Xem vở Trung thần: Chết vì vua hay sống vì dân?

09/08/2016 - 11:45

PNO - Trung thần lấy bối cảnh từ lúc vua Gia Long quyết định chọn hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi, sau đó Lê Văn Duyệt được cử vào làm Tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai.

Dự án Tôi yêu cải lương do Hội Sân khấu TP.HCM và Sân khấu Idecaf phối hợp tổ chức sẽ chính thức mở màn suất diễn đầu tiên với vở Trung thần (TG-ĐD NSƯT Hoa Hạ - chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt) vào tối 26/8 tại Nhà hát Bến Thành, Q.1.

Trung thần lấy bối cảnh từ lúc vua Gia Long quyết định chọn hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi, sau đó Lê Văn Duyệt được cử vào làm Tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai, thay cho Nguyễn Huỳnh Đức vừa mất, cho đến khi Lê Văn Duyệt qua đời. Vở mang nhiều yếu tố dã sử nhưng bám rất chắc những sự kiện lịch sử liên quan đến triều đình và thân thế, sự nghiệp của Lê Văn Duyệt.

Xem vo Trung than: Chet vi vua hay song vi dan?
Trung thần - sự phối hợp đẹp và ăn ý ở những người trẻ của sân khấu cải lương

“Vua xử thần tử, thần bất tử bất trung” - có bao nhiêu vị quan đã chấp nhận “cửa tử” để được là trung thần? Bao nhiêu vị quan trở thành bất trung nhưng cái chết của họ đã ghi dấu vào lịch sử bởi họ đã chọn cái chết vì dân, vì nước? Dẫu ở thời ấy, trong mắt vua, họ là kẻ phản nghịch và cái chết của họ có thể còn làm liên lụy đến cả dòng tộc... Một phần đời của tả quân Lê Văn Duyệt cách đây ngót nghét hai thế kỷ được kể lại gần gũi, sinh động và mang nhiều thông điệp khiến người xem suy ngẫm.

Điều đặc biệt ở Trung thần là nhịp hiện đại ở một vở cải lương lịch sử với bối cảnh đầu thế kỷ XIX. Người xem bị cuốn vào mạch vở diễn không chỉ bằng những tình tiết nhiều kịch tính được xếp đặt đan xen, mà còn bởi tiết tấu khá nhanh. Câu chuyện về một nhân vật quen thuộc với cái kết đã được ghi chép trong sử sách nhưng vẫn hấp dẫn và thuyết phục. Sân khấu hoành tráng, phục trang đẹp, tiết tấu thiên về phong cách của những vở diễn hiện đại như vẫn thường thấy ở những vở do ĐD NSƯT Hoa Hạ dàn dựng, nhưng Trung thần không vì thế mà mất đi chất mềm mại, trữ tình của nghệ thuật cải lương. Không sử dụng quá nhiều mảng miếng để tạo dấu ấn riêng cho đạo diễn, Trung thần tập trung khai thác tối đa khả năng ca diễn của diễn viên, là một trong những điểm nhấn quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của vở diễn.

Nhân vật tả quân Lê Văn Duyệt như được “đo ni đóng giày” cho diễn viên Lê Trung Thảo, để anh khoe chất giọ ng, khả năng diễn xuất với nhiều cung bậc cảm xúc. Khi là những trăn trở, giằng xé giữa suy nghĩ phải là trung thần của vua, mặc kệ những chuyện trái tai gai mắt, mặc kệ lời khóc than ai oán của dân đen, hay phải sống cho dân, vì dân, dù biết mình và người thân sẽ phải đón nhận tai ương khủng khiếp vì dám chống lệnh vua. Lúc lại là một bậc trung thần đầy hào khí, quyết liệt, sẵn sàng đối mặt với cái xấu, cái ác, bất kể kẻ ác, người xấu là ai, quyền cao, chức trọng cỡ nào.

Trong khi đó, hữu quân Lê Chất là một trong những vai diễn khá ấn tượng của diễn viên Điền Trung từ trước đến nay. Phối hợp khá ăn ý với Lê Trung Thảo, Điền Trung đã có một lớp diễn đầy cảm xúc khi thể hiện nỗi đau đớn, dằn vặt của một vị trung thần vì trung với vua mà không đủ mạnh mẽ để bảo vệ nhân dân nên tự hành hạ mình cho đến chết.

Là vở diễn xã hội hóa của Hội Sân khấu TP.HCM theo cách tất cả cùng chung tay góp sức, các diễn viên Lê Trung Thảo, Lê Tứ, Tú Sương, Điền Trung, Võ Minh Lâm, Minh Trường, Lê Thanh Thảo... dù đảm nhận vai chính hay chỉ xuất hiện ở vài lớp diễn ngắn, đều thể hiện sự nỗ lực hết mình. Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến tác giả chuyển thể Hoàng Song Việt, người đã góp công không nhỏ để kịch bản Trung thần mang đậm chất cải lương với những bài ca, câu vọng cổ mượt mà, được đặt để hợp lý trong từng tình huống, tâm lý nhân vật…

Trung thần có hai suất diễn lúc 20g ngày 26 và 27/8 tại Nhà hát Bến Thành, Q.1.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI