Vĩnh cửu - nét duyên của Trần Anh Hùng

10/09/2016 - 07:12

PNO - Phim không có cốt truyện, không có những nút thắt - mở cụ thể, cũng không kể theo trật tự thời gian, mà là những lát cắt đan xen hiện tại và quá khứ trong cuộc đời của ba nhân vật.

Với sự nghiệp làm phim hơn 30 năm nhưng số tác phẩm đếm chưa quá mười đầu ngón tay, lại đều gây tiếng vang, nên phim mới nào của đạo diễn Trần Anh Hùng cũng được người xem háo hức chờ đợi.

Vĩnh cửu cũng không ngoại lệ, nhất là đã sáu năm qua, kể từ Rừng Na Uy, đạo diễn họ Trần mới trở lại màn ảnh rộng. Chuyển thể từ Nét duyên góa phụ (L’ élégance des Veuves) - một tác phẩm nổi tiếng của nữ nhà văn Pháp Alice Ferney, Vĩnh cửu (Éternité, Pháp-Bỉ sản xuất, khởi chiếu tại VN từ 9/9) nói về hành trình yêu và sống của ba người phụ nữ Valentine, Gabrielle và Mathilde.

Phim không có cốt truyện, không có những nút thắt - mở cụ thể, cũng không kể theo trật tự thời gian, mà là những lát cắt đan xen hiện tại và quá khứ trong cuộc đời của ba nhân vật. Ba nữ quý tộc này sống ở cuối thế kỷ thứ XIX, thời điểm mà phụ nữ chỉ dồn hết tâm trí, sức lực cho gia đình; trong xã hội thì chiến tranh và bệnh tật dễ dàng cướp đi sinh mạng của mọi người.

Hôn nhân của ba người tuy có xuất phát điểm khác nhau: Valentine tự do chọn người bạn đời, con dâu của Valentine là Mathilde lấy được người bạn thanh mai trúc mã, Gabrille - bạn của Mathilde, thì kết hôn do cha mẹ sắp đặt, nhưng khi bước chân vào hôn nhân, cả ba đều tìm thấy hạnh phúc trong vai trò làm vợ, làm mẹ. Cũng vì thế, những trải nghiệm cảm xúc từ sự rạng ngời của cô dâu trong lễ cưới, những rụt rè khi lần đầu chạm đến tình yêu vợ chồng, niềm vui vỡ òa khi chào đón một sinh linh bé bỏng, sự bất lực khi nhìn từng đứa con qua đời, nỗi niềm hụt hẫng lúc mất chồng của họ dường như không có gì khác nhau.

Vinh cuu - net duyen cua Tran Anh Hung
Những cảnh quay thể hiện tình yêu thương con được nhấn nhá rất lâu

Trần Anh Hùng đã dẫn dắt người xem đi qua từng cung bậc cảm xúc đó không bằng lời thoại mà bằng những cú quay liên hoàn theo chân nhân vật, kết hợp cùng tiếng đàn piano thánh thót (phim dài 170 phút nhưng phần âm nhạc chiếm đến 140 phút). Cùng với thủ pháp sử dụng lời người kể chuyện, việc để âm nhạc vang lên thong thả, chầm chậm dẫn dắt người xem, đã thể hiện được mạch cảm xúc của các nhân vật, từ đó giúp người xem cảm nhận được sự thiêng liêng của thiên chức người phụ nữ và quy luật sinh-lão-bệnh tử.

Trong phim, những cảnh hạnh phúc được nhấn nhá khá kỹ, nhất là khoảnh khắc các nhân vật thể hiện tình mẫu tử. Những cái ôm ấp, hít hà, mân mê từng ngón tay của con trẻ được diễn tả chậm rãi, truyền được cho người xem cảm nhận về sự gắn kết vô hình giữa mẹ- con. Khi người mẹ thể hiện tình yêu với con mình cũng là lúc người mẹ đó gieo hạt giống yêu thương cho con và lan truyền tình yêu đó đến cả những người xung quanh.

Những phụ nữ trong Vĩnh cửu là thế - như mọi phụ nữ khác, dù họ sống ở đâu, vào thời đại nào, bởi đó là giá trị bất biến của người phụ nữ. Ngược lại, những phân đoạn đau buồn trong phim được tiết chế và thể hiện khá nhanh, cắt cảnh chớp nhoáng, ngụ ý quy luật sinh-tử của cuộc sống cũ ng bất chợt, con người phải chấp nhận để bước tới.

Cách thể hiện này có thể làm người xem hụt hẫng, vì cảnh trước vừa thấy nhân vật khóc lóc vật vã khi con bệnh chết, chồng qua đời thì ngay cảnh sau đã thấy nhân vật tươi cười vui đùa. Có phải đạo diễn đã dễ dàng cho trôi qua những ký ức đau buồn đó? Câu trả lời nằm ở thủ pháp làm phim phi tuyến tính. Bằng cách xáo trộn trình tự thời gian các cảnh, đan xen giữa hiện tại và quá khứ, những phút giây buồn đau của nhân vật như được trở đi trở lại chứ không hề trôi qua nhanh chóng, sớm chìm vào quên lãng.

Một điều cũng khiến khán giả khó chấp nhận là phim chẳng giải thích gì nhiều về nguyên nhân những cái chết của các nhân vật. Tuy nhiên, đây lại là phim của Trần Anh Hùng, là nét duyên của anh để lại trong Vĩnh cửu. Với Vĩnh cửu, chất duy mỹ trong cách làm phim của Trần Anh Hùng như càng được đẩy lên cao.

Từng khung hình đẹp đến nghẹt thở, màu sắc được sử dụng mang đến cảm nhận rõ rệt về sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên: chàng trai đàn cho cô gái nghe bên dòng sông thơ mộng; cặp tình nhân trao nhau nụ hôn bên dải thác trắng xóa; vợ chồng con cái cùng ngồi đọc sách, vẽ tranh bên cỏ hoa xanh mướt trong khuôn viên biệt thự hay trên bờ biển cát trắng phau, nước xanh thăm thẳm.

Thế mạnh về hình ảnh và phong cách kể chuyện rất riêng của Trần Anh Hùng đã tạo nên Vĩnh cửu đẹp như một bài thơ. Trong khung cảnh đó, nhân vật cực kỳ kiệm lời, từng hành động như thật khẽ khàng, những điểm xung đột cao trào đã nhường chỗ cho sự cảm nhận của từng cá nhân về thiên chức của người phụ nữ, về những giá trị của tình yêu và về quy luật của cuộc sống.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI