Văn học đồng bằng sông Cửu Long: Thơ tẻ nhạt, văn thiếu bứt phá, 'vùng trắng' phê bình

06/09/2019 - 08:05

PNO - Ở thời đại công nghệ sôi động như hiện nay, thay vì hòa nhịp, không khí văn chương của vùng ĐBSCL lại trở nên trầm lắng.

Trong hội thảo về thơ và văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long 45 năm (1975-2020) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại tỉnh Bến Tre, nhiều người nhận định, cũng như con sông Hàm Luông hiền hòa nằm cạnh nơi diễn ra hội thảo, văn học đồng bằng sông Cửu Long đang “trôi” lặng lẽ trong bối cảnh sôi động về mọi mặt của vùng đất này.

Thiếu bứt phá

Phát biểu đầu tiên tại hội thảo, nhà thơ Lê Chí đặt câu hỏi: “Thơ rồi sẽ ra sao?”. Ông nhận định, khác với những lớp nhà thơ trước, thơ trẻ bây giờ phần lớn đi tìm cách thể hiện mới, có khi lạ lẫm, cầu kỳ về hình thức, trong khi những tác giả lớp trung niên, đã định hình tên tuổi thì vẫn giữ giọng điệu chân phương như ngày đầu, “cảm xúc dàn trải, sức gợi không đều”. Kết quả là những bài thơ tẻ nhạt, vô cảm lần lượt ra đời, trong khi công chúng cần những tác phẩm chân thực, giàu cảm xúc.

Để lý giải, nhà thơ Lê Chí cho rằng, do bản lĩnh nhập cuộc, dấn thân của nhà thơ hiện nay còn kém, nên chưa chắt lọc, chưa mang được chất sống của thời đại vào tác phẩm. 
Không đến nỗi lạc điệu với nhịp sống hôm nay như thơ, văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhiều năm qua cho thấy vẫn có điểm sáng để hy vọng. Các tác giả Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Lê Minh Nhựt, Lê Quang Trạng… đã có những tác phẩm vượt khỏi phạm vi của vùng đất này. Nhưng vài cái tên là chưa đủ. Tác giả trẻ văn xuôi tuy nhiều, nhưng phần lớn vẫn loay hoay với những đề tài cũ, lối viết cũ, màu sắc giống nhau mà thiếu sự bứt phá để tìm con đường riêng.

Van hoc dong bang song Cuu Long: Tho te nhat, van thieu but pha, 'vung trang' phe binh
Giữa lúc nhịp sống khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày càng sôi động, hiện đại, văn học - nghệ thuật khu vực này vẫn trầm lắng…

Đáng báo động nhất là mảng phê bình văn học và dịch thuật khu vực ĐBSCL: như một “vùng trắng” suốt nhiều thập niên qua. Nhà thơ Võ Tấn Cường cho rằng, ĐBSCL là vùng đất phát triển nhiều loại hình văn học nghệ thuật, nhưng con người vùng này không có truyền thống phát kiến những tư tưởng thẩm mỹ, các hệ hình, phương pháp phê bình văn học nghệ thuật (?!). Trang phê bình văn học của các tạp chí văn học nghệ thuật địa phương chủ yếu đăng các bài phê bình theo phong cách báo chí. Tại các diễn đàn đối thoại về văn học nghệ thuật, các nhà phê bình khu vực ĐBSCL hầu như vắng bóng, dẫn đến thực tế nhiều tác phẩm chất lượng của các tác giả ĐBSCL không được giới thiệu, kết nối kịp thời với độc giả.

Cần tạo không khí sáng tác cho vùng đồng bằng

Không phát biểu trên diễn đàn hội thảo, nhà văn Ngô Khắc Tài chia sẻ về không khí sáng tác của văn học ĐBSCL. Theo ông, không khí sôi nổi một thời đã trở thành chất xúc tác để nhiều cây bút lớp trước hăng hái viết và thành danh. Từ ngày đất nước thống nhất, đến giai đoạn đổi mới, các văn nghệ sĩ đồng bằng luôn hòa nhập với xã hội sớm nhất. Một loạt tác giả mới xuất hiện, góp phần hình thành đội ngũ sáng tác văn học đông đảo cho vùng đất này như: Phạm Trung Khâu, Trịnh Bửu Hoài, Nguyễn Trọng Tín, Đinh Thị Thu Vân, Song Hảo, Nguyễn Thanh, Hồ Thanh Điền... Sự liên kết giữa các hội văn học nghệ thuật trong khu vực, thông qua các cuộc thi sáng tác, đã tiếp lửa cho các tác giả, trở thành mảnh đất tốt cho nhiều cây bút trẻ xuất hiện.

Tuy nhiên, ở thời đại công nghệ sôi động như hiện nay, thay vì hòa nhịp, không khí văn chương của vùng ĐBSCL lại trở nên trầm lắng. Nhà văn Ngô Khắc Tài cho rằng, công nghệ đã giúp con người có cuộc sống hiện đại, thuận lợi hơn. “Nhà văn cần phải đi để thấy, phát hiện, nuôi dưỡng cảm xúc. Nhưng ở thời công nghệ phát triển như bây giờ, chỉ với chiếc điện thoại trên tay, người ta có thể khám phá tất cả. Nhiều nhà văn, vì thế, cũng an phận với chiếc điện thoại. Thế giới ảo lấn lướt, khiến cảm xúc cạn dần” - nhà văn Ngô Khắc Tài nói.

Van hoc dong bang song Cuu Long: Tho te nhat, van thieu but pha, 'vung trang' phe binh

Không khí sinh hoạt tại hội ở một số tỉnh giờ mất dần chất văn nghệ, không còn tạo được không gian nuôi dưỡng cảm xúc. Nhà thơ Trúc Linh Lan bày tỏ mong muốn Hội Nhà văn Việt Nam cần quan tâm đến văn học ĐBSCL nhiều hơn, tổ chức thường xuyên các hội thảo, tọa đàm, giao lưu, để đội ngũ sáng tác có dịp gặp gỡ, trao đổi với nhau, nhằm giữ lửa sáng tác.

Xã hội đang chuyển biến từng ngày, người làm văn nghệ cũng phải thay đổi theo nhịp phát triển, để có những phương pháp quản lý phù hợp, tạo ra môi trường, không khí mới cho lực lượng sáng tác. Nói như nhà thơ Lê Chí, nhà văn, nhà thơ như người trồng hoa và làm vườn - chọn đất, chọn giống và chăm bón tốt thì mới mong có được những mùa hoa đẹp, trái ngọt. 

Các hội văn học nghệ thuật địa phương được xem là nơi nuôi dưỡng không khí sáng tác và ươm mầm các cây bút trẻ. Thế nhưng hiện nay, nhiều hội đã không còn làm được điều đó. Tại nhiều địa phương, việc sắp xếp lại tổ chức hội (bỏ biên chế tại hội, nhập chung hội văn nghệ với các hội khác) khiến văn học không còn được quan tâm như trước, dẫn đến công tác bồi dưỡng, tạo sân chơi cho các tác giả trẻ ngày càng thưa vắng.

Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI