'Từ tôi đến bạn': Hành trình xoa dịu những vết thương

13/10/2018 - 05:30

PNO - 'Các con hãy nhìn thật sâu vào mắt bạn', đó là câu Văn Quý Ngọc Ái cùng với nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải thường nói với những bạn nhỏ tham dự lớp học của dự án 'Từ tôi đến bạn'.

Đây là dự án dành cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, để cùng nhau tạo niềm vui và trải nghiệm vài điều mới. Qua các bài tập, các bạn nhỏ được hướng dẫn cách kết nối với chính mình, với người khác và thế giới bằng nghệ thuật.

'Tu toi den ban': Hanh trinh xoa diu nhung vet thuong
Chúng ta kết nối bằng ngón tay

Nâng niu cỏ dại

Trẻ em là tương lai. Tâm hồn trẻ cần được chăm sóc để lớn lên một cách đẹp đẽ. Sẽ thế nào nếu một đứa trẻ vừa chào đời đã bị mất kết nối với thế giới, vì không còn cha mẹ, bị bỏ rơi, bị khuyết tật bẩm sinh, phải vào nhà mở vì cha mẹ vào tù hay phải nghỉ học vì nhà quá nghèo? Chúng không lành lặn theo nhiều nghĩa. Những nghệ sĩ tham gia dự án “Từ tôi đến bạn” mong gõ cửa những trái tim non trẻ ấy, gieo niềm vui và tìm cách vá lại các tổn thương cho chúng.

Tham gia dự án là những nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực: âm nhạc, múa, nhiếp ảnh... Họ, bằng kiến thức nghệ thuật sâu sắc, xây dựng những bài tập nhỏ, phù hợp với từng đối tượng trẻ, để giúp các em làm quen với khái niệm “nghệ thuật ở rất gần” và có “chức năng” nâng đỡ tâm hồn.

Những đứa trẻ khiếm thị ở mái ấm Thiên Ân (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã vui hết cỡ, cười thả ga, hít hà thoải mái trong buổi Thả lỏng cùng âm nhạc do nghệ sĩ Ngô Hồng Quang và nhà thiết kế Chương Đặng hướng dẫn. Quang đã đàn và hát cho các em nghe, giới thiệu về cây đàn tính, đàn chiêng dây và bộ đàn môi trong tiếng xuýt xoa tán thưởng. Anh cũng nghe các em hát, thổi sáo và trò chuyện với các em về âm nhạc như những… đồng nghiệp.

“Vì em không thấy đường nên mỗi lần hát, em không biết mình biểu diễn như vậy đã tốt chưa”, “khi đứng trên sân khấu, trước lúc diễn, em nhớ cúi gập người 45 độ, để nhận được năng lượng từ khán giả. Như vậy em sẽ diễn tốt hơn”… Những mẩu đối thoại giản dị và cảm động như vậy cứ nhẹ nhàng diễn ra trong suốt buổi học rộn tiếng cười.

Niềm vui trong trẻo ấy cũng xuất hiện trên những gương mặt của các em nhỏ ở tỉnh Bến Tre (được nhận học bổng từ quỹ hiếu học Nguyễn Hiến Lê) khi tham dự buổi học Chuyển động an toàn do biên đạo múa Vũ Ngọc Khải đứng lớp. Các cô cậu 13 tuổi đã thật sự được thư giãn, giải phóng cơ thể qua từng chuyển động.

Sau những phút ngỡ ngàng ban đầu, 20 bạn nhỏ hòa vào dòng chảy chuyển động “đi-đứng-nằm-ngồi-ngã” - các tư thế quan trọng đối với sự phát triển khung xương lẫn giảm thiểu chấn thương cho trẻ. 70 phút trôi vèo qua, chẳng ai than mệt, miệng cười tươi đáp lại những ánh mắt tò mò, ngạc nhiên của cha mẹ đang thập thò ngoài cửa lớp.

Trước khi vào lớp, Khải đã cùng các bé cầm chổi quét dọn phòng tập theo những nhịp đều nhau. Qua đó, các em học cách lắng nghe, hỗ trợ nhau để có thể làm nền nhà sạch bóng.

Những buổi tập của nghệ sĩ múa Hàn Quốc Kim Young-nam cùng các em ở Làng trẻ em SOS Gò Vấp và mái ấm Thiên Ân cũng để lại cho các bé nhiều cảm xúc mới mẻ. Kim đã cho các bé chia sẻ ước mơ của mình trên lưng bạn ngồi trước - bài tập về lắng nghe người khác, sự tập trung lẫn cách làm việc nhóm.

Cô cũng tạo điều kiện để mỗi bé được nói lên khát khao: những lời nhận xét mong được nghe từ người khác, thử thách muốn vượt qua. Theo đó, từng em đón nhận sự khích lệ tinh thần của người khác qua những cái nhìn thật sâu, những cái chạm đầy tình cảm và nhắc lại thông điệp nhằm tạo niềm tin vững chắc cho bản thân.

Nhưng có lẽ, dải ruy-băng và những động tác giúp các em tăng cường sức mạnh cổ tay, di chuyển linh hoạt, phối hợp cùng đồng đội… là món quà đặc biệt nhất. Đừng tưởng các bài tập khác khó hơn việc nằm thả lỏng để mặc tâm trí trôi theo âm nhạc, tiếng mưa, tiếng xe cộ ngược xuôi…

Lắng lại, để nghe cơ thể chính mình, nghe hơi thở của người bên cạnh, thưởng thức trọn vẹn những điều nho nhỏ, giản dị xung quanh ta là điều quan trọng, không chỉ với những bạn nhỏ này.

'Tu toi den ban': Hanh trinh xoa diu nhung vet thuong
Nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải hướng dẫn các em bài tập giải phóng cơ thể

Thử thách lòng kiên trì

Để thu được kết quả trên, những người thực hiện dự án phải thật sự kiên trì với trẻ em. Chị Văn Quý Ngọc Ái chia sẻ: “Buổi đầu tiên đến gặp các em, tôi thấy trong những đáy mắt ấy là sự trống rỗng; có em chất chứa sự giận dữ, e dè, nghi hoặc, đề phòng. Các em sống chung một nhà, nhưng tình cảm không được vun đắp. Vậy nên, chúng tôi muốn các em nhìn thật sâu vào mắt nhau, nói câu “xin chào”, những cái bắt tay, cái ôm để truyền năng lượng tích cực cho nhau. Từng chi tiết nhỏ, tưởng không quan trọng, nhưng lại có giá trị to lớn trong hành trình trưởng thành của từng em. Tôi mừng vì thấy được những ánh mắt thay đổi dần sau các buổi tập”.

Thật bất ngờ và cảm động khi cuối buổi học, các bé “quậy” nhất, hay bị nhắc nhở nhất lại đến tặng các cô những bông hoa đã bí mật làm và ôm các cô thỏ thẻ: “Cô ơi, cô nhớ trở lại đây nha”.

Để dõi theo sự thay đổi của các bé và đánh giá tính hiệu quả của dự án, “Từ tôi đến bạn” đi vào chiều sâu - thực hiện nhiều đợt ngoại khóa ở một số mái ấm, Ái và Khải xác định, họ cần phải kiên nhẫn và tự tạo năng lượng để đi trên con đường mà bản thân còn đang phải học hỏi rất nhiều này. Cả hai đang và sẽ tham gia thêm nhiều khóa học về kỹ năng, tâm lý trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cách tổ chức các dự án phi lợi nhuận…

Thành lập từ năm 2015, 1648kilomet (chiều dài đất nước Việt Nam tính theo đường chim bay) là tổ chức thực hiện những chương trình nghệ thuật biểu diễn và các hoạt động nghệ thuật dành cho cộng đồng, trong đó có dự án “Từ tôi đến bạn”.

Văn Quý Ngọc Ái vốn làm báo và là nhà sản xuất những chương trình nghệ thuật gây tiếng vang như show múa đương đại Nón do cô điều hành. Nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải hiện công tác tại nhà hát Konzert Theatrer Bern (Thụy Sĩ) - chuyên trách phần nghệ thuật của 1648kilomet.

Ái gần như dành toàn bộ thời gian cho “Từ tôi đến bạn”: từ việc liên lạc các mái ấm, phục vụ nghệ sĩ trong thời gian họ ở Việt Nam, trò chuyện với các bé, lo “đạo cụ” cho các buổi học… cho đến việc xếp bàn ghế, lau dọn phòng ốc trước và sau khi tập.

Những người sáng lập 1648kilomet không nói về những thử thách khi làm dự án này, nhưng chứng kiến cách họ làm, ta có thể thấy quyết tâm của họ. 1648kilomet không ngược xuôi gõ cửa xin kinh phí, không kêu gọi các tổ chức hoặc doanh nghiệp bằng cách trình bày hoàn cảnh đáng thương, cần được giúp đỡ của các em nhỏ. Họ thầm lặng làm từ từ, tích lũy được bao nhiêu làm bấy nhiêu.

“Ai trong chúng ta cũng mong muốn được chia sẻ với người khác, bằng cách này hoặc cách khác. Với “Từ tôi đến bạn”, chúng tôi tin rằng, cứ đi, rồi sẽ gặp những người cùng quan điểm” - nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải nói.

Trong thời gian thực hiện dự án “Nón”, tôi có tham gia giảng dạy cho các em khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) và điều đó thực sự tác động rất lớn đến tôi. Từ khi còn là học sinh múa ballet, tôi luôn cảm thấy mình may mắn vì cơ thể đủ đầy, cho phép mình theo nghề múa chuyên nghiệp nên tôi rất trân trọng các bạn khiếm khuyết và mong muốn làm được điều gì đó cho các bạn.

Nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải

Lâm Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI