Xét duyệt giải thưởng, danh hiệu: Bao giờ thôi máy móc và cảm tính?

25/07/2016 - 13:28

PNO - Việc tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh trượt Giải thưởng Nhà nước 2016 vẫn đang là tâm điểm dư luận.

Không chỉ là vấn đề của một tác phẩm, vấn đề của làng văn chương, một lần nữa giới văn nghệ sĩ và công chúng thể hiện nỗi bức xúc với những bất cập trong quy chế, quy trình xét chọn giải thưởng, danh hiệu. Kiểu xét chọn nặng tính công thức, ít nhiều lệ thuộc vào chủ quan của những người tham gia quy trình tuyển chọn, xét tuyển đã khiến không ít tác phẩm văn học nghệ thuật, nghệ sĩ (NS) xứng đáng bị gạt ra bên lề.

Hội đồng xét duyệt nặng tính hành chính

Theo Nghị định 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được thực hiện qua ba cấp: hội đồng cấp cơ sở, hội đồng cấp bộ, tỉnh và hội đồng cấp Nhà nước (thực hiện qua hai bước: Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và Hội đồng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL).

Bắt đầu từ cấp bộ, tỉnh, hội đồng có từ 11 đến 25 thành viên, bao gồm nhiều thành phần khác nhau: từ phó chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc hoặc phó giám đốc phụ trách nghệ thuật Sở VH-TT-DL, đại diện ban tuyên giáo, ban thi đua khen thưởng… đến lãnh đạo các bộ, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, đài phá t thanh, đài truyền hình, Hội Văn học nghệ thuật, đại diện các đơn vị nghệ thuật; chuyên gia về các chuyên ngành nghệ thuật, NSND, NSƯT… Hồ sơ đủ tiêu chuẩn gửi lên hội đồng cấp trên xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT phải được ít nhất 90% tổng số thành viên hội đồng bỏ phiếu đồng ý.

Tương tự, Nghị định 90/2014/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cũng quy định việc xét tặng giải thưởng sẽ thông qua ba cấp hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL thành lập theo từng lĩnh vực nghệ thuật và Hội đồng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL.

Đây là năm đầu tiên Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước quy định điều kiện được trao giải của tác phẩm phải đạt 90% số phiếu bầu, thay vì chỉ 75% như những năm trước đây.

Bức xúc của giới làm nghề nhiều năm nay xoay quanh việc thành viên hội đồng chuyên ngành tham gia xét giải thưởng, danh hiệu cấp Nhà nước chỉ có vài đại diện ít ỏi bên cạnh tỷ lệ cao những người thuộc “chính quyền”. Ở các giải thưởng của hội nghề nghiệp, thành viên ban giám khảo, hội đồng chuyên môn đều là những người hoạt động trong nghề, am hiểu chuyên môn. Giải thưởng Hội Nhà văn hằ ng năm được phân chia gồm hội đồng thơ và hội đồng văn xuôi.

Về tỷ lệ bình chọn, tác phẩm chỉ cần đạt ở mức quá bán sẽ được xét trao giải… Trong khi đó , những hội đồng xét duyệt danh hiệu, giải thưởng lại được cấu thành bở quá nhiều thành viên khác nhau. Chiếu theo nghị định về cơ cấu thành phần thì những người thực sự am hiểu và gắn bó, sâu sát với từng lĩnh vực, chuyên ngành… dường như có phần “lép vế”.

Xét duyệt máy móc và cảm tính

Từ nhiều năm nay, cứ mỗi đợt xét duyệt trao tặng NSND, NSƯT là một lần dấy lên những bức xúc trong giới làm nghề. Gầ n đây, trong đợt trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần 8-2015, giới làm sân khấu (SK) TP.HCM trĩu nặng với nỗi buồn TP không có NS nào được trao tặng danh hiệu NSND, trong khi xét về tài năng và cống hiến cho SK, TP có nhiều NS không thua kém, thậm chí còn trội so với một số NS được trao tặng trong đợt này. Ngay cả tiêu chí về huy chương, có NS được phong tặng ở địa phương khác cũng chưa đủ theo quy định.

Xet duyet giai thuong, danh hieu: Bao gio thoi may moc va cam tinh?
NSƯT Út Bạch Lan - người cả cuộc đời gắn bó và cống hiến tài năng cho sân khấu cải lương nhưng không được xét tặng NSND vì những quan điểm khô cứng, máy móc

Tuy nhiên, không như suy nghĩ của số đông công chúng và cả người làm nghề, phần lỗi không hẳn do việc xét tặng có khuất tất, bất công mà vấn đề ở trách nhiệm của hội đồng xét duyệt tại địa phương. Đại diện Hội SK TP.HCM từng phản ứng khá gay gắt với khâu xét duyệt hồ sơ của phòng Tổ chức Sở VH-TT TP.HCM. Phía Hội SK cho rằng phòng tổ chức đã quá máy móc, gần như chỉ “đếm huy chương” để duyệt hồ sơ và vì vậy, nhiều NS dù rất xứng đáng nhưng không đủ huy chương hoặc đủ huy chương nhưng bị thất lạc giấy chứng nhận… đã bị loại ngay từ hội đồng của địa phương.

Năm 2012, lần đầu tiên TP có bốn trường hợp được đặc cách phong tặng NSND là NSND Viễn Châu, NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu và NSND Lệ Thủy. Những tưởng đó là bước “tiên phong”, tạo tiền lệ để TP tiếp tục xét duyệt hồ sơ xét tặng danh hiệu cho những NS tài năng, có nhiều cống hiến cho SK TP. Nhưng đến lần xét duyệt hồ sơ cho đợt phong tặng danh hiệu lần thứ tám, giới làm nghề lẫn công chúng đã rất thất vọng nghe đại diện Sở VH-TT trả lời trên truyền thông là sẽ không còn đặc cách!

Thực tế chứng minh đặc cách hay không, không nằm ở quy định chung mà tù y thuộc vào “ý chí” của từng địa phương. Rất nhiều địa phương đã sử dụng tốt “quyền” đặc cách và bảo vệ thành công hồ sơ của các NS ở địa phương mình. Trong danh sách các NS được trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần 8-2015, các NS không đủ huy chương không phải hiếm, nằm rải rác ở các tỉnh từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến các tỉnh thành phía Bắc.

Khi còn những hội đồng cấp cơ sở máy móc dựa vào những tiêu chí đã được cho là bất cập, ít nhiều nặng tính chủ quan thì hội đồng ở những cấp cao hơn lại không đủ thông tin, thiếu sự hiểu biết rõ ràng, cụ thể về từng cá nhân, đặc thù của từng loại hình nghệ thuật… Thực tế này khiến những chuẩn mực cho việc đánh giá tài năng, cống hiến của nghệ sĩ vẫn mang nhiều cảm tính.

Theo Nghị định 89/2014/NĐ-CP, việc xét duyệt hồ sơ để trao tặng danh hiệu dựa trên các tiêu chuẩn: thời gian công tác, số huy chương; trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề, có tài năng nghệ thuật xuất sắc… Ngoại trừ thời gian làm nghề và số huy chương có thể “đong đếm” một cách cụ thể, các tiêu chí còn lại lệ thuộc rất nhiều vào cảm tính của các thành viên hội đồng. Nhiều ý kiến cho rằng đây chính là “kẽ hở” để thành viên hội đồng thể hiện quyền lực “sinh sát” của mình.

Với yêu cầu phải có ít nhất 90% số phiếu đồng ý mới được “đi tiếp vòng trong”, NS được xét chọn đành đặt mình vào tâm lý may nhờ, rủi chịu. Nếu chẳng may không được lòng một thành viên của hội đồng xét tuyển thì có nguy cơ bị đánh trượt vì tiêu chí đạo đức là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra bởi “nhân vô thập toàn” và ý kiến được đưa ra tại hội đồng là một chiều. Chờ được kiểm chứng thì có khi phải… chờ thêm ba năm nữa.

Trong đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 8-2015, biên đạo múa Tuyết Minh có 22 năm theo nghề với 12 HCV, 11 HCB và nhiều bằng khen, giấy khen…. nhưng chị bất ngờ bị loại ở cấp Nhà nước vì lý do “vi phạm quy chế, đạo đức làm việc tại đơn vị công tác”. Tuyết Minh khẳng định chị chưa bị nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào, đồng thời lên tiếng yêu cầu được chỉ “đích danh” vi phạm của mình nhưng kết quả vẫn là phải phấn đấu chờ đến đợt sau.

Thành phần hội đồng và tiêu chí chấm giải có vấn đề

Một bất cập khác theo nhà văn Đỗ Tiến Thụy (tạp chí Văn nghệ quân đội): “Có thể thấy các thành viên hội đồng xét giải thưởng Nhà nước được trao trọng trách chấm giải trên phạm vi quá rộng. Không riêng gì Nỗi buồn chiến tranh, ở các lĩnh vực nghệ thuật khác cũng có những tác phẩm hay, những người xứng đáng bị bỏ sót”. Nhiều văn nghệ sĩ cho rằng các chuyên gia về âm nhạc, hội họa khó cảm thụ hết giá trị của một tác phẩm văn học và ngược lại, nhà văn cũng sẽ “gặp khó” để xét giải cho một tác phẩm đỉnh cao về múa hay mỹ thuật.

Các NS của nhiều lĩnh vực khác nhau như xiếc, tuồng, chèo, cải lương, âm nhạc, điện ảnh… cùng nằm trong một hội đồng xét chọn danh hiệu là bất cập dù trước đó hồ sơ đã được hội đồng chuyên ngành xét chọn. Do khó có thể am tường hết từng NS, từng lĩnh vực nghệ thuật, liệu lá phiếu bình chọn có thực sự khách quan và không chịu bất kỳ một ảnh hưởng nào? “Vấn đề cốt lõi ở việc xác định thành phần hội đồng xét giải và tiêu chí chấm giải. Ngay từ đầu đã có những bất hợp lý nên dẫn đến những hệ lụy không đáng có như đã xảy ra” - nhà văn Đỗ Tiến Thụy bày tỏ.

Tính cục bộ trong hội đồng xét duyệt cũng là vấn đề cần quan tâm. Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8-2015 chỉ có hai gương mặt đại diện cho khu vực miền Nam là Chủ tịch Hội SK TP.HCM - NSND Trần Ngọc Giàu và NSND Trà Giang. Hầu hết các thành viên còn lại đều thuộc bộ, các cơ quan hoặc các hội ngành nghề Trung ương. Đáng nói hơn, ở lĩnh vực văn học, trong hầu hết các đợt xét giải cấp Nhà nước, thành viên hội đồng chuyên ngành luôn vắng bóng các đại diện từ các tỉnh thành khác, kể cả TP.HCM.

“Phải chăng giải thưởng cấp Nhà nước lâu nay cũng chỉ mang tính cục bộ? Hội Nhà văn TP.HCM gần như không có tiếng nói nào, cũng không có đại diện tham vấn trong Hội Nhà văn Việt Nam. Chưa kể là còn rất nhiều tác giả có tác phẩm hay ở các vùng miền khác trong cả nước. Không loại trừ khả năng giải thưởng cấp Nhà nước lâu nay cũng đã bỏ qua rất nhiều tác phẩm có giá trị” - nhà văn Trầm Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM bức xúc.

Nhà văn Chu Lai - thành viên Hội đồng xét giải cấp Nhà nước nói rằng ông đã dành nhiều thời gian để thuyết trình, bảo vệ giá trị tác phẩm trước toàn hội đồng. Nhưng cũng lực bất tòng tâm khi chỉ có 4/28 thành viên hội đồng xét giải là thuộc chuyên ngành văn học. Đây cũng là vấn đề gây băn khoăn, hoài nghi về sự công bằng, xác đáng đối với kết quả của giải thưởng cấp Nhà nước những năm trước. Không ai biết được liệu từng có những tác phẩm giá trị đã bị bỏ qua nếu không có trường hợp Nỗi buồn chiến tranh của mùa giải năm nay.

Những bất cập trong khâu xét duyệt khiến nhiều nghệ sĩ tài năng, thực sự được công chúng yêu mến không còn tha thiết với danh hiệu, giải thưởng. Ở một góc nhìn khác, điều này ít nhiều còn khiến những giải thưởng, danh hiệu đánh mất giá trị khi số đông công chúng, khán giả đang mất dần thói quen nhìn nhận giá trị tác phẩm, tên tuổi của NS thông qua những giải thưởng, danh hiệu mà họ đạt được.

Thảo Vân - Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI