ thể, mã  FLC (Tập đoàn FLC) bị giảm sàn xuống mốc 17.300 đồng/cổ phiếu, ROS (xẫy dựng FLC Faros) bị giảm còn 12.050 đồng/cổ phiếu, HAI (nông dược H.A.I) bị rớt xuống giá sàn 7.980 đồng/cổ phiếu, AMD (đầu tư và khoáng sản FLC Stone) bị lao xuống giá sàn 8.290 đồng/cổ phiếu, KLF (đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS) bị giảm sàn còn 7.800 đồng/cổ phiếu, ART (chứng khoán BOS) bị giảm ở giá 12.400 đồng/cổ phiếu. Như vậy chỉ trong 3 ngày vừa qua, mã họ FLC nằm sàn liên tục và giá bị rớt từ 18% – 25,71% giá trị tuỳ mã.

Cổ phiếu bất động sản tăng không nền tảng nên giảm không nền tảng

Theo một chuyên gia kinh tế tài chính, trước khi Tân Hoàng Minh đấu giá đất, cổ phiếu bất động sản đã tăng nên sau khi Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lại tạo ra cú hích tin rằng thị trường bất động sản sẽ tăng. Tuy nhiên, vừa qua giá cổ phiếu bất động sản tăng quá nóng vì ăn theo giá đất đấu giá, giờ Tân Hoàng Minh bỏ cọc thì thị trường quay lại trạng thái bình thường nên giá giảm cũng là hợp lý. Nếu nhìn về góc độ định giá dòng tiền, doanh nghiệp bất động sản hiện nay không có dòng tiền để định giá, nếu dựa vào lợi nhuận cũng không được. Một nhóm nhà đầu tư lại định giá theo tài sản là quỹ đất từ đó đẩy giá cổ phiếu lên nhưng cách này là định giá bằng niềm tin cho sự kỳ vọng. 

Hiện bất động sản chưa tạo ra dòng tiền thậm chí còn đứng trên đóng nợ, qua báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản cho thấy, lợi nhuận hầu như đến từ bên ngoài chứ không đến từ nguồn mảng chính, chứng tỏ lợi nhuận bị bơm thổi bằng lợi nhuận khác chứ không đến từ hoạt động kinh doanh, nhưng định giá thì lại dùng tài sản là quỹ đất nên giá cổ phiếu bị đẩy đi quá đà.

G
Giá cổ phiếu bất động sản thời gian qua đang bị "thổi phồng" chứ không tăng trên nền tảng thật

“Giá cổ phiếu bất động sản đang quá cao cộng thêm vụ Tân Hoàng Minh gây nên tâm lý hoảng loạn, lệch pha cung- cầu nên từ đó khiến cổ phiếu rớt sàn. Tuy nhiên, qua vụ này không nên đổ lỗi cho Tân Hoàng Minh mà phải xem lại “lòng tham” của nhà đầu tư, vốn dĩ giá cổ phiếu bất động sản đang bị “thổi phồng” vụ Tân Hoàng Minh chỉ là chất xúc tác khiến thị trường vỡ nhanh” – vị chuyên gia này nhận định.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, thị trường chứng khoán đang vận hành không theo nền tảng mà là lướt sóng. Có những giá trị cổ phiếu tăng không dựa trên năng lực doanh nghiệp, trong đó cổ phiếu bất động sản tăng gấp 3 - 4 lần, thậm chí có mã tăng gấp 7 lần nhưng nền tảng công ty trước và sau không có gì thay đổi. Những hiện tượng trên toàn dựa theo “tren”, mua lướt sóng và tin rằng sẽ thoát kịp nên có một thông tin gì họ cho là tốt là cùng nhau đẩy lên dù họ biết tin này không đảm bảo.

Đơn cử, vụ Tân Hoàng Minh mua trúng đấu giá khu đất gấp 7 lần giá khởi điểm từ đó nhà đầu tư nghĩ rằng giá bất động sản đang rất thấp so với giá thật từ đó giá cổ phiếu bất động sản bị đẩy lên. Giá cổ phiếu bất động sản trước và sau vụ Tân Hoàng Minh trúng đấu giá đều dựa trên việc tạo niềm tin với nhau chứ không phải tăng đúng bản chất. Nên khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc thì không còn thông tin để kích lên, bản chất người tham gia họ cũng biết nên thoát ra, thị trường thoát nhanh thì giá cổ phiếu xuống nhanh. “Khi tăng cũng không có bản chất, nên khi xuống cũng không có bản chất. Thị trường đến lúc không còn kéo vào được, không nhà đầu tư mới chấp nhận mua giá cao thì lúc đó thị trường nhanh chóng trở về định mức thật. Có những công ty không có nền tảng mà tăng 5, 6 lần thì giảm về 5,6 lần cũng hoàn toàn không có vấn đề” – ông Hiển nói thêm.

Nghi vấn có hiện tượng thao túng giá cổ phiếu 

Vụ việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất trúng đấu giá Thủ Thiêm và ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” 75 triệu cổ phiếu FLC xảy ra tại thời điểm cổ phiếu bất động sản đang lập đỉnh nên thị trường bị tác động kép vì mã cổ phiếu FLC cũng là mã ngành bất động sản, nhóm cổ phiếu bất động sản nằm sàn la liệt.

“Hai sự việc trên gây tâm lý lo lắng sẽ bị thanh kiểm tra các doanh nghiệp bất động sản. Lý do, thời gian qua, cổ phiếu bất động sản tăng khủng dù không có giao dịch, mua bán chứng tỏ giá cổ phiếu bất động sản tăng “ảo”, việc tăng ảo này vậy liệu do nhà đầu tư hưng phấn quá đáng hay có một lực lượng nào đó đang thao túng giá cổ phiếu?Đây cũng là lý do nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu bất động sản, bất kỳ có một cuộc điều tra nào vào mã cổ phiếu bất động sản cũng khiến người ta nghĩ nó sẽ lãnh đạn dù chưa xảy ra nhưng tâm lý nắm mã cổ phiếu bất động sản ngay lúc này thì quá mạo hiểm” – ông Đán nhận định.

Sự kỳ vọng lãi suất đầu tư quá cao nên nhà đầu tư không chấp nhận những mã có hoạt động kinh doanh tốt vì nó không có biên độ lớn mà chỉ đua vào những mã cổ phiếu “lái”. Sau hai vụ việc trên cơ quan quản lý phải xem xét liệu có hiện tượng thao túng giá cổ phiếu hay không?

Ông Trần Nguyên Đán - Cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị quỹ đầu tư Dcapital Việt Nam

Bích Trần

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI