Từ 'tượng đài âm nhạc' đến 'ông già Tiếng hát mãi xanh'

02/07/2015 - 10:07

PNO - PN - Từ hồi nào không nhớ, tôi đã ngưỡng mộ ông lắm rồi, như thể ngẩng đầu nhìn một “tượng đài sống” về âm nhạc - tác giả của hàng loạt ca khúc bao nhiêu người thuộc nằm lòng. Nhất là, một ngày phát hiện ra, những câu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Khó gắn kết hình ảnh một nhạc sĩ cao tuổi tóc bạc phơ trông có vẻ nghiêm khắc với một bài hát hồn nhiên, trẻ trung tinh nghịch con nít đứa nào cũng thuộc, như thế.

Tu 'tuong dai am nhac' den 'ong gia Tieng hat mai xanh'

Cảm nhận về sự nghiêm khắc ấy là từ hồi chúng tôi còn đứng xa xa mà kính ngưỡng ông, chưa có dịp tới gần. Chứ 5 năm trở lại đây, cảm giác này không còn. Vì bác dễ thương quá! Vì bác vui tính, hóm hỉnh và duyên dáng quá! Cái sự kính ngưỡng xa xa bỗng hóa trở thành sự gần gụi thương thiết, khi hàng năm, đến hẹn lại lên, bác đến, ngồi “ghế nóng” cầm cân nẩy mực ở Tiếng hát mãi xanh (THMX).

Những lời nhận xét rất thẳng thắn, chân tình, khen là khen mà chê ra chê - xem ra chẳng làm cho ai giận. Những thí sinh - nhiều người tóc cũng đã bạc, đứng nghe bác khen, bác chê mà cười hì hì. Vì lời chê cũng là những bài học đắt giá, ra ngoài muốn bỏ tiền mua cũng khó. Những lời khen - chê ấy đều dí dỏm rất đặc trưng Phan Huỳnh Điểu, khiến khán giả bật cười, vỗ tay rôm rả.

THMX được đón xem không chỉ vì lời ca tiếng hát của thí sinh cao tuổi, mà còn vì những câu bình luận, nhận xét hấp dẫn thú vị từ “ông già THMX” Phan Huỳnh Điểu.

Tôi nhớ những “thú nhận vui” ông từng nói trong những buổi ngồi ghế nóng trên truyền hình. “Khán giả giờ đây hết nhớ tui là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rồi, chỉ nhớ tui là ông già THMX thôi!”. Đi máy bay, nhạc sĩ đứng xếp hàng, người này người kia chỉ, “Kìa, “ông già THMX” kìa!”.

Một nhạc sĩ lớn nhưng không phải ai cũng nhận ra, nay nổi tiếng nhờ làm giám khảo trong một cuộc thi hát cho người cao tuổi. Vậy mà ông vui lắm, ông nói: “Trong tất cả các cuộc thi hát, tui thích nhất cuộc thi này. Vì nó rất quần chúng, không đặt nặng chuyện hơn thua thi thố, rất trong sáng”. Và ông không nhận ra, góp phần làm cho cuộc thi trở nên trong sáng, dễ thương gần gũi, rất quần chúng, là còn nhờ ông.

Suốt năm mùa giải qua, ông bền bỉ ngồi ở vị trí giám khảo THMX, minh bạch công tâm, góp cho thí sinh và khán giả những giây phút đượm thắm thân tình.

Nhưng từ giờ trở đi, đã không còn được thấy ông ở THMX nữa. Mọi người thương nhớ nhiều hơn, bởi chỉ một tuần trước khi đi xa, ông vẫn còn tươi tắn xuất hiện ở đêm chung kết hai mùa giải năm nay, còn tặng cho một nữ thí sinh 52 tuổi biệt hiệu “Chiếc lá còn xanh”, còn mừng vui khi tìm ra được “một thanh niên 71 tuổi có giọng ca 35 tuổi”, còn khen những ai can đảm dám chọn bài hát của giám khảo để hát là… “cưỡi lên lưng cọp”.

Vậy nên, ở đêm chung kết ba, khi ông vắng mặt ở vị trí giám khảo, ai cũng ngấm ngầm lo nhưng không ai dám nhắc đến, chúng tôi cũng vậy, không dám hé nửa lời trên sóng truyền hình. Như thể nếu im lặng không nói để khán giả không chú ý đến, ông sẽ vượt qua cơn bạo bệnh - như đã từng vượt qua nhiều lần trước đó - mà lại tươi tỉnh vui vẻ trở lại chấm vòng chung cuộc tối thứ bảy tuần này.

Nhưng không còn được nữa…

Và như thế, đêm chung cuộc để tìm ra quán quân THMX 2015 không còn có mặt “vị giám khảo cao tuổi nhất Việt Nam”. Nhưng sẽ có một đoạn tưởng niệm ông với tất cả niềm thương và nỗi nhớ của những người làm chương trình. Chắc chắn như vậy.

Bởi, khi điều gì khởi đi từ thương quý sâu thẳm tận đáy lòng, chắc chắn sẽ làm lay động rất nhiều người. Không chỉ thí sinh, mà còn đông đảo khán giả nhớ thương ông, “ông già THMX” Phan Huỳnh Điểu.

LÊ ĐỖ QUỲNH HƯƠNG

Tu 'tuong dai am nhac' den 'ong gia Tieng hat mai xanh'

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu giao lưu cùng một thí sinh cuộc thi Tiếng hát mãi xanh

Cuộc đời vẫn đẹp sao

Trong âm nhạc, Phan Huỳnh Điểu có một số phận lạ lùng. Sau ca khúc đầu tay Trầu cau, với Giải phóng quân viết năm 1945, ông đã có một vị trí vững vàng trong nền âm nhạc nước nhà. Ca khúc ấy ra đời trong một giai đoạn lịch sử hào hùng, sau này, mãi mãi sau này nó vẫn còn vang lên như thôi thúc, nhắc nhở về năm tháng không quên đó.

Bấy giờ, ở Đà Nẵng quê tôi đang phát động phong trào Nam bộ kháng chiến. Trước lúc mít-tinh, hội họp quần chúng, “ca sĩ” Nguyễn Văn Trọng của Phòng Thông tin tuyên truyền thành phố nhận được ca khúc này từ tay chàng thanh niên mới 21 tuổi: “Anh Trọng hát đi, bài này của... một anh giải phóng quân ngoài Bắc đưa vào”. Lập tức ca khúc ấy đã lôi cuốn hàng ngàn trái tim hướng về cách mạng và kháng chiến. Chàng thanh niên 21 tuổi ấy là Phan Huỳnh Điểu.

Ngay sau đó, NXB Tinh Hoa nhận in 2.000 bản, tác giả được ông giám đốc Tăng Duyệt trả nhuận bút 800 đồng. “Với số tiền đó, tôi có thể ăn cơm bình dân được hơn 5 năm. Tôi mừng run, chỉ muốn hét lên một tiếng thật to và chạy ra đường, huơ chân, múa tay cho hả hê nỗi vui mừng”. Viết đến đây, tôi như còn nghe âm vang tiếng cười sảng khoái của nhạc sĩ luôn thân thiện, hòa đồng với lớp trẻ, lúc kể lại chuyện này.

Ngày bắt tay vào viết chuyên luận Người Quảng Nam, tôi có dịp gặp gỡ ông luôn để hỏi thêm tư liệu. Nhờ thế, tôi có thể hiểu đôi nét về cuộc đời của một nhạc sĩ luôn dành tình yêu cho thơ và nhạc.

Nhiều lần, ông cho biết, thơ vẫn là thể loại ông thích đọc nhất: “Là người phải viết lời cho bài hát của mình, tôi rất chịu các nhà thơ tìm cấu tứ cũng như hình ảnh, màu sắc, vần điệu rất giỏi. Nhiều bài thơ đọc xong, người đọc hình dung như đang đứng trước cảnh đẹp đó, hoặc đang ở trong tâm trạng vui, buồn, yêu, giận của tác giả. Và những cái đó, bỗng nhiên gợi lên trong tôi những cung bậc rung cảm trong âm nhạc”.

Chính từ khả năng thẩm thấu thơ, Phan Huỳnh Điểu đã có nhiều ca khúc phổ thơ đi vào lòng người. Có thể kể Cuộc đời vẫn đẹp sao (thơ Dương Hương Ly), Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh)… sáng tác trong thập niên 1970. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất, mỗi lần nghe lại, dù bất kỳ trong không gian nào cũng khiến ta xao xuyến, rạo rực phải kể đến Bóng cây Kơnia.

Cuối năm 1964, từ Hà Nội, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đi B và tại chiến trường, ông đã được đọc bài thơ này của Anh Ngọc. Nhưng mãi đến năm 1971, ông mới hoàn thành ca khúc này. Chắc chắn năm tháng gian khổ ở chiến trường Tây Nguyên, những gì đã trải nghiệm qua máu lửa chiến tranh đã đẩy cảm xúc ông thăng hoa đến tuyệt vời. Sự ra đời của một tác phẩm âm nhạc gắn bó với máu thịt của người nhạc sĩ.

Nhiều nhạc sĩ thế hệ sau, tôi biết, anh em rất thích cà kê trò chuyện với các lão nhạc sĩ như Ca Lê Thuần, Xuân Hồng, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Hồ Bông… vì ngoài tính cách “chịu chơi”, họ còn biểu hiện khả năng luôn tìm tòi, tiếp cận cái mới, tự làm mới mình. Lớp nhạc sĩ ấy chính là mẫu người như tự sự của nhà thơ Chế Lan Viên: “Tuổi đã ngoài năm mươi/ Mong gì hương sắc lạ/ Mọc chùm hoa trên đá/ Mùa xuân không chịu lùi!”.

Thật vậy, dù đã bước ra ngoài lứa tuổi ngũ thập, lục thập, nhưng giữa thập niên 1980, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã “xuất chiêu” khiến giới mộ điệu choáng váng, kinh ngạc. Công chúng lại thấy ở ông hừng hực một sức trẻ đằm thắm, da diết tình tự qua chùm ca khúc phổ thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh như Thơ tình cuối mùa thu, Thuyền và biển, Sóng

Còn nhiều ca khúc của ông mà “mùa xuân không chịu lùi” như Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ), Sợi nhớ sợi thương (thơ Hoài Bắc)… Nhiều thế hệ đã hát, đã nhớ và đã sống trong tình cảm nồng nàn của các giai điệu ấy. Hạnh phúc ấy chính là phần thưởng lớn dành cho ông.

Vĩnh biệt nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tôi vẫn còn nhớ như in tiếng cười sảng khoái, gương mặt đôn hậu của ông - một đồng hương lão thành. Thế hệ này, thế hệ sau, những người yêu nhau vẫn còn hát các ca khúc của ông. Được thế, “cuộc đời vẫn đẹp sao/ tình yêu vẫn đẹp sao”.

 LÊ MINH QUỐC 

Dù có chút khác nhau về phong cách âm nhạc nhưng nhạc sĩ Phan Nhân và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là hai tên tuổi để lại dấu ấn đặc biệt, âm nhạc của hai ông có sức sống mãnh liệt ngay cả trong giới trẻ.

“Tôi chưa từng thấy ai viết về tình yêu hay như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Dù thời bây giờ cái cách chúng tôi yêu nhau đã khác xưa, âm nhạc chúng tôi nghe cũng đã khác xưa, nhưng mấy ai hờ hững được với tình yêu của Thuyền và biển, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương… Lời ca dung dị mà thấm lòng” - Ngọc Vân - sinh viên trường Sư phạm TP.HCM cho biết.

Theo đại diện một đơn vị làm chương trình, với các đêm nhạc về chủ đề tình yêu, Thuyền và biển là bài không thể thiếu. Trong khi đó, Hà Nội - Niềm tin và hy vọng vừa chứa đựng sự hào hùng, vừa khắc họa một Hà Nội nên thơ đi sâu vào lòng giới trẻ. Đó là chưa kể Chú ếch con, Vườn cây của ba đã gắn với tuổi thơ của nhiều người.

“Tôi thấy rõ âm nhạc của hai nhạc sĩ được đón nhận rất nhiều từ những người trẻ, bởi có lẽ đó là những ca khúc quen thuộc từ tiềm thức của mỗi người. Tôi thấy đi đâu, hễ là thanh niên Việt Nam đều thuộc ít nhất một bài của hai nhạc sĩ này” - ca sĩ trẻ Nguyễn Trần Trung Quân cho biết.

Nhạc sĩ của giới trẻ, Phạm Toàn Thắng cũng không giấu được sự thán phục khi nói về âm nhạc của hai ông: “Đừng nghĩ rằng khoảng cách thế hệ sẽ khiến người trẻ không thẩm thấu được nhạc của người xưa. Có những bài hát luôn đúng trong mọi thời điểm, khi đó là những ca từ đẹp và những nốt nhạc hay”. Với tư cách một người sáng tác, Phạm Toàn Thắng cho rằng, di sản mà hai nhạc sĩ để lại chắc chắn sẽ còn mãi và được phát huy.

 VÕ HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI