Xúc cảm về 'Cú chót'

12/12/2019 - 07:23

PNO - 'Cú chót' kết thúc mà khán giả vẫn còn ngồi lại, vẫn tiếp tục trò chuyện với đạo diễn và hai diễn viên.

Kịch Cú chót (đạo diễn Trà Nguyễn, sân khấu 5B) là một tác phẩm chuyển thể từ truyện vừa The Last Act của nhà văn xứ Wales - Roald Dahl - người được thế giới biết đến và tặng cho danh hiệu “Người kể chuyện số một thế giới”.

Vở kịch chỉ vỏn vẹn hai diễn viên: người trong vai Người Đọc (Trịnh Cao Hòa Thanh) ngồi đọc từ phía khán giả, và trên sân khấu là Người Diễn (diễn viên múa đương đại Mai Anh) với vai trò thể hiện cảm xúc cùng hiệu ứng ánh sáng.

Xem Cú chót, lúc đầu tôi còn chăm chú theo dõi cảm xúc được thể hiện qua từng động tác cơ thể của diễn viên, nhưng dần dần, có lẽ do mắt mỏi nhanh trước những cú dịch chuyển tối - sáng, tôi chỉ còn lắng nghe hành trình tâm lý của hai nhân vật. Người Đọc đã đọc bằng tất cả cung bậc cảm xúc của mình, suốt 75 phút chiều dài vở kịch. Người Diễn đã diễn bằng tất cả chuyển động của cơ thể, của sắc thái tâm trạng. Khán phòng im lặng. Tuyệt đối im lặng. Chỉ còn cảm xúc. Hồi hộp. Chờ đợi. Âu lo. Căm giận… cùng với diễn biến tâm lý của nhân vật. 

Xuc cam ve 'Cu chot'
Cảnh trong vở diễn - Ảnh từ Facebook của đạo diễn Trà Nguyễn

Roald Dahl là bậc thầy tâm lý. Ở Cú chót, nhà văn không còn là tác giả của những câu chuyện thần tiên dành cho tâm hồn thơ trẻ. Cú chót của Roald Dahl có thể sánh ngang tầm mổ xẻ tâm lý của đại văn hào Chekhov. Nhà văn bóc tách và lột trần tính cách nhân vật. Anna Cooper từng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, sau khi chồng mất, đã hụt hẫng đến mức tìm cách tự tử nhưng được cứu thoát, và dần dần trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng rồi cô lại tìm đến cái chết một lần nữa (ắt hẳn là như thế, theo logic tâm lý) sau khi gặp lại mối tình đầu trong phòng ngủ của một khách sạn.

Chi tiết, lời thoại… cho thấy người tình của cô - một bác sĩ có ngoại hình đẹp như mỹ nam trong thần thoại Hy Lạp - lại là một cỗ máy tàn bạo. Người đàn bà khao khát yêu đương đã bị cỗ máy nghiền nát. Văn chương khi đã lột tả được tận cùng hạnh phúc và nỗi đau, nó sẽ chạm được trái tim độc giả.

Sàn diễn chỉ có một diễn viên diễn bằng ngôn ngữ cơ thể và “tiếng nói” của cô ấy, được thể hiện bằng mọi ngóc ngách của cảm xúc. Đó là khi đạo diễn đã tìm được chìa khóa và mở được cánh cửa sáng tạo từ văn bản văn học và bằng sự tìm tòi sáng tạo của mình, đã góp phần thiết lập cách xử lý, tạo thêm một góc nhìn mới, và như thế cũng thêm cho tác phẩm văn học một giá trị mới.

Và kịch Cú chót cũng đã chạm vào trái tim khán giả, hẳn nhiên, đó là khán giả có khả năng cảm nhận được sự giằng xé nội tâm của nhân vật, cũng như tiếp nhận được sự mới lạ trong hình thức thể hiện của ê-kíp sáng tạo - một ê-kíp trẻ. Cú chót kết thúc mà khán giả vẫn còn ngồi lại, vẫn tiếp tục trò chuyện với đạo diễn và hai diễn viên. Những ý kiến trao đổi thẳng thắn, chân tình, hữu ích, những khen chê động viên khích lệ… diễn ra và kéo dài gần bằng thời lượng vở kịch. Tạo được một không khí giao lưu mang tính nghề nghiệp, là thêm một điểm cộng cho Cú chót.  

Kịch như không kịch. Chỉ có cảm xúc. Cảm xúc từ ngôn ngữ hình thể của Người Diễn, từ chất giọng trầm ấm của Người Đọc, từ sự dịch chuyển và tương phản của ánh sáng. Cảm xúc khơi gợi hay mày mò tìm cách lấp đầy những trải nghiệm cá nhân nơi khán giả. Một sự tương tác hiệu quả từ văn học đến kịch nói, từ nhân vật đến diễn xuất của diễn viên và cả ánh sáng… Sự tương tác hiệu quả đó cho người thưởng ngoạn một niềm tin và một sự mong chờ - những tìm tòi thể nghiệm mới của sân khấu hôm nay. 

Bích Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI