Từ bục giảng đến văn đàn

08/09/2016 - 07:43

PNO - Gần đây nhất nhà phê bình văn học Trần Hữu Tá công bố tập sách Từ bục giảng đến văn đàn. Tuy là đồng nghiệp với các nhân vật, nhưng viết về họ, ông vẫn khiêm cung gọi là “Chân dung 25 người thầy”.

Nhà giáo, PGS-TS Trần Hữu Tá là cây bút có uy tín, không xa lạ với bạn đọc. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại.

Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TP.HCM. Chỉ riêng bộ sách Từ điển văn học do ông cùng các đồng nghiệp biên soạn, đến nay vẫn là bộ sách “gối đầu giường” rất cần thiết.

Gần đây nhất, khi đã bước sang tuổi 80, nhà phê bình văn học Trần Hữu Tá công bố tập sách Từ bục giảng đến văn đàn (NXB Trẻ). Tuy là đồng nghiệp với các nhân vật, nhưng viết về họ, ông vẫn khiêm cung gọi là “Chân dung 25 người thầy”. Sự cẩn trọng chữ nghĩa của người cầm bút vốn là nhà giáo, được nhìn thấy qua chi tiết này.

Tu buc giang den van dan

Đồng nghiệp với tác giả là nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương đã ghi nhận thấu tình đạt lý: “Thông thuộc tính nết của những người thầy, người bạn từng sinh hoạt ở cùng một khoa, một tổ bộ môn, trong lòng thủ đô hay giữa làng quê nghèo khi sơ tán, Trần Hữu Tá lưu giữ cho chúng ta hình ảnh và kỷ niệm về những nhà giáo thanh bạch đã một thời làm chứng rằng phẩm giá con người có thể đứng cao hơn hoàn cảnh”. “Phẩm giá con người có thể đứng cao hơn hoàn cảnh” là tinh thần chung mà tác giả gửi đến bạn đọc.

Dù hoàn cảnh nào, họ cũng “vượt lên chính mình” để cống hiến cho đời, là tấm gương mẫu mực cho các thế hệ sinh viên noi theo.

Trần Hữu Tá cũng không quên những nhà văn, nhà giáo nổi tiếng của miền Nam như Trương Vĩnh Ký, Giản Chi, Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân, Thẩm Thệ Hà, Phạm Thế Ngũ, Trần Bạch Đằng…

Điều này cho thấy, dù sinh sống ở vùng miền nào, nhưng đã là nhà văn đứng lớp giảng dạy thì ở họ vẫn toát lên phong thái chung hình thành từ môi trường sư phạm. Đọc Từ bục giảng đến văn đàn, bạn đọc thêm yêu nghề giảng dạy. Và cũng hiểu thêm rằng, thâm tâm của các nhà giáo luôn canh cánh vấn đề dân trí, sự nghiệp trồng người. Sự hấp dẫn và hữu ích ngoài kiến thức thuộc về lĩnh vực đã am tường một cách thấu đáo, còn là những kỷ niệm của tác giả về các nhân vật.

Chẳng hạn về GS nhà nghiên cứu Lê Đì nh Kỵ mà thế hệ chúng tôi từng thọ giáo, tác giả viết rất chính xác: “Về sinh hoạt, trong giáo giới - rộng ra là trong giới trí thức, có lẽ ít ai giản dị như anh - giản dị đến mức hơi luộm thuộm. Hỏi tại sao không chú ý đến hình thức (chải đầu, ủi quần áo, đánh giày...), anh chỉ cười. Gặng mãi, anh cho biết: “Với mình, thế nào cũng xong. Mình quen nếp sống ấy từ thuở bé rồi”.

Chính mối quan hệ đồng nghiệp, nhiều năm gắn bó thâm tình, chí cốt nên PGS-TS Trần Hữu Tá đã khắc họa từng chân dung 25 nhân vật với nhiều thông tin mới. Nhờ thế, bạn đọc vừa thán phục về nhân cách vừ a hiểu thêm sự nghiệp của họ

Huyền Sương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI