Tựa sách gây sốc: Đường tắt không có lối ra

01/05/2017 - 07:00

PNO - Chỉ vì tựa sách gây sốc, nhiều cuốn sách đã bị đánh giá là rẻ tiền, phi văn học... dù người ta còn chưa kịp đọc.

Cho đến giờ, Nồng Nàn Phố (tên thật là Phạm Thiên Ý, tác giả hai tập thơ Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồngYêu lần nào cũng đau) vẫn như đứng ngoài danh sách những nhà thơ nữ được người trong giới thật sự công nhận. Bởi lẽ, ngay từ lần xuất hiện đầu tiên trên văn đàn, Nồng Nàn Phố đã mất điểm với tựa sách gây sốc và nội dung nhiều bài thơ cũng “sốc không kém”.

Tua sach gay soc: Duong tat khong co loi ra
 

Câu khách nhất thời

Huỳnh Tuấn Anh, tác giả của những bài thơ trữ tình được Quán quân Siêu đầu bếp Việt Nam 2013 Alain Nghĩa chọn trích in trong tập sách ẩm thực Ngày mai cưng ăn gì? cũng từng vấp phải chuyện đặt tựa sách câu khách nhất thời như Thơ dành cho gái hư (Phương Nam Books và NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành).

Chưa kể, khi ra mắt tác phẩm, Tuấn Anh còn mời “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh đến dự và tranh luận về thơ. Kết quả, Thơ dành cho gái hư không thu hút bạn đọc bằng chuyện “có Ngọc Trinh”.

Đến giờ, những bài thơ trong tập thơ này cũng đã gần như chìm khuất chẳng mấy ai biết đến, dù ai từng đọc qua sẽ thấy tác giả viết nhẹ nhàng, hiền lành chứ không như cái tựa đề, mà anh chia sẻ là do đơn vị làm sách muốn đặt để câu khách. 

Mới đây, tác giả Yếm Đào Lẳng Lơ (Hà Nội) cũng làm mọi người giật mình với bút danh và cả cái tựa sách Gái phượt (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành). Nội dung cuốn sách đơn thuần chỉ là chia sẻ những trải nghiệm của một cô gái trẻ, mạnh mẽ và tự do. 

Tua sach gay soc: Duong tat khong co loi ra
Tập thơ gây sốt 1 thời của Nồng Nàn Phố. Dẫu vậy, tác giả trẻ này vẫn không được thừa nhận trong giới văn đàn chính thống

Tựa sách thật ra là rất “trực quan sinh động”, nhưng thay vì ký tên thật Lê Thu Thảo, thì bút danh Yếm Đào Lẳng Lơ (cũng là nickname của tác giả trên các diễn đàn phượt) vô tình đã gây ấn tượng xấu. 

Một thời gian dài, cộng đồng phượt đã tranh cãi không ít về đề tài “gái phượt dễ dãi, lẳng lơ”. Sự ra đời của cuốn sách - ghi chép hành trình, tâm tư của nữ tác giả - vô tình cộng hưởng với tựa sách và bút danh, đã làm mất thiện cảm của người đọc. 

Ngày ra mắt Gái phượt có sự tham gia của nhà văn Trang Hạ (từng dịch cuốn sách có tựa gây sốc Xin lỗi, em chỉ là con đĩ!), nhưng sách vẫn không thể lan tỏa được như những tác phẩm du ký, truyền cảm hứng lên đường phát hành cùng thời điểm: Nào, mình cùng đạp xe đến Paris! (Nguyễn Thị Kim Ngân), Thương nhớ Đồng Văn (Thủy Trần), Quá trẻ để chết!Chân đi không mỏi (Đinh Hằng)…

Vài năm trở lại đây, khi truyền thông mạng phát triển, các cây bút trẻ và đơn vị làm sách đã phát sinh thêm cách tạo sự thu hút bằng những tựa sách gây chú ý. Nhiều tựa sách vừa nghe đã choáng: Gái khôn không bao giờ sợ ế, Đàn ông chọn khe ngực sâu, Yêu anh bằng tất cả những gì em có, Mất anh bởi tất cả những thứ em cho, Thoát y dưới trăng, Chuyện tình Lesbian và Gay, Gái trinh chưa chồng… 

Tua sach gay soc: Duong tat khong co loi ra

Có những cuốn sách “phi văn học” với tiêu đề gây sốc như thế

Khổ nỗi, vì chính cái tựa đó, những cuốn sách này đã bị xếp vào dạng sách ngôn tình, rẻ tiền, phi văn học, dù người ta còn chưa kịp đọc. Ngay cả những tựa sách best-seller ở thời điểm ra mắt vì độ “hot, sốc” của nó thì cũng chỉ sau một thời gian ngắn là rơi vào quên lãng. 

Một trong những người viết trẻ nổi lên nhờ viết sách dạng này có thể kể là Keng (với hai cuốn Dị bản, Hồng gai, xuất bản năm 2011) khai thác yếu tố sex khá mạnh tay; nhưng đến nay, tác giả và tác phẩm đều đã chìm nghỉm trong dòng chảy của thị trường sách. Nổi tiếng nhanh và không chịu lắng nghe, những nhận xét thẳng thắn, tích cực của người trong giới là một trong nhiều lý do khiến người viết trẻ dễ đánh mất mình.  

PR sách có cần phải lắm chiêu trò?

Đáng tiếc là không chỉ những người viết trẻ cố tình gây sốc, mà cả những nhà văn đã có tên tuổi cũng chạy theo cách này. Di Li từng khẳng định tên tuổi với nhiều đầu sách trinh thám như: Trại hoa đỏ, Câu lạc bộ số bảy và những cuốn du ký hấp dẫn: Đảo thiên đường, Nụ hôn thành Rome… nhưng mới đây, chị lại cùng nhà văn Hoàng Anh Tú và tác giả Tâm Phan (tác giả cuốn Sex và những thứ khác) in chung cuốn Đàn ông cũng có điểm G

Tua sach gay soc: Duong tat khong co loi ra
Lạc giữa thanh xuân - tự truyện của Bà Tưng, nhân vật tai tiếng bậc nhất showbiz Việt

“Điểm G” cũng trở thành “từ khóa” trong cuộc tranh luận giữa các tác giả và bạn đọc trong ngày ra mắt sách, trong những bài giới thiệu sách trên mạng sau đó. Bàn về chuyện “sex” bằng văn chương, nhà văn Cấn Vân Khánh cũng có những cuốn Khi nào anh thuộc về em?, Sex trong cô đơn. Với những người cầm bút “có thâm niên” thì rõ ràng đó không phải là những cuốn sách có thể định vị tác giả ở một nấc thang cao hơn những giá trị họ đã xây dựng được trong lòng bạn đọc, có khi còn ngược lại. 

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt - tác giả những cuốn thơ best-seller hàng chục ngàn bản - luôn khẳng định, sách bây giờ muốn bán được, muốn độc giả biết đến cần phải PR. Nhưng, đó không phải là kiểu quảng bá giật gân, cố tình gây sốc.

Quan điểm của anh, cũng như một số đơn vị làm sách chân chính là phải chú trọng đến nội dung, chất lượng; chứ không phải cố tình gây chú ý bề nổi. Những tập của Nguyễn Phong Việt, có tựa rất lành: Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương, Sinh ra để cô đơn, Về đâu những vết thương…Điều chạm đến trái tim bạn đọc là những chia sẻ thật, sự thấu hiểu, đồng cảm.

Tua sach gay soc: Duong tat khong co loi ra
Đàn ông cũng có điểm G 

Thái độ cầm bút này cũng có thể thấy ở cây bút trẻ Anh Khang. Với cuốn sách đầu tay Ngày trôi về phía cũ đến những cuốn mang nội dung khá… ngôn tình sau này như: Thương mấy cũng là người dưng, Đường hai ngả người thương thành lạ, Trời vẫn còn xanh em vẫn còn anh… sách của Anh Khang vẫn là best-seller một phần nhờ những trang viết như lời tâm tình dành cho người đọc trẻ.

Ngược lại, những cuốn sách có tựa đề gây sốc, hay dùng chiêu trò để quảng bá, lại nhanh chóng bị lãng quên, bị vùi lấp trong dòng thời gian; sự xuất hiện của nó cũng lạc lõng, không biết “in để làm gì”. Điển hình là cuốn Mr thất bại của Hùng Cửu Long - một nhân vật… tai tiếng của showbiz. Ngày ra mắt cuốn sách có sự tham dự cả một dàn sao, nhưng sau đó người ta chỉ biết hôm ấy “sao” nào có mặt, còn nội dung sách thế nào thì chẳng ai quan tâm.

Tua sach gay soc: Duong tat khong co loi ra
Không cần gây sốc bằng tựa, cuốn sách nào của Khanh Khang cũng là best-seller

Cuốn Bà Tưng lạc giữa thanh xuân (nhà văn Võ Thu Hương chấp bút, ra mắt tại Hội sách TP.HCM 2016) cũng chỉ lóe lên ngắn ngủi. “Mình viết văn chương thuần túy, sách không bán được cũng buồn chứ. Nhưng, tôi nghĩ giá trị của một tác phẩm văn học là lâu dài chứ không phải nhất thời. Tôi vẫn lựa chọn cách cần mẫn viết, vẫn luôn tin “hữu xạ tự nhiên hương” - nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, cây bút trẻ được người trong giới đánh giá cao, bày tỏ. 

Quả vậy, giá trị thật sự của một tác phẩm luôn cần được khẳng định qua thời gian, chứ không phải “một phút huy hoàng” bằng cái tựa, cái tên gây sốc. Những cuốn sách “best-seller thời vụ”, những chiêu trò đình đám chỉ có giá trị rất phù du. Người chọn con đường văn chương chân chính sẽ không bao giờ đi vào “đường tắt không lối ra” đó.

Hoàng Hạc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI