Truyện Kiều trong góc nhìn của người đương đại

21/10/2019 - 07:47

PNO - 'Truyện Kiều' của Nguyễn Du là một trong những tác phẩm đặc biệt có sức sống kỳ lạ trong dòng chảy văn học Việt Nam. Gần hai trăm năm kể từ khi ra đời, đến nay Truyện Kiều vẫn là đề tài được rất nhiều người quan tâm.

Dưới sự hỗ trợ của Viện Goethe, dự án sân khấu Nàng Kiều được khởi động từ năm 2017 và chính thức ra mắt vào tháng 10/2019 tại Hà Nội và TP.HCM. Suất diễn tại TP.HCM tối 19/10 với bốn bản dựng (mỗi bản dựng từ 25-30 phút) của bốn đạo diễn Amélie Niermeyer (người Đức), NSND Hồng Vân, NSƯT Trần Lực và NSƯT Bùi Như Lai là những lát cắt thú vị về Truyện Kiều với góc nhìn, quan điểm của những con người đương đại.

Không hẹn mà gặp, dù chọn những điểm nhấn khác nhau để trình bày những quan điểm khác nhau, nhưng cả bốn bản dựng đều đặt vấn đề về sự tự do, quyền bình đẳng của người phụ nữ. Đặc biệt hơn, với góc nhìn của các đạo diễn hôm nay, dù ở tình huống nào, hoàn cảnh nào, Kiều cũng không phải là người phụ nữ yếu đuối, chỉ biết khóc than cho số phận.

Không trực tiếp đưa các nhân vật của Truyện Kiều lên sân khấu, bản dựng của đạo diễn Amélie Niermeyer kết nối khá khéo léo sự tương đồng giữa nhân vật trên trang sách và xã hội hiện đại để trình bày quan điểm của mình. Mạnh mẽ kêu gọi phụ nữ phải biết tự giải phóng chính mình khỏi những trói buộc, quan niệm trọng nam khinh nữ đã hằn sâu trong tâm trí nhiều thế hệ, nhưng ở bản dựng của nữ đạo diễn vẫn thấp thoáng trăn trở: dẫu có nhiều đổi thay, thậm chí người chồng đã có thể chia sẻ công việc nhà, giúp vợ rửa chén, chăm con… nhưng trong sâu thẳm của nhận thức, xã hội vẫn chưa có nhiều người tuyệt đối ủng hộ sự tự do, bình đẳng đối với phụ nữ. 

Truyen Kieu trong goc nhin cua nguoi duong dai
Có một mối tương quan thú vị giữa nhân vật trên trang sách và xã hội hiện đại ở bản dựng của Amélie Niermeyer - Ảnh: T.B

Có lẽ cùng là phụ nữ nên Amélie Niermeyer và NSND Hồng Vân đều có cái nhìn rất riêng của phụ nữ trong mối quan hệ tay ba giữa nàng Kiều, Thúc Sinh và Hoạn Thư. Cả Kiều và Hoạn Thư đều là nạn nhân của thói trăng hoa. Đam mê sắc đẹp, thiếu sự thủy chung, Thúc Sinh đã lừa dối cả hai người phụ nữ và đẩy họ vào bi kịch. Dưới góc nhìn của hai đạo diễn nữ, Hoạn Thư không độc ác, Hoạn Thư oằn mình chịu oan ức khi bị người đời xem như một hình mẫu của sự ghen tuông.

Mấy ai hiểu Hoạn Thư cũng có nỗi đớn đau của người vợ bị chồng phản bội. Lỗi lớn nhất của Hoạn Thư là đã quá yêu thương chồng. Vì quá yêu nên Hoạn Thư im lặng chịu đựng với hy vọng một ngày chồng sẽ hồi tâm quay về với gia đình. Kiều bị buộc phải hầu rượu vợ chồng Thúc Sinh - Hoạn Thư, nhưng nỗi đau đó, so với nỗi đau bị chồng phản bội, liệu nỗi đau nào lớn hơn? 

Bản dựng của NSƯT Trần Lực tạo dấu ấn đặc biệt bằng sự thể nghiệm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, với cách nhìn về phái mạnh khá hóm hỉnh. Lớp Kiều mượn Từ Hải trả thù Sở Khanh với phong cách ước lệ biểu hiện, thủ pháp đưa nghệ thuật tuồng vào sân khấu đương đại khiến cách kể của NSƯT Trần Lực đầy thú vị. Diễn viên mặc âu phục, cuộc đối thoại giữa Từ Hải, nàng Kiều và Sở Khanh vẫn bám sát nội dung Truyện Kiều, nhưng lại đầy ắp thông tin thời đại về chuyện môi giới, ngã giá với “chân dài”, lừa lọc những cô gái trẻ nhẹ dạ bước chân vào showbiz…

Người xem bị cuốn theo những âm thanh của trống, động tác vũ đạo, cách thoại lời của nghệ thuật tuồng, và cả những động tác kịch câm điêu luyện của nghệ sĩ Hoàng Tùng. Nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Việt Nam, hình thức biểu diễn nổi tiếng của châu Âu, và thoại kịch được phối hợp mượt mà trên sân khấu đương đại, đã mang lại cho người xem những cảm nhận rất thú vị về Truyện Kiều

Lời thoại viết theo thể thơ lục bát được thoại bằng lối thoại ngữ khí, cộng thêm vũ đạo tuồng đã mang lại cho Kiều một diện mạo mới: Kiều có một cuộc đời nhiều bi kịch nhưng không bi lụy. Những gã đàn ông xung quanh Kiều, dù là anh hùng như Từ Hải, hay gian xảo như Sở Khanh đều là những kẻ yếu đuối. Bản dựng của NSƯT Trần Lực khiến người xem vừa ghét đó, lại phải... bật cười với nhân vật họ Sở.

Cũng là bản dựng mang tính thể nghiệm với yếu tố biểu tượng, bản dựng của NSƯT Bùi Như Lai buộc người xem phải động não nhiều hơn, từ cách xây dựng kịch bản, tuyến nhân vật, đến trang trí sân khấu. Những chiếc thang, những sợi dây thừng dài, những viên gạch… như sự trói buộc và cả những hình thức bạo hành phụ nữ về thể xác lẫn tinh thần, dù họ đang sống ở thời của cụ Nguyễn Du hay thời đại hôm nay. Bản dựng trùng hợp với Amélie Niermeyer ở quan điểm: thế kỷ XXI, dù có tự mình gỡ trói để tìm đến tự do, nhưng phụ nữ vẫn chưa thể thoát khỏi định kiến trọng nam khinh nữ của xã hội. Nếu Amélie Niermeyer quyết liệt kêu gọi người phụ nữ phải làm chủ cuộc đời mình, thì NSƯT Bùi Như Lai vẫn đặt việc giải phóng phụ nữ vào ý thức của cộng đồng, của từng cá nhân. 

Dẫu vẫn còn ý kiến khác nhau về các bản dựng, nhưng thành công lớn nhất ở dự án Nàng Kiều là cách đặt một tác phẩm văn học ra đời từ thế kỷ XIX giữa các dòng chảy về văn hóa, tư tưởng, các hệ giá trị Đông - Tây trong đời sống xã hội thế kỷ XXI. Và như cách nói của ông Wilfried Eckstein - Giám đốc Viện Goethe Hà Nội: “Mỗi tác phẩm tưởng như cũ, nhưng luôn có những cách lý giải và góc nhìn vượt thời đại để kiếm tìm những giá trị mới phù hợp. Do vậy, chúng tôi không đưa Truyện Kiều trở lại sân khấu như đưa một tác phẩm văn chương lên sàn diễn, chúng tôi cũng không muốn kể lại hay minh họa câu chuyện về cuộc đời nàng Kiều. Điều quan trọng nhất chúng tôi mong muốn, là thực hiện một cuộc đối thoại giữa khán giả hôm nay với Truyện Kiều, và đặt ra những góc nhìn, quan điểm mới về tác phẩm và các nhân vật”. 

Thảo Vân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI