Vấn nạn doanh nghiệp FDI trốn thuế

18/04/2014 - 01:29

PNO - PNO - Thanh tra Tổng cục Thuế vừa cáo cáo cho thấy kiểm tra các doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều có vi phạm về khai lỗ, trốn thuế.

edf40wrjww2tblPage:Content

Một nghịch lý là DN FDI liên tục khai lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Năm 2013 thanh tra, kiểm tra tại 2.110 DN trên toàn quốc, ngành thuế đã truy thu, truy hoàn, phạt 988,1 tỷ đồng (tăng 32,3% so với năm 2012), giảm khấu trừ 136,95 tỷ đồng. Ngoài ra, thanh tra thuế đã buộc các DN phải giảm lỗ lên đến hơn 4.192 tỷ đồng. Riêng số tiền truy thu chủ yếu tập trung ở DN FDI (chiếm 40% tổng số thu). Trong đó, thanh tra tại 870 doanh nghiệp FDI thì có tới 720 DN vi phạm. Đặc biệt tại hai thành phố là Hà Nội và TP.HCM tỉ lệ DN vi phạm rất cao. Ở Hà Nội thanh tra 332 DN thì phát hiện có 326 DN vi phạm, số tiền giảm lỗ hơn 1.500 tỷ đồng, truy thu, phạt, truy hoàn gần 498 tỷ đồng. TP. HCM thanh tra 193 DN thì có tới 164 DN vi phạm, giảm lỗ hơn 870 tỷ đồng và truy thu, phạt gần 173 tỷ đồng.

Theo cơ quan chức năng, hành vi trốn thuế và chuyển giá của các DN FDI phổ biến nhất là tình trạng nâng giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào, hạ giá xuất khẩu xuống thấp với mục đích báo lỗ hoặc giảm lợi nhuận (trên sổ sách) nhằm trốn nộp thuế. Hoặc, nhà đầu tư dùng công ty mẹ ở nước ngoài cung cấp nguyên liệu, bao đầu ra của sản phẩm, khiến việc kiểm soát giá nguyên liệu cũng như giá sản phẩm xuất khẩu trở nên khó khăn với các cơ quan quản lý của Việt Nam, nhất là các sản phẩm này lại được xuất khẩu sang nước trung gian thứ ba. Ngoài ra, nhiều nhãn hàng nổi tiếng ở nước ngoài có hành vi chuyển giá thông qua định giá bản quyền thương hiệu rất cao so với giá trị thực nhằm giúp nhà đầu tư nước ngoài thu được lợi nhuận từ việc nâng khống giá trị thương hiệu trong khi phía Việt Nam vẫn phải chịu chi phí quảng cáo cho thương hiệu đó. Tình trạng trên còn xuất hiện ở DN các ngành có nhiều tài sản vô hình như các ngành có công nghệ độc quyền, sản xuất các sản phẩm không phổ biến trong nước, Việt Nam không có tiêu chí hay cơ sở để so sánh.

Ngoài biện pháp thanh, kiểm tra định kỳ, hiện có ý kiến cho rằng cần áp dụng hình thức thỏa thuận trước giá với DN để hạn chế việc chuyển giá. Theo đó, Tổng cục Thuế căn cứ trên dữ liệu thuế khai (thậm chí kết nối với cơ quan thuế ở nước ngoài) và theo dõi sát sao những thay đổi về doanh thu, lợi nhuận hợp lý của các DN để thỏa thuận thuế. Tuy nhiên, một cán bộ ngành thuế ở TP.HCM cho rằng, kinh nghiệm một số nước cho thấy, có khi phải mất thời gian khá dài mới tìm ra được bài toán thuế “hợp lý” cho DN, nhưng có khi DN không đồng ý, xem như ngành thuế đi làm công không.

N.L.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI