Xây nhà hát ngàn tỷ: Liệu có một nhà hát 'Trần Hữu Trang phẩy'?

10/10/2018 - 11:49

PNO - Cả thành phố đang nhìn về Thủ Thiêm, về nhà hát ngàn tỷ; đòi hỏi chính quyền thành phố, cũng như những người thực hiện công trình này có những bước đi thận trọng, hợp lý.

Sau 20 năm chờ đợi, giấc mơ về một nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế cuối cùng cũng được hiện thực hóa… thêm một bước sau kỳ họp thứ X của HĐND TP.HCM khóa IX ngày 8/10 vừa qua. Thế nhưng, dư luận đang đặt câu hỏi: vì sao chủ đầu tư dự án này lại là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM - “tác giả” của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang với hàng loạt sai phạm đến nay vẫn chưa được giải quyết?

Xay nha hat ngan ty: Lieu co mot nha hat 'Tran Huu Trang phay'?
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang xây xong để đó, gây bức xúc dư luận

Lo ngại về một sai phạm “kép”

Dù kết luận thanh tra số 17/KL-TTTP-P3 đã công bố cụ thể những sai phạm ở dự án Nhà hát cải lương (NHCL) Trần Hữu Trang, chẳng hiểu vì lý do gì, đến nay, việc xử lý những cá nhân, đơn vị liên quan dường như chẳng có gì đáng kể.

Trong khi thành phố vẫn nợ người dân một câu trả lời dứt điểm về hàng trăm tỷ đã bị xem như đổ sông đổ biển, chủ đầu tư công trình này lại tiếp tục được chọn để quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách, để đầu tư xây dựng công trình nhà hát trị giá hơn 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm. Điều này làm dấy lên lo ngại về một sai phạm “kép” mà NHCL Trần Hữu Trang là bài học cay đắng nhãn tiền.

Theo quy định, chủ đầu tư xây dựng có nhiệm vụ tổ chức thẩm định, phê duyệt các bước thiết kế, dự toán xây dựng cũng như phê duyệt các kế hoạch đấu thầu, nghiệm thu để đưa công trình vào khai thác, sử dụng… Khi chủ đầu tư không đủ điều kiện, năng lực thì phải thuê tổ chức, đơn vị tư vấn quản lý dự án.

Thế nhưng, theo kết quả thanh tra, trong quá trình triển khai thực hiện công trình NHCL Trần Hữu Trang, ban quản lý (BQL) này của Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP.HCM đã tỏ ra là một đơn vị yếu kém, không đủ năng lực để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, để xảy ra nhiều sai phạm, dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười là công trình không đáp ứng được yêu cầu của đối tượng thụ hưởng.

Tại sao trong rất nhiều lựa chọn, rất nhiều đơn vị có năng lực, có kinh nghiệm quản lý, đầu tư, thành phố lại giao công trình cho BQL đầu tư xây dựng công trình của Sở VH-TT - đơn vị có một hồ sơ không hề “đẹp”?

Cần minh bạch hóa thông tin

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo Phụ Nữ TP.HCM về việc liệu Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) có lo ngại về một NHCL Trần Hữu Trang thứ hai không, với tư cách là đơn vị thụ hưởng công trình ngàn tỷ này; NSƯT Trần Vương Thạch - Giám đốc HBSO - không phủ nhận nỗi lo lắng của mình.

Xay nha hat ngan ty: Lieu co mot nha hat 'Tran Huu Trang phay'?
Chủ đầu tư công trình Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang lại tiếp tục được chọn để đầu tư xây dựng nhà hát trị giá hơn 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm.

Ông khẳng định, nhà hát không phải là một công trình xây dựng bình thường mà nó đòi hỏi những quy chuẩn kiến trúc khắt khe, đúng chuẩn quốc tế, để đảm bảo chất lượng xây dựng lẫn khả năng phục vụ nghệ thuật. Muốn vậy, phải là người có năng lực và chuyên môn để làm. Theo người đứng đầu HBSO, Việt Nam không có kinh nghiệm xây nhà hát.

Sau khi đã được thông qua chủ trương, Sở VH-TT TP.HCM sẽ làm các thủ tục để xin thành phố ghi vốn vào năm 2019. Công trình này cũng sẽ được tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc quốc tế.

NSƯT Trần Vương Thạch cho rằng, việc thi tuyển thiết kế kiến trúc quốc tế là cần thiết, nhưng việc làm cho đúng, cho chuẩn theo bản thiết kế đó cũng quan trọng không kém, thậm chí là yếu tố quyết định chất lượng công trình. Chỉ như thế, chúng ta mới mong có được một nhà hát đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, đảm bảo yếu tố mỹ thuật mà vẫn khoa học, hợp lý.

Ngoài ra, việc minh bạch hóa quá trình thực hiện dự án: từ thông tin, ý kiến chuyên gia, cho tới việc đấu thầu, tiền bạc… cũng cần thực hiện. “Đến một cột bê tông có hàm lượng cát và xi măng bao nhiêu trong đó, người ta còn đo được, nói gì đến những cái khác. Một ví dụ nhỏ như thế để thấy, tất cả các quy trình đều có hết. Quan trọng là người ta có làm đúng chuẩn hay không mà thôi. Để làm tốt điều đó, cần những người liên quan có trách nhiệm, không tham nhũng, ăn bớt thì mọi thứ sẽ ổn” - ông Thạch nói thêm.

Đồng quan điểm, NSƯT Trần Minh Ngọc chia sẻ, người làm nghề và công chúng TP.HCM vẫn luôn đòi hỏi sự minh bạch trong đấu thầu thi công xây dựng - từ tên tuổi, năng lực các đơn vị dự thầu, trúng thầu cần được công khai.

Xay nha hat ngan ty: Lieu co mot nha hat 'Tran Huu Trang phay'?
Nhà hát ngàn tỷ sẽ được xây dựng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đơn vị trúng thầu xây dựng một nhà hát quy mô như nhà hát của HBSO cần có kinh nghiệm, từng xây dựng những nhà hát quy mô tương tự. Quá trình xây dựng cũng nên có sự tham khảo, trao đổi ý kiến với các nhà chuyên môn, những người làm nghề có kinh nghiệm để nhà hát đảm bảo những quy chuẩn kiến trúc khắt khe của một nhà hát giao hưởng.

Nhân dân đang quan sát

Dự án xây nhà hát giao hưởng cho TP.HCM không phải bây giờ mới có mà đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quyết định phê duyệt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025. Trong danh mục các dự án xây dựng cơ bản của khối VH-TT có 10 công trình thì bảy công trình là của ngành văn hóa.

Theo đó, lộ trình thực hiện các dự án này có ba mốc: 2011-2015, 2016-2021 và 2021-2025. So với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt đối với đầu tư công cho dự án này, năm 2018 mới duyệt chủ trương xây dựng là quá trễ.

Tuy nhiên, do câu chuyện nhà hát được đưa ra bàn bạc vào một thời điểm khá nhạy cảm của thành phố - việc khiếu kiện của người dân Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết, nên mọi việc trở nên ồn ào, gây nhiều dư luận trái chiều. Sự cần thiết trong việc chuẩn bị thiết chế văn hóa, đặt nền móng cho sự phát triển nói chung ở TP.HCM là điều không ai có thể phủ nhận. Thế nhưng, đưa ra một thiết chế không có giá trị sử dụng, một thiết chế lỗi thì thà không gầy dựng còn hơn.

Một NHCL Trần Hữu Trang đội vốn từ 59,3 tỷ đồng lên 132,4 tỷ đồng, xây xong bỏ đó, là quá đủ chua xót. Một HBSO được xây lên từ 1.508 tỷ đồng ngân sách nhà nước (chưa chắc có bị đội vốn như nhiều công trình khác hay không) mà biến thành một NHCL Trần Hữu Trang thứ hai thì sẽ rất khó để hình dung được cơn giận dữ của nhân dân.

Vì thế, câu chuyện một nhà hát được xây trên nền đất Thủ Thiêm lại càng nóng hơn bao giờ hết, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Cả thành phố đang nhìn về Thủ Thiêm, về nhà hát ngàn tỷ; đòi hỏi chính quyền thành phố, cũng như những người thực hiện công trình này có những bước đi thận trọng, hợp lý.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI