Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Sau 'đóng cửa' là 'xả giàn'?

14/03/2018 - 07:22

PNO - 17 NSND (lĩnh vực sân khấu, điện ảnh) được thông qua danh sách xét duyệt cấp Thành phố là bất ngờ lớn nhất trong đợt xét tặng danh hiệu NSND- NSƯT lần 9 năm 2018.

Sau nhiều năm bức bối vì những nguyên tắc cứng nhắc trong xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT, người làm nghề chờ đợi những đổi thay trong đợt xét duyệt năm 2018. Tuy nhiên khi danh sách xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cấp Thành phố vừa công bố, những đổi thay ngay lập tức đã gây nhiều thắc mắc

17 NSND (lĩnh vực sân khấu, điện ảnh) được thông qua danh sách xét duyệt cấp Thành phố là bất ngờ lớn nhất trong đợt xét tặng danh hiệu NSND - NSƯT lần 9 năm 2018. Từ trước đến nay, mỗi đợt thường không có quá năm NSƯT được phong tặng danh hiệu NSND (trừ đợt xét đặc cách cho 4 NSND Viễn Châu, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu và Lệ Thuỷ). Đáng nói hơn, trong danh đó, có cả những nghệ sĩ (NS) mà nhiều người làm nghề không nghĩ họ được xét duyệt danh sách, nói gì đến việc được thông qua hồ sơ để gởi lên hội đồng cấp Nhà nước.

Xet tang danh hieu NSND, NSUT: Sau 'dong cua' la 'xa gian'?

Nếu được Hội đồng xét duyệt cấp trên thông qua, việc xét đặc cách NSND cho NSƯT Minh Vương là niềm vui lớn cho cả ông lẫn đồng nghiệp, khán giả hâm mộ.

3 trường hợp gây thắc mắc nhiều nhất ở lĩnh vực sân khấu là NS Giang Châu, NS Lê Đức Thế và NS Thanh Ngân.

NSƯT Kim Tử Long:

Tôi vẫn chưa hiểu lắm về quy định đặc cách. Nhưng tôi cho rằng việc xét đặc cách chỉ nên ưu tiên dành cho những nghệ sĩ không có huy chương, giải thưởng theo quy định, nhưng vẫn liên tục làm nghề và có những đóng góp cho hoạt động của SK cải lương ở TP.

Sẽ là bất hợp lý nếu xét đặc cách cho những người dù vẫn còn là một tên tuổi được khán giả biết đến nhưng lại không có nhiều sự gắn bó với sân khấu cải lương chuyên nghiệp và suốt một thời gian dài không có thêm được một vai diễn, hoặc những đóng góp nào cụ thể cho SK.

Việc xét đặc cách hợp lý, đúng người, đúng việc sẽ mang lại nhiều niềm vui và là động lực cho những người làm nghề. Nhưng nếu việc xét đặc cách quá dễ dãi thì danh hiệu được trao tặng sẽ mất dần những giá trị  của nó

Không có ngoại hình đẹp nhưng NS Giang Châu nổi tiếng với giọng ca khoẻ, truyền cảm và lối diễn xuất nhiều sáng tạo. Không phủ nhận tài năng của ông và vẫn xem ông là một tên tuổi nổi tiếng của sân khấu (SK) cải lương, nhưng giới làm nghề vẫn băn khoăn không hiểu liệu lần này ông được đặc cách để xét tặng danh hiệu NSND dựa trên cơ sở nào? Từ sau danh hiệu NSƯT, NS Giang Châu không còn đóng góp nào đáng kể cho đời sống cải lương ở TP.HCM. Cũng đã khá lâu, khán giả hiếm khi thấy ông xuất hiện ở SK cải lương chuyên nghiệp.

Dù đang là Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, nhưng việc NSƯT Đức Thế được hội đồng đồng cấp TP thông qua hồ sơ cũng được cho là chưa thuyết phục. Giữ vị trí giám đốc và vai trò chỉ đạo nghệ thuật, nhưng từ khi 2 đoàn Rối và Xiếc sáp nhập thành Nhà hát Phương Nam, Nhà hát vẫn chưa để lại được dấu ấn gì đặc biệt.

Tương tự trước đó, Đoàn nghệ thuật múa rối của Giám đốc Lê Đức Thế cũng không có nhiều ấn tượng với công chúng. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng Đoàn Nghệ thuật Rối, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, được nhà nước đầu tư lại không thể “cạnh tranh”  với đơn vị nghệ thuật tư nhân là rối nước Rồng Vàng cả về doanh thu lẫn uy tín với khán giả.

Không cần phải xét đặc cách vì đã đủ huy chương và thời gian làm nghề theo quy định, nhưng trường hợp của NSƯT Thanh Ngân cũng gây nhiều thắc mắc. Nhiều NS cho rằng suốt một thời gian dài, NSƯT Thanh Ngân chủ yếu sinh sống ở nước ngoài và rất hiếm khi tham gia hoạt động cải lương ở Việt Nam, trừ vài lần xuất hiện ở một số chương trình truyền hình. Ngay ở thời điểm xét duyệt hồ sơ, Thanh Ngân vẫn không có mặt ở Việt Nam.

Vốn là đào chánh, Thanh Ngân luôn có nhiều cơ hội tham gia các vở diễn đi liên hoan, hội diễn nên không khó khăn để có đủ huy chương theo quy định. Thừa nhận NSƯT Thanh Ngân là một cô đào thanh sắc vẹn toàn, nhưng để trở thành NSND thì tài năng thôi chưa đủ mà NS đó phải có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động SK Thành phố.

Ở danh sách NSƯT, hai cái tên bị người làm nghề phản ứng nhiều nhất là NS Võ Minh Lâm và Trần Thị Thu Vân.

Xet tang danh hieu NSND, NSUT: Sau 'dong cua' la 'xa gian'?

Đủ các tiêu chí để xin xét tặng danh hiệu NSND trong đợt này nhưng NSƯT Trọng Phúc và NSƯT Quế Trân đều không làm hồ sơ.

Đạt danh hiệu Chuông vàng Vọng cổ năm 2006, khoảng năm 2007, Võ Minh Lâm mới bắt đầu gia nhập sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Từ đó đến nay, Võ Minh Lâm đã đạt được khá nhiều huy chương, giải thưởng ở những cuộc liên hoan. Xét về số lượng huy chương, giải thưởng, Võ Minh Lâm có thể đã có dư so với quy định, nhưng về thời gian làm nghề thì cho đến nay, Võ Minh Lâm mới có 11 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.

Tương tự, Trần Thị Thu Vân cũng là một gương mặt Chuông vàng Vọng cổ năm 2009. Sau giải thưởng này Thu Vân được mời về làm diễn viên của đoàn cải lương Nhân dân Kiên Giang và hiện nay cô đang công tác tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Mới hơn nửa chặng đường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp theo tiêu chí xét tặng danh hiệu đã được xét đặc cách phong tặng danh hiệu NSƯT, trường hợp của Thu Vân e chừng khó thuyết phục cả người làm nghề lẫn công chúng.

Vẫn biết nghệ thuật truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng xin đừng quá dễ dãi khi xét đặc cách bởi NSƯT không phải là danh hiệu để động viên khích lệ mà là sự ghi nhận tài năng và quá trình phấn đấu, cống hiến cho nghệ thuật của người NS.

Xét về tài năng, cả Võ Minh Lâm và Thu Vân đều chưa phải là những diễn viên giỏi nghề. Võ Minh Lâm còn phải rèn luyện thêm rất nhiều cả về giọng ca và khả năng diễn xuất để khẳng định vị trí của mình và chinh phục khán giả.

Riêng Thu Vân, cô được trời phú chất giọng khá đặc biệt, ngọt ngào và đầy cảm xúc, nhưng kỹ năng diễn xuất của Thu Vân vẫn còn nhiều nhược điểm. Một số vai diễn của Thu Vân ở các chương trình Ngân mãi Chuông Vàng còn chưa đủ sức thuyết phục khán giả.

Nhưng, thắc mắc lớn nhất được đặt ra là vì sao lại có sự đặc cách cho Võ Minh Lâm và Thu Vân? Cả hai đều còn rất trẻ, chưa đủ bản lĩnh và kinh nghiệm nghề nghiệp, cần nhiều thời gian rèn luyện và phấn đấu thêm. Đặc cách trao danh hiệu NSƯT khi thời gian làm nghề của cả hai còn quá ngắn vừa không thuyết phục được giới làm nghề, vừa có thể trở thành con dao hai lưỡi. Danh hiệu có thể sẽ khiến cả hai tự mãn và thôi không còn tiếp tục phấn đấu để hoàn thiện mình.

Xet tang danh hieu NSND, NSUT: Sau 'dong cua' la 'xa gian'?
Việc NS Chí Linh không có tên trong danh sách NSUT là một trong những điều khiến nhiều NS băn khoăn về tiêu chí xét đặc cách

Trong khi đó, NS Chí Linh không hề có tên trong danh sách NSƯT. Đã có những trường hợp đặc cách rất dễ dàng thì sao trường hợp của NS Chí Linh lại bị đánh rớt vì không đủ điều kiện? Không có huy chương, nhưng xét về tài năng, NS Chí Linh vẫn là một tên tuổi được nhiều khán giả cải lương yêu mến. Không tham gia đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng NS Chí Linh vẫn xuất hiện ở một số vở cải lương truyền hình, phim truyện cải lương…    

Điều đáng nói hơn, mấy năm nay, NS Chí Linh và vợ là NS Vân Hà đang cố công gầy dựng SK cải lương Lê Hoàng dù phải đối mặt với trăm ngàn khó khăn. Vừa làm bầu, vừa dựng vở, vừa tham gia biểu diễn, vợ chồng anh liên tục phải bỏ tiền túi bù lỗ để SK sáng đèn đều đặn. Nỗ lực và đóng góp đó cho sân khấu cải lương còn có giá trị hơn gấp nhiều lần so với những chiếc huy chương, giải thưởng chỉ mang lại tiếng thơm cho cá nhân.

Cởi trói trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là điều cần làm nhưng cởi trói sao cho hợp lý, không thể quá dễ dàng như cách nói của nhiều NS hiện nay: “Xét tặng danh hiệu ngày trước đóng kín cửa, giờ mở “thả giàn”!”.

Xet tang danh hieu NSND, NSUT: Sau 'dong cua' la 'xa gian'?
Hơn 80 tuổi vẫn miệt mài với công tác giảng dạy nên không còn thời gian “kiếm” huy chương, việc NSƯT Trần Minh Ngọc được đặc cách xét tặng danh hiệu NSND lần này là hạnh phúc của nhiều thế hệ học trò của ông.

 NSƯT Trọng Phúc: 

Có đủ huy chương và thời gian hoạt động sân khấu chuyên nghiệp theo quy định xét tặng danh hiệu NSND nhưng tôi chưa đủ tự tin để làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu trong đợt này. Tôi nghĩ để trở thành NSND bản thân mình cần có thêm sự chững chạc về tuổi tác, bản lĩnh và kinh nghiệm vững vàng hơn nữa trong nghề. Tôi cần có thêm thời gian để tiếp tục phấn đấu trướ khi quyết định làm đơn xin xét tặng danh hiệu.

NSƯT Lê Tứ:

Tôi từng mơ ước được trở thành NSƯT, đó là tấm bằng chứng nhận cho những nỗ lực và cống hiến của mình với nghề nghiệp. Nhưng khi việc xét duyệt danh hiệu trở nên quá dễ dàng, chỉ cần đếm huy chương là đủ “điểm” để phong tặng danh hiệu, quay đi ngó lại ai cũng có thể trở thành NSƯT thì danh hiệu cao quý đó sẽ không còn giá trị.

Nhóm phóng viên VHVN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI