'Xài tiền tỷ vẫn than nghèo' - người trong nghề nói

20/06/2015 - 09:13

PNO - PN - Chuyện các nhà hát công lập 'xài tiền tỷ vẫn than nghèo' là nỗi bức xúc của chính những người trong nghề khi so với các đơn vị xã hội hóa.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ : Nên tạm dừng những đơn vị kém hiệu quả

Là ủy viên Hội Sân khấu TP.HCM, ủy viên Hội đồng nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ nhiều lần đặt Câu hỏi: Có bao giờ người quản lý các ĐVNT nhà nước tự vấn “Vì sao các đơn vị ngoài công lập phải tự thân vận động vẫn sống được?”

* Quan điểm của chị trước thực trạng các ĐVNT dù được cấp ngân sách hàng tỷ đồng vẫn “lép vé” so với các ĐVNT ngoài công lập?

- Xin thẳng thắn nói rằng, ở đa số các nhà hát công lập, người quản lý chưa giỏi. Thay vì than van kinh phí được cấp không đủ để chi trả lương, phải biết tính toán một cách hợp lý để giữ chân người có tài. Không thể “nuôi quân” theo kiểu đại trà, không thể để tồn tại một bộ máy vừa lạc hậu, vừa già nua, cũ kỹ như hiện nay.

Thói quen tiêu tiền ngân sách khiến người nghệ sĩ kém năng động và hành xử như những công chức nhà nước: đi làm đúng giờ hành chính, ngại xông pha, từ chối những việc làm, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phấn đấu. Nếu không có người quản lý giỏi thì nên chăng tạm ngừng các ĐVNT công lập hoạt động không hiệu quả, đừng để tiếp tục lãng phí ngân sách nhà nước.

'Xai tien ty van than ngheo' - nguoi trong nghe noi

* Trong khó khăn chung, một số nhà quản lý các đơn vị công lập cho rằng khán giả không đến nhà hát một phần vì cơ sở vật chất thiếu thốn, rạp hát không có bãi giữ xe…?

- Có nhiều thứ tôi cảm nhận nó cũ kỹ, lạc hậu đến mức… mốc meo! Nghệ thuật không chấp nhận những điều cũ kỹ, lạc hậu đó. Nghệ thuật lúc nào cũng phải tự làm đẹp mình, tự làm sáng mình và sáng ra công chúng. Người nghệ sĩ không thể an phận, không thể thiếu sáng tạo. Có quá nhiều điều bất hợp lý trong việc quản lý các ĐVNT công lập, nhưng vì sao bao nhiêu năm nay vẫn cứ tồn tại? Một nhà hát mà biên chế chủ yếu là nhân viên, hậu đài, hành chính…, sao có thể gọi là một nhà hát nghệ thuật? Nhưng nghịch lý là nó vẫn cứ tồn tại một cách “hợp lý”.

* Nhưng có ý kiến cho rằng TP. HCM vẫn rất cần có những ĐVNT công lập để thực hiện nhiệm vụ định hướng, xây dựng, bồi đắp đạo đức con người mới, điều các đơn vị ngoài công lập khó toàn tâm toàn ý đảm đương do còn bận “cơm áo gạo tiền”...

- Trong điều kiện chung của các hoạt động nghệ thuật, cách định hướng tốt nhất là định hướng theo vở diễn hoặc vào những thời điểm đặc biệt trong năm. Thay vì phải gánh những đơn vị công lập với hàng tỷ đồng để làm nhiệm vụ định hướng, mọi việc sẽ đơn giản, tiết kiệm hơn khi tập trung đầu tư cho một dự án, một vở diễn cụ thể của trại sáng tác hoặc bất kỳ những sân khấu tư nhân nào đang được đánh giá tốt về nghệ thuật, sự chuyên nghiệp và có dự án, kế hoạch cụ thể.

Để được chọn đầu tư kinh phí, ngoài một kịch bản có nội dung tốt, đơn vị được nhận đầu tư cam kết sẽ thực hiện bao nhiêu suất diễn doanh thu, bao nhiêu suất diễn phục vụ… theo yêu cầu. Chuyển số tiền đầu tư cho một đơn vị công lập kém hiệu quả sang những đơn vị ngoài công lập hoạt động hiệu quả, hoặc tài trợ trực tiếp cho những vở diễn được đánh giá tốt về tư tưởng, chất lượng nghệ thuật và có tác động tích cực về mặt xã hội thì khoản ngân sách đó có ích hơn, đời sống văn hóa nghệ thuật ở TP.HCM cũng sẽ khác. Tôi tin cách đầu tư này vừa đỡ tốn kém, vừa hiệu quả.

 THẢO VÂN (thực hiện)

Nhà hát cần biết tạo ra ngôi sao

Đầu tư cho nghệ thuật công lập vẫn là việc nên làm, bởi hiện tại và tương lai những đơn vị công lập vẫn phải giữ nhiệm vụ định hướng. Tuy nhiên, việc đầu tư không thể theo kiểu cào bằng hoặc nhỏ giọt, mà phải đủ để xây dựng những vở diễn, chương trình nghệ thuật mang tính mẫu mực, tiêu biểu cho khuynh hướng nghệ thuật chung, tiêu biểu cho hoạt động nghệ thuật của TP.

Đổi lại, các đơn vị nghệ thuật công lập cũng phải có những tiêu chí rõ ràng về phương hướng, hiệu quả. Nhà hát không nên chờ có điều kiện để mời các nghệ sĩ, diễn viên có tên tuổi mà phải tự tạo ra những tên tuổi của chính nhà hát, phải tạo được niềm tự hào cho những nghệ sĩ, diễn viên được đứng trên sân khấu của mình.

Để làm được điều này cần có chiến lược lâu dài. Phải gầy dựng người trẻ trở thành ngôi sao. Nếu không thể làm được tất cả những điều trên thì có lẽ đã đến lúc nên rà soát lại việc duy trì những đơn vị nghệ thuật công lập.

ĐD-NSƯT TRẦN MINH NGỌC

Hình như họ sợ... phiền

Từ tết đến nay, chúng tôi không nản chí, tiếp tục đi tìm các sân khấu, đa phần là trực thuộc các nhà văn hóa hay đơn vị nghệ thuật nhà nước để thuê địa điểm hoạt động. Điều lạ là hầu hết các địa điểm chúng tôi tìm đến quanh năm không hoạt động gì nhưng luôn cho chúng tôi những bảng giá thuê trên trời hay “điệp khúc chờ”.

Chúng tôi tự hỏi sao lại lãng phí những mặt bằng đẹp, sao có thể để trang thiết bị “trùm mềm” như vậy? Chúng tôi đến với mong muốn hợp tác thiện chí, với kế hoạch và kịch mục rõ ràng, nhưng vẫn không tìm thấy sự hứng thú nào từ những đơn vị chủ quản. Cảm giác của tôi là họ sợ phiền, bởi lẽ để không như thế họ vẫn có lương, còn nếu hợp tác với chúng tôi, họ sẽ thêm việc mà lương thì chưa biết có tăng không!

ĐD NGUYỄN KHẮC DUY

Lấn cấn giữa nhiệm vụ định hướng và doanh thu

Một trong những khó khăn của Nhà hát kịch TP.HCM hiện nay là sự lấn cấn giữa nhiệm vụ định hướng và doanh thu. Dựng vở theo đúng định hướng thì không có khán giả, nhưng chạy theo doanh thu như các sân khấu thị trường hiện nay thì lại sai định hướng. Ở thời điểm này tìm được một kịch bản vừa đảm bảo cả hai yếu tố định hướng lẫn doanh thu là điều hoàn toàn không đơn giản.

Trừ vở diễn tham dự cuộc thi sân khấu kịch nói toàn quốc, nhà hát không dựng thêm vở mới vì kinh nghiệm cho thấy dựng theo định hướng thì chỉ tiêu tốn thêm ngân sách mà không hiệu quả. Phối hợp với một đơn vị tư nhân để duy trì sân khấu sáng đèn là một trong những cách làm trong kế hoạch kéo khán giả trở lại với nhà hát. Thù lao cho diễn viên cũng là vấn đề. Không nghệ sĩ tên tuổi nào chịu về nhà hát để hưởng mức lương hai-ba triệu đồng/tháng.

Tôi cho rằng cần có sự phân định rạch ròi giữa định hướng và doanh thu. Nếu đã định hướng thì cần bao cấp toàn bộ, mức lương, thù lao của nghệ sĩ cũng cần tương xứng để họ tự hào họ là người của Nhà hát kịch TP.

Ông NGUYỄN ANH KIỆT, Giám đốc nhà hát kịch TP.HCM

Yếu khâu quảng cáo, tiếp thị

Đúng là nguồn ngân sách đầu tư cho các đơn vị nghệ thuật (ĐVNT) công lập chủ yếu để chi cho quỹ lương nhằm đảm bảo đời sống nghệ sĩ, diễn viên. Có thể mức thù lao biểu diễn không cao, nhưng ngoài lương cố định họ còn có tiền luyện tập, tiền thanh sắc, phụ cấp nghề nghiệp… Nhà nước đảm bảo đời sống cho nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên các ĐVNT, trách nhiệm còn lại thuộc về các nhà quản lý và sự nỗ lực của diễn viên.

Tuy vậy, khâu còn yếu hiện nay của các ĐVNT, khiến hiệu quả biểu diễn chưa cao là việc quảng cáo, tiếp thị, trong khi các đơn vị tư nhân rất giỏi khâu này. Một phần do từ nhiều năm nay các đơn vị công lập vẫn quen nhắm đến mục đích phục vụ là chính nên chỉ giỏi làm chuyên môn mà không quen việc tính toán, kinh doanh.

Việc xã hội hóa các ĐVNT có lẽ là điều tất yếu trong tương lai. Nhưng ở thời điểm này tôi cho rằng sự so sánh giữa các đơn vị xã hội hóa và công lập là hơi khập khiễng và không công bằng.

Ông NGUYỄN ĐỨC THẾ, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI