Tùng Dương: Độc đạo đi xa để trở về

16/01/2014 - 04:26

PNO - Tùng Dương đã làm cho cuộc về nguồn của Nguyên Lê được trọn vẹn, còn Nguyên Lê đã đưa Tùng Dương đi một vòng để trở về là chính những gì Dương đã được sinh ra để làm, được giao sứ mệnh để hoàn thành.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tung Duong: Doc dao di xa de tro veCuối năm 2010, sau khi phát hành album Li Ti, và sau đó vài tháng, khi Li Ti đem lại cho chủ nhân album hai giải Cống Hiến (Album của Năm, Ca sĩ của Năm) Tùng Dương rơi vào trạng thái hẫng hụt khi nghĩ tới việc mình sẽ làm gì tiếp theo. Hồi trước, khi xong đĩa Những ô màu khối lập phương (cũng giành một giải Cống Hiến Album của Năm), cảm giác này chớm xuất hiện nhưng lúc đó Dương còn đang trong nỗ lực và cả những cuộc chạy sô miệt mài để gây dựng tên tuổi nên chưa thành một cái gì đó thôi thúc mỗi ngày.

Giờ thì tên tuổi ở vị trí số 1 đã gần như là đương nhiên, việc cho ra đời những sản phẩm âm nhạc xứng tầm hai chữ “đẳng cấp” mà cả dân trong nghề lẫn khán giả đều ưu ái “bắt” phải mang, bỗng trở thành một gánh nặng. Ngay cả khi đã lờ mờ nghĩ tới việc hợp tác cùng Nguyên Lê, thì gánh ấy cũng chưa bớt đi chút nào. Tùng Dương hiểu đây là cơ hội mà anh phải chớp lấy, dù có ra được với thế giới hay không, thì ít nhất ở thị trường chính là Việt Nam, công chúng của anh cũng có thể có được một đĩa nhạc ở đẳng cấp cao.

Nhưng giữa lúc đang rất thành công với dòng nhạc tình ca, tiền chiến - dòng góp phần lớn nuôi sống và giúp anh duy trì những thử nghiệm của mình - Dương không khỏi có những e ngại: “Làm cố cho khó nghe để làm gì? Làm sao chúng ta có thể trơ trẽn tự nhận mình là thành công với một lượng nhỏ khán giả mà trong đó số không nhỏ cố tỏ ra vẻ có thể hiểu được âm nhạc của mình không phải vì bản thân âm nhạc ấy, mà là vì chính họ, như một cách để làm sang. Mình cần những khán giả thực sự cảm được âm nhạc của mình, dù nó mới mẻ, nó lạ, nhưng âm nhạc ấy phải được ra đời một cách tự nhiên, không gồng, không làm quá”.

Và tình cờ, đó chính là những gì mà Nguyên Lê đã nằm lòng, trong suốt mấy chục năm theo đuổi con đường làm ra thứ âm nhạc mới mẻ, phi công thức, nhưng vẫn nằm trong tầm tiếp nhận được của khán giả, ít nhất là những người trung thành với dòng nhạc làm nền tảng cho các sáng tạo mới ấy, với Nguyên Lê, đó là người nghe nhạc jazz, với Tùng Dương, là lượng khán giả anh gây dựng được từ thời dân gian đương đại, qua tới lúc hát nhạc điện tử, và nếu may mắn thì có được số nào đó từ lượng người mê Tùng Dương hát tình ca.

Vì thế có thể coi Độc Đạo như một phép thử, giống như ta đặt các vòng tròn giao nhau (đại diện cho mỗi khu vực khán giả) và tìm ra ở đó số người đồng điệu thực sự. Dương bay đi bay về Paris - Hà Nội, tranh thủ những chuyến lưu diễn (tất nhiên là lại hát tình ca) để hoàn thành cho xong, vừa làm vừa vỡ ra những điều trước giờ chưa từng nghĩ tới, hoặc có nghe có biết nhưng không hình dung ra mình có thể là một phần trong đó: “Việc được cộng tác với các nghệ sĩ từ châu Phi quả là một điều phi thường tôi chưa từng nghĩ đến. Khi làm việc với anh Nguyên Lê, những gì tôi ấp ủ về world music như con đường mình sẽ đi dài hơi, mới thực sự hiện rõ cái nào ra cái nấy. Đây đúng là thứ âm nhạc không biên giới mà tôi đã chờ đợi được làm, giờ mới được khai mở”.

Sự khai mở cũng có thể dành cho Tùng Dương khi anh chính là người nếu không khai sinh thì cũng góp sức chính trong việc làm cho dòng nhạc “dân gian đương đại” trở thành thịnh hành như bây giờ, anh cùng Đỗ Bảo làm cho nhạc new age được Việt hóa một các cụ thể, và dù không phải là người đầu tiên làm album nhạc điện tử, thì đĩa Li Ti vẫn được coi là album electronica xuất sắc nhất của thị trường nhạc Việt, và bây giờ, là world music đúng nghĩa, hàng đúng quy cách phẩm chất. Dương mất ngót 10 năm, kể từ lúc gây sửng sốt ở Sao Mai - Điểm hẹn 2004 (cùng năm Nguyên Lê gây sốc ở Sài Gòn) để hoàn thành ước mơ mang tên world music của mình.

Liệu sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời gian này có phải là một tiền định cho cuộc hợp tác đa quốc gia nhưng lại giữa hai nhân vật chính cùng nguồn cội này không? Có vẻ giống như cố “tán” ra cho thêm chuyện, nhưng khi những cuộc trò chuyện ở quán bún chả, và sau đó là ở hậu trường đêm diễn Độc Đạo khép lại, khi khán giả cuối cùng rời khán phòng trong luyến tiếc, dù đêm diễn dài hơn bình thường, thì có điều này được rút ra: Tùng Dương đã làm cho cuộc về nguồn của Nguyên Lê được trọn vẹn, còn Nguyên Lê đã đưa Tùng Dương đi một vòng để trở về là chính những gì Dương đã được sinh ra để làm, được giao sứ mệnh để hoàn thành.

Người ta gọi đó là cái “Duyên”! Có khi cả đời mới gặp một lần.

Theo NGUYỄN MINH
(Thể Thao Văn Hóa & Đàn Ông)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI