Võ Diệu Thanh: Viết từ cô đơn đỉnh trời

28/04/2015 - 04:16

PNO - PN - Độc giả lâu nay vốn quen thuộc với nhà văn đất mũi Nguyễn Ngọc Tư qua những trang viết se thắt, thăm thẳm về thân phận con người. Và, có một cây bút khác của miền sông nước cũng đã chọn lối đi tìm đến tận cùng nỗi đau,...

Vo Dieu Thanh: Viet tu co don dinh troi

Cho hạt bụi đi vào vô cùng

Cây bút nữ này đang dần khẳng định mình trên văn đàn như một tên tuổi vượt trội của văn chương đồng bằng. Khởi đầu từ giải nhì cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần IV với tác phẩm Đứa con gái ngỗ ngược (NXB Trẻ, 2010), Võ Diệu Thanh đã liên tục ra mắt những tác phẩm mới. Câu chuyện nào cũng như đi trong tận cùng nỗi bĩ cực đời người.

Võ Diệu Thanh có đôi mắt buồn. Khi trò chuyện với ai cũng thấy chị cười thật tươi, nhưng khoảnh khắc một mình đôi mắt ấy cứ trầm xuống, lặng lẽ. Người ta nói ai có đôi mắt buồn thường sống nội tâm, hay suy nghĩ và cũng là người đeo mang nhiều gánh nặng vô hình trong tâm tư. Có lẽ Võ Diệu Thanh là một người như vậy. Trang viết của chị cũng buồn như đôi mắt, khắc khoải những nốt trầm trên những thân phận của con người miền sông nước, như những dòng trôi không biết phải rẽ nhánh về đâu.

Thanh là cô giáo tiểu học, mỗi ngày tiếp xúc với hồn nhiên ngây thơ con trẻ và đầy tiếng cười. Vậy mà mỗi đêm về ngồi với trang viết, đâu đó những số phận - nỗi buồn và tiếng khóc của đời cứ đeo bám chị theo từng con chữ. Chị như tách mình ra ở hai thế giới, một trong đời thực xôn xao cười nói và một trong cô đơn đỉnh trời, chỉ còn chị và những cuộc đời bi ai.

“Tôi đi nhiều, lắng nghe nhiều và đôi lúc thấy mình giống... một cái thùng rác để người khác trút cạn nỗi niềm. Nỗi đau nào của đời cũng nặng. Trong cuộc đời mênh mông này, có những bi kịch mà nếu không được tận mắt chứng kiến, người ta sẽ không bao giờ nghĩ ra. Có những số phận bĩ cực đến không lối thoát. Miền Tây đất hào sảng, con người phóng khoáng nhưng tiềm ẩn trong lòng nó là những bi kịch hành hạ người ta đến tận cùng.

Tôi thấy mình có trách nhiệm lắng nghe, chia sẻ với những số phận ấy. Những nỗi đau ấy khiến tôi thấy đau đớn, dồn nén để rồi được thoát ra bằng con chữ. Tôi thấy đâu đó trong những bi quẫn của nhân vật cũng thấp thoáng nỗi đau của chính mình” - Võ Diệu Thanh chia sẻ.

Đọc truyện của chị, từ Cô con gái ngỗ ngược đến Lời thề đá, Gạt nước mắt đi, rồi mới đây nhất là Mười bảy cây số đường ma, đều là những cuộc dẫn dụ vào nội tâm nhân vật mà khởi đầu nào cũng bắt đầu từ những dấu lặng, từ đó, đau đến tận cùng.

Vo Dieu Thanh: Viet tu co don dinh troi

Một mình đi với chính mình

Võ Diệu Thanh nói, có lẽ cuộc sống đã chọn cho chị con đường chữ nghĩa - mà phải mất đến ba mươi năm loay hoay vật vã mới tìm ra. Tuổi thơ vì hoàn cảnh riêng, chị không có bạn bè mà cũng ít được gần gũi ba mẹ. Mỗi ngày cứ tự chơi tự trò chuyện, có lúc nói với bông điên điển, lúc trò chuyện với cái ghế trong góc nhà... Khi giận ai cũng một mình ngồi khóc rồi tự đối thoại với hư không trong tâm tư của một đứa trẻ. Lắm lúc chơi trò công chúa hoàng tử cũng cùng một lúc đóng hai vai… “Giống như một dạng... tự kỷ vậy.

Tôi đã lớn lên như thế, cái gì cũng tự nói với mình từ bên trong, lớn lên trong cô đơn triền miên. Sau này có con và đi dạy, tôi luôn cố gắng không bao giờ để con tôi, học trò tôi thiếu thốn tình cảm, thiếu vắng bạn bè. Ở tuổi trưởng thành, định hình nhân cách, đứa trẻ càng cần được chia sẻ” - chị bày tỏ.

Ba mươi năm, khoảng thời gian quá dài để một người nhận ra mình muốn gì và có thể làm được gì. Võ Diệu Thanh nói, có lúc chị đã sống trong mớ bòng bong rối loạn của cảm xúc, u tối đến mức không biết mình chết lúc nào. Cuộc hôn nhân bắt đầu bằng lựa chọn của chị và kết thúc cũng do chị quyết định từ bỏ. Chị bỏ chạy khỏi cuộc sống khi mỗi ngày giằng xé giữa thực tế trần trụi và những trang viết cần sự tri âm.

Thanh nói, ngày quyết định ly hôn, chị không nghĩ gì ngoài ý nghĩ duy nhất: phải chạy đi để được sống, rồi muốn ra sao thì ra. Chị kiếm tiền thêm bằng cách nấu bún cá gánh đi bán sau giờ dạy học, oằn lưng giữa cuộc mưu sinh và gánh năm tháng trầm luân của cuộc đời mình chỉ với ý nghĩ vì con. Cho đến ngày chị mở được cánh cửa tâm hồn về với chữ…

Phụ nữ đã đi theo nghiệp chữ nghĩa đều khổ tâm. Không bằng cách này thì cũng là cách khác. Nhưng, trong khi rất nhiều người viết mang nỗi đau của mình ẩn hiện trong những trang viết thì Võ Diệu Thanh lại không. Chị bảo chị chỉ “xài” nỗi đau riêng trong câu chữ chia sẻ cùng các nhân vật; thẩm thấu những giá trị mình chắt lọc được từ những cuộc vượt thoát nội tâm của chính mình để trang viết sâu hơn, lắng đọng hơn. Còn thì không độc giả nào thấy được cuộc đời của chị. Võ Diệu Thanh từng nói một câu mà ai nghe cũng phải se lòng: “vẫn yêu cuộc sống dù nước mắt cứ chảy…”.

Lâu rồi, chị đã tin vào nhân duyên của Phật và quán tập thiền định, giữ tâm bất biến giữa đời vạn biến để mỗi sớm mai thức giấc đều là một ngày vui; để mỗi trang viết đều để lại những giá trị có ý nghĩa cho cuộc đời. Bây giờ, chị đã hoàn thành xong một bản thảo tạp văn và một truyện vừa viết cho thiếu nhi, có lẽ cũng là lúc nỗi đau đã lặng đi để trái tim được trở về với những điều cần viết cho thơ trẻ…

TIỂU QUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI