Với Diệp Lang chiều cuối năm

11/02/2018 - 06:30

PNO - Tôi từng nhìn thấy ông giận dữ. Rất nhiều lần, trên sân khấu. Là khi ông và vai diễn của mình đang nhập vào làm một.

Là khi Hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu phải mượn rượu để trút hết ẩn ức của một kẻ chấp nhận quả báo, nhưng vẫn không giấu được nỗi chua xót cho một tình yêu tuyệt vọng. Là khi ông Hương Cả cha của Tô Ánh Nguyệt gằn từng tiếng đanh thép trong đoạn thoại với cha của Minh để bảo vệ cái tôi thủ cựu, bài ngoại. Nhưng chứng kiến cảnh ông thật sự giận dữ - khi tấm rèm nhung của sân khấu đã kéo xuống và bắt đầu bám bụi bởi không còn mấy cơ hội để kéo lên - thì đó là lần đầu tiên. 

Voi Diep Lang chieu cuoi nam

Vào một buổi chiều cách đây gần hai mươi năm, câu chuyện giữa chúng tôi đột ngột bị khựng lại khi có ai đó nhắc đến hai chữ “thoái trào”. Cải lương có những ngày giẫy giụa trong nỗi buồn số phận. 

Ông chấp nhận nhìn những hẩm hiu của nó đi qua đời mình, trở nên trầm tính và ít nói hơn. Nhưng buổi chiều hôm đó, ông thốt ra từng lời uất nghẹn: “Tụi nhỏ bây giờ, cứ hễ cái gì xấu xí, lòe loẹt, phi thẩm mỹ là nó gán cho “cải lương”.  “Mày cải lương quá”, ý là mày sến quá... Cải lương là sến hả? Cải lương có tội tình gì mà nói vậy? Hả?...”. 

Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông khóc. Là ông khóc cho chính mình chứ không phải cho những nhân vật của mình. Tôi không dám nhìn vào mắt ông, lúc ấy đang vằn lên những tia máu sau làn nước rất mỏng.

Sau gần hai mươi năm, những nỗi buồn rồi cũng cũ dần. Gia đình ông giờ đã sum họp cùng nhau ở một nơi cách nỗi buồn của mình nửa vòng trái đất. Đã bảy cái tết trôi qua, thêm cái tết này nữa là tám. Vào những buổi chiều cuối năm như buổi chiều hôm nay, tôi cứ chạnh lòng tưởng tượng nơi xứ người, một ông già tay run rẩy bật vô tuyến truyền hình coi đi coi lại những tuồng xưa tích cũ, nghe anh kép độc Diệp Lang ca những câu lòng bản chắc nhịp, nẩy giòn. 

Nếu cái tết của những người Việt xa quê ở xứ sở cờ hoa có lắm nhớ thương, day dứt, khắc khoải, thì cái tết của ông già luôn đau đáu với nỗi buồn còn chưa nguôi ở quê nhà liệu có không khỏi bùi ngùi? 

“Chú ơi chú có khỏe không?” 

Voi Diep Lang chieu cuoi nam
Đã tám năm nay, ông ăn tết gần nhà mà xa xứ, còn nỗi buồn nào vời vợi hơn

Cách duy nhất để liên lạc với ông già mắt đỏ năm xưa chỉ có thể là những dòng email ngắn ngủi. Diệp Tiên, con trai út của ông dặn đi dặn lại: “Chị viết ngắn thôi nhé, mắt ba em không thấy đường, thêm bệnh parkinson nên tay ba run lắm, ba cũng không nói chuyện được lâu...”. Hình ảnh ông già lủi thủi bên chiếc ti vi nơi xứ người tự dưng hiện lên qua những câu nói của Diệp Tiên làm tôi lặng đi thật lâu trước màn hình máy tính, mãi mới biên vội vài dòng trước khi rụt rè bấm nút “send”.

- Cô đọc thư con cho chú nghe rồi, gặp lại con chú mừng quá. Mà con hỏi gì chú quên ráo trọi trơn.

- Dạ con hỏi chú có khỏe không. Chú ăn tết ở bển có gì vui kể con nghe với.

- Chỗ chú ở có nhiều người Việt mình đâu mà vui. Ờ có mỗi đêm 30 mới thực là tết. Chú bày mâm cỗ đủ bộ lễ nghĩa ngoài sân, thắp nhang rước ông bà về ăn tết cùng gia đình, cầu xin một năm mới bình an mạnh khỏe cho cháu con hết thảy...

- Chú có cầu gì cho mình không?

- Chú cầu cho mắt chú thấy đường, tim chú đỡ mệt để chú ngồi máy bay về Việt Nam. Chú muốn tự chạy xe máy ra rạp Nguyễn Văn Hảo, là cái rạp đầu tiên chú diễn hồi còn theo ba đi ca cải lương. Hồi đó bên hông rạp là một bãi rác thiệt lớn, chứ đâu có nhà cửa đẹp đẽ như bây giờ. Lần trước về Việt Nam, chú cũng chạy ra đó rồi chớ. Chú cứ đứng một mình đằng sau lưng rạp hát vậy đó. Đứng miết mà chẳng biết để làm gì. Chú nhớ sân khấu quá con à...

Voi Diep Lang chieu cuoi nam

Bên kia đầu dây có tiếng sụt sùi. Rất khẽ. Làm gì có giọt nước mắt nào là tình cờ. Tàn nhẫn như Hội đồng Thăng mà còn biết chảy nước mắt trước bi kịch rất thật, rất đau vì một tình yêu sở hữu nhưng đơn phương với cô Lựu: “Tôi cũng là con người mà. Vợ chồng gì ngủ xoay mặt vô vách, không ai nói với ai tiếng nào. Từ ngày tôi cưới bà về, tôi chưa bao giờ thấy bà nở với tôi nụ cười. Gương mặt lúc nào cũng trầm tư, u uất, nặng nề, âm trì, địa ngục”... 

Lúc đó, ông Hội đồng cũng khóc. Hay gã độc ác tên Phê trong vở Khi người điên biết yêu còn biết đau đớn trước khi trút cạn hơi thở trên tay người mà mình ôm lòng thù hận đến thời khắc cuối cùng của cuộc đời. Sân khấu ấy, ánh đèn ấy, âm thanh ấy, không khí ấy, những nhân vật ấy vào những năm tháng ấy, cùng những giọt nước mắt của kép độc Diệp Lang luôn làm người ta ám ảnh mỗi khi nhớ lại. 

Nhưng chắc chắn sẽ không giống với tiếng sụt sùi rất khẽ bên kia đầu dây. Nó thật đến độ tất cả những giao tiếp bất kể bằng phương tiện gì lúc này cũng đều trở nên thừa thãi, vô nghĩa. Tôi im lặng chờ cho cơn xúc động của ông qua đi, mà thật tình là ngoài im lặng ra, tôi cũng chẳng biết phải làm gì bây giờ.

- Mà con biết hôn, có một việc làm trong đêm ba mươi, từ mấy chục năm nay, chưa năm nào chú quên hết. Cứ hễ thắp nhang cúng ông bà xong xuôi, là chú tự tay pha một ly cà phê thiệt ngon, thiệt đậm, rồi chú nói vầy: “Con mời ba về uống cà phê, ăn tết với con”. Lúc nói câu đó, dù đã là ông già 77 tuổi mà chú cứ tưởng mình là một đứa con nít con à. Bởi vì hồi tám tuổi, chú đã theo ba đi diễn tuồng rồi. Hai cha con cứ diễn xong là rủ nhau đi cà phê vỉa hè. 

Voi Diep Lang chieu cuoi nam

Ông Ba Diệp, cha của Diệp Lang mất khi ông còn chưa đủ tuổi lớn khôn, nên ký ức về người cha bao giờ cũng gắn với những hình ảnh thời ông còn bé dại. Đó là những tháng ngày ông lon ton theo ba đi theo gánh Phụng Hảo, ông Ba Diệp ngồi trong cánh gà say sưa gảy đờn kìm, cậu nhóc Diệp Lang, con ông ngồi bên cạnh, nhìn theo hướng ánh đèn sân khấu sáng lòa ngoài kia, mắt dán chặt vào nghệ sĩ Hai Tiền trong vai Hội đồng Thăng, còn nghệ sĩ Phùng Há đóng vai cô Lựu. Xem mê mải mà không bao giờ dám nghĩ rằng mấy chục năm sau, chính mình cũng sẽ trở thành một Hội đồng Thăng nức tiếng. 

Sực nhớ ngón đờn kìm trứ danh của ông Ba Diệp, tôi hỏi:

- À hồi đó theo ba đi hát, sao chú không nói ba truyền cho cái món đờn kìm? 

- Có chớ, nhưng ba không ưng chú theo nghiệp đờn. Ba biểu con học hát đi, đặng khán giả còn biết mặt mình, chớ người đánh đờn suốt đời chỉ ngồi trong cánh gà. Công việc thầm lặng mà cay đắng lắm. Đào kép hát sai cái là đổ thừa thằng đánh đờn sai, tội vạ gì thằng đánh đờn chịu hết...

- Dạ, có cái tết nào làm chú nhớ hoài không?

- Chú chẳng nhớ gì cả. Chú bệnh quá nên cứ nhớ nhớ quên quên. May mà được chữa miễn phí không mất đồng nào, họ thương chú nghệ sĩ nghèo làm gì có tiền. Họ biểu chú ca vọng cổ cho họ nghe là được rồi.

- Vậy giờ chú còn ca vọng cổ được không?

- Chú cũng không nhớ câu nào để mà ca đó chớ. Vai diễn gì tuồng gì chú quên ráo trọi rồi...

Voi Diep Lang chieu cuoi nam

Tự dưng tôi nhớ một trong những căn bệnh người già là nhiều đoạn ký ức trong đời họ sẽ rơi vào vùng dữ liệu trắng xóa. Dân gian gọi là bị lẫn. Khi không còn ký ức, người già trở nên hân hoan như một đứa trẻ, họ sẽ sống rất bản năng, không lo nghĩ và hoàn toàn không còn ý thức về những hoạt động của mình. Nhưng có vẻ điều này chưa xảy ra với ông già Diệp Lang. Ông vẫn kể vanh vách tên từng người anh, người thầy, đồng nghiệp, anh em bạn bè, người còn sống cũng như đã khuất. Tôi tin đó là đoạn ký ức sống mãi ở một góc nhỏ trong tim ông già mắt đỏ mà tôi từng biết.

- Về Việt Nam là chú đi thăm mộ hết thảy anh em bạn bè đã mất. Như anh Hà Triều, anh Hoa Phượng, Thanh Sang, Thanh Tòng... Ai ở gần là chú đi hết. Thanh Tú bây giờ cũng ngồi một chỗ rồi. Phương Lan thì quên trước quên sau. Thoại Miêu, Quỳnh Nga, Thanh Nguyệt, Quốc Nhĩ, Minh Vương, Lệ Thủy... cũng già cả rồi... 

Lớp đàn em đứa nào cũng thương chú. Vợ chồng Hoài Thanh, Đỗ Quyên gặp chú là chúc anh Hai khỏe hoài để còn đi hát với tụi em. Thanh Ngân, Thoại Mỹ thì cứ nhét tiền vô tay chú, biểu ba giữ đó để uống cà phê. 

Có lần tập tuồng, anh kép độc Trường Xuân nói với chú vầy chớ: Diệp Lang ơi, giờ em dạy anh hát đi, còn anh dạy em diễn. Chú nói trời ơi anh Ba, anh là thầy của em mà, sao anh lại nói vậy? Giờ mình lớn tuổi rồi, cứ hát thật bình tĩnh thôi anh...

Có những người chú mãi mãi biết ơn trong cuộc đời, chẳng hạn như Hồng Vân là người nâng đỡ, tạo điều kiện cho Diệp Tiên theo nghề của chú. Là bác sĩ Võ Quang Nghiêm, người đã tận tình chữa lành đôi mắt của chú, là những giáo sư, bác sĩ người Pháp chữa tim cho chú không mất tiền... 

Voi Diep Lang chieu cuoi nam

 Hai tiếng đồng hồ sau khi cuộc hội thoại từ hai nửa vòng trái đất kết thúc, tôi lại nhận được điện thoại của ông già mắt đỏ, một lần nữa.

- Lúc nãy chú quên nói với con hai điều quan trọng.

- Dạ chú nói đi, con nghe ạ...

- Một là hồi chú về Việt Nam, chú đã về quê hương Sa Đéc để thăm mồ mả tổ tiên. Hồi chú mới quen cô, đưa cô về quê, thấy cô thắp hương bàn thờ ông bà mà chú ưng cô đó. Chú rất quý những người coi trọng gia đình, nguồn cội. Còn điều quan trọng thứ hai, là chú thương thằng Châu Thanh lắm, nó là đệ tử ruột của chú mà nãy chú quên nhắc tên nó, rủi nó buồn...

Voi Diep Lang chieu cuoi nam
Voi Diep Lang chieu cuoi nam
Voi Diep Lang chieu cuoi nam

Rồi ông cúp máy. Lần này là cúp thiệt. Chắc ông cũng phần nào yên tâm vì trong trí nhớ hạn hẹp của người già, ông đã không bỏ sót bất cứ một cái tên nào, một khoảnh khắc nào làm nên con người và cuộc đời mình, dẫu vinh quang rất ngắn mà nỗi buồn thì quá dài. Bấy nhiêu cũng đủ vui để người nghệ sĩ nhân dân đi qua một mùa tết xứ người với cái tâm thanh thản, hân hoan. 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI