Tuyển tập văn chương 'ế': Vì đâu nên nỗi?

24/11/2018 - 06:00

PNO - Trong khi sách của nhiều cây bút mới toanh có thể 'làm mưa làm gió' trên thị trường, nhiều tuyển tập tác phẩm hay của không ít tên tuổi đã thành danh lại thường trong tình trạng 'ế chỏng chơ'.

Thời gian qua, văn đàn đón nhận nhiều tuyển tập thơ, truyện, tùy bút… tập hợp nhiều thế hệ nhà văn, thể loại, phong cách.

Đáng buồn là hầu hết đều chỉ được những cây bút có tác phẩm in trong tuyển tập chia sẻ, còn lại đều im ắng. Hai tuyển tập văn xuôi, tản văn do báo Thời Nay giới thiệu - Giấc mơ trên những cánh rừng Nơi ta đi qua, người ta đã gặp (nhà xuất bản Hội Nhà văn) - có sự góp mặt của nhiều cây bút nổi tiếng, như: Di Li, Đinh Phương, Hoàng Việt Hằng, Lữ Thị Mai, Văn Thành Lê… cũng chỉ được người trong cuộc chia sẻ lác đác, mang tính kỷ niệm là chính.

Tuyen tap van chuong 'e': Vi dau nen noi?
Các tuyển tập thường mang dấu ấn của người chọn, không đoán được ý của công chúng

Trước đó, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP.HCM cũng đầu tư in các tuyển tập thơ văn trẻ: Nhịp điệu ban mai, Trên đôi cánh thanh xuân… (nhân hai kỳ hội nghị viết văn trẻ toàn quốc và TP.HCM); để rồi những cuốn sách “tập hợp lực lượng, diện mạo trẻ” này cũng chỉ mang tính lưu hành nội bộ. 

Trước thị trường sách quá sôi động, văn chương nói chung và những tuyển tập nói riêng cứ gói mình trong dòng chảy yên tĩnh đến trầm khuất trong khi lẽ ra, những tác phẩm tinh tuyển ấy mới là giá trị đa chiều của những ngòi bút đặc sắc và phần nào cho thấy diện mạo thế hệ.

Tuyen tap van chuong 'e': Vi dau nen noi?
Người viết trẻ luôn biết cách quảng bá tác phẩm.

“Dù các tuyển tập thường được lựa chọn khá kỹ, tiêu chí, tác giả có tên tuổi song đều bán chậm. Có thể vì tác giả có tiếng, nhưng thời đã qua, đối tượng phân khúc thấp. Đặt tên cho tuyển tập cũng là một nghệ thuật, ảnh hưởng đến việc bán được sách. Cách đặt tên khô cứng như “tuyển văn, tuyển thơ” thật khó lôi cuốn độc giả. Việc tổ chức giới thiệu, quảng bá sách đến đối tượng bạn đọc phù hợp cũng vô cùng cần thiết” - một nhà phát hành sách lâu năm nói.

Nhà văn trẻ Văn Thành Lê, hiện công tác tại nhà xuất bản Kim Đồng, bổ sung: “Hầu hết tuyển tập của các báo/ban tổ chức hội thảo văn chương in chủ yếu để làm quà cho khách. Khâu phát hành dạng sách này không được chú tâm lắm. Nhưng nói cho cùng, các tuyển phẩm chọn lọc, tập hợp từ những cuộc thi văn chương rất khó bán. Nhà xuất bản Kim Đồng trước cũng có in sách dạng tuyển tập văn trẻ, nhưng mấy năm nay không còn chú ý nữa”. 

Tuyen tap van chuong 'e': Vi dau nen noi?

 Nhà thơ - nhà văn Nguyễn Hồng: "Còn cào bằng, hời hợt"

Với tuyển tập, mình đọc được nhiều tác giả hơn, cũng có nghĩa là gặp được nhiều cách viết, thấy được nhiều góc nhìn. Ví dụ, cuốn tuyển truyện Buổi sáng biến mất của báo Văn Nghệ, tuyển những cây bút nữ của Hội Nhà văn Việt Nam, những truyện ngắn hay của báo Thanh Niên… Người thích đọc chắc chắn sẽ có cách chọn sách của riêng mình.

Một số tuyển tập hiện nay chưa có sức lan tỏa, tôi nghĩ cũng có lý do riêng. Một số cuốn chỉ mang dấu ấn cá nhân của người tuyển. Sự hời hợt, cẩu thả hoặc có khi là ý chí chủ quan của người tuyển không đón trúng ý người đọc, nên rất dễ bị bỏ qua. 

Thêm nữa, một số cuốn còn mang tính cào bằng, làm cho kịp chương trình chẳng hạn; hay kiểu sách đến hẹn lại lên, có kinh phí nên làm tuyển. Người làm vội vàng, không đặt tiêu chí rõ ràng, sẽ biến tuyển tập văn chương trở thành tập hợp, tệ hơn là chẳng khác gì cuốn kỷ yếu. Dần dần người đọc bỏ qua tuyển tập thơ, truyện

Một số đơn vị hiện còn in sách tuyển tập: nhà xuất bản Trẻ với các Tuyển tập truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Tuyển tập truyện ngắn hay Văn Nghệ Quân Đội, Tuyển Văn Mới, Truyện ngắn Trẻ… Nhà xuất bản Văn học hay một số nhà xuất bản khác làm theo đặt hàng của các báo, công ty liên kết.

Mới đây, Phanbook cũng cho ra mắt tuyển tập Sài Gòn những biểu tượng (gồm nhiều bài viết về ký ức Sài Gòn xưa của các tác giả nổi tiếng: Lưu Vĩ Lân, Du Tử Lê, Phan Triều Hải…). Tầm nửa thập niên về trước, dạng tuyển tập còn khá thịnh hành, nhưng từ khi các cây bút mới biết PR cho tên tuổi riêng, dạng sách in chung ngày càng mất dần vị thế.

“Thật ra, đối tượng đọc và chịu mua sách hiện nay phần lớn là người trẻ. Nếu tác phẩm tuyển bắt mạch được phân khúc này, số lượng bán sẽ rất tốt. Nhà xuất bản Trẻ có quyển tuyển văn 1987 (hai tập) bán khá được, đã tái bản là một minh chứng. Tác giả là những người trẻ, viết về điều lớp trẻ quan tâm. Trong 1987, nhiều tác giả rất mới nhưng vẫn thu hút bạn đọc. Điều quan trọng góp phần thành công là công tác truyền thông từ hai phía” - chị Lê Thị Tường Vi, hiện công tác tại nhà xuất bản Trẻ, chia sẻ.

Tuyen tap van chuong 'e': Vi dau nen noi?
Bạn đọc trẻ luôn dễ dàng tiêp cận với các tác giả, tác phẩm mà mình yêu thích

Thị trường sách vài năm trở lại đây có nhiều trào lưu, với sự góp sức của chính bạn đọc trẻ. Nhu cầu đọc sẽ định vị dòng chảy. Sách tuyển tập không hoàn toàn nằm bên lề, mà quan trọng là cách làm. Sòng phẳng mà nói, tuyển tập quy tụ đa dạng giá trị, phong cách viết, xứng đáng có vị thế riêng. Nhưng điều này sẽ cần sự thay đổi tư duy của các “nhà tuyển chọn” lẫn nhà làm sách.

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI