Xếp hạng đạo diễn, diễn viên: Cần bao nhiêu "bằng" để nghệ sĩ "thăng hạng"?

09/09/2015 - 22:58

PNO - Theo điều 2 - chương I của dự thảo, đạo diễn (ĐD) và diễn viên (DV) sẽ được xếp theo bốn thứ hạng, thấp nhất là hạng IV, cao nhất là hạng I.

Thông tin bộ VH - TT - DL đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo thông tư liên tịch quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh với những quy định xếp hạng cho đạo diễn, diễn viên đang gây xôn xao giới nghệ sĩ, dù quy định này chỉ dành cho các đơn vị công lập.

CHOÁNG KHÔNG ĐỠ NỔI!

Theo điều 2 - chương I của dự thảo, đạo diễn (ĐD) và diễn viên (DV) sẽ được xếp theo bốn thứ hạng, thấp nhất là hạng IV, cao nhất là hạng I. Ngoài tiêu chí về chuyên môn, kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp, huy chương, giải thưởng trong nước và quốc tế… nghệ sĩ (NS) còn phải có chứng chỉ ngoại ngữ, trình độ tin học, chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ...

Chương II với những tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (từ điều 4 đến điều 11) gồm nhiều quy định đang gây bức xúc cho người trong cuộc: ĐD muốn được thăng hạng phải có thâm niên (ĐD hạng II lên hạng I phải có sáu năm, ĐD hạng III lên hạng II phải có chí n năm...).

Các ĐD phải mất 18 năm để được thăng từ hạng IV đến hạng I. Ngoài quy định thời gian, ĐD, DV còn lệ thuộc rất nhiều vào số lượng huy chương, giải thưởng... Ví dụ, để được tăng từ hạng II lên hạng I, ĐD phải có ít nhất hai giải vàng quốc gia (hoặc quốc tế), hoặc một giải vàng quốc gia (hoặc quốc tế) và hai giải bạc quốc gia (hoặc quốc tế); phải có thời gian giữ chức danh ĐD hạng II tối thiểu đủ sáu năm (điều 4).

 Tương tự, để thăng hạng từ chức danh DV hạng III lên chức danh DV hạng II phải có thời gian giữ chức danh DV hạng III tối thiểu đủ tám năm (tốt nghiệp đại học khi được tuyển dụng) và chín năm (tốt nghiệp cao đẳng khi được tuyển dụng); có ít nhất một giải vàng quốc gia (hoặc quốc tế) hoặc hai giải bạc quốc gia (hoặc quốc tế) (điều 9 - chương II).

Quy định về nhiệm vụ của ĐD, DV ở từng thứ hạng cũng gây nhiều hoang mang cho các NS. Theo chương II, nhiệm vụ của ĐD hạng I là chủ trì dàn dựng các chương trình, tác phẩm sân khấu và điện ảnh có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; quy mô lớn, hoành tráng; phát hiện khuynh hướng nghệ thuật mới, xác định khuynh hướng nghệ thuật của chuyên ngành; xác định và chỉ đạo tính thống nhất về phong cách nghệ thuật của đơn vị; chủ trì tổ chức đánh giá, phân tích, xử lý kịch bản...

DV hạng I thì nhiệm vụ được ghi rõ là “đảm nhận những vai diễn chính, có diễn xuất nội tâm đa chiều, phức tạp của các chương trình, tác phẩm sân khấu và điện ảnh có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; quy mô lớn, hoành tráng; thể hiện ngôn ngữ hình tượng nghệ thuật có những sáng tạo độc đáo cho những nhân vật chính”. Còn các DV từ hạng IV đến hạng II thì chỉ ”đảm nhận vai diễn được giao”...

Xep hang dao dien, dien vien: Can bao nhieu
Tài năng như NSND Hoàng Cúc sẽ được xếp hạng nào?

“CÔNG CHỨC HÓA” NGHỆ SĨ?

Thực tế, ở lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, gần như không có quốc gia nào đưa ra đánh giá, xếp loại dựa trên những tiêu chí mang tính định lượng như bằng cấp, học lực, trình độ ngoại ngữ… Bởi, bên cạnh sự rèn luyện và đào tạo, sáng tạo nghệ thuật còn phụ thuộc rất nhiều vào tư chất thiên bẩm của từng cá nhân.

Tự thân sự yêu mến của khán giả, của người làm nghề (thông qua các giải thưởng được người làm nghề thừa nhận và lượng vé bán ra) đã là thước đo đánh giá NS đó.

Việc phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thứ hạng như dự thảo sẽ “bó” NS vào một khuôn khổ mà trong đó, những NS thứ hạng thấp sẽ khó có cơ hội để chứng tỏ sức sáng tạo đột phá.

Trong mục Nhiệm vụ của ĐD hạng I, II, III, IV, dự thảo đề nghị các ĐD phải “Theo dõi hiệu quả xã hội của tác phẩm, chương trình sau khi đưa ra rộng rãi công chúng nhằm tiếp tục nâng cao, hoàn thiện tác phẩm”.

Điều này hoàn toàn không khả thi khi áp dụng cho ĐD điện ảnh, vì một bộ phim sau khi làm xong và ra rạp thì cho dù nhận được những lời khen chê ĐD cũng không còn cơ hội để sửa chữa hay nâng cao, hoàn thiện tác phẩm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI