Truyền hình thực tế Âu Mỹ ngày càng 'cởi mở'

14/11/2018 - 12:30

PNO - Sự 'cởi mở' không chỉ nằm ở tính táo bạo mà còn ở chỗ bắt người tham gia mở lòng để giãi bày tâm sự.

Các chương trình truyền hình thực tế phát sóng ở Anh, Mỹ đang phát triển theo hướng 'cởi mở' hơn bao giờ hết. Sự 'cởi mở' không chỉ nằm ở tính táo bạo mà còn ở chỗ bắt người tham gia mở lòng để giãi bày tâm sự.

Đã qua rồi thời của những chương trình truyền hình mai mối kiểu truyền thống - nơi các thí sinh dành thời gian trò chuyện, tìm hiểu cặn kẽ đối tác trước khi quyết định liệu có tiến tới với nhau hay không. 

Những show hẹn hò ở Anh, Mỹ mấy năm qua gây sốc với những format táo bạo, gây tranh cãi về mặt đạo đức như trò hôn trước yêu sau - bắt hai người chơi xa lạ phải hôn nhau trước ống kính máy quay ngay khi vừa gặp mặt (Love at first kiss, Mỹ); lần đầu gặp mặt là phải cởi đồ, chỉ còn nội y trên người, rồi sau đó cùng ngồi trò chuyện và thậm chí có thêm thử thách giúp nhau… mát-xa để làm quen (Undressed, Mỹ) hoặc hẹn hò trong tình trạng khỏa thân hoàn toàn (Naked attraction, Anh; Dating naked, Mỹ), quan hệ trong một chiếc hộp đặt tại trường quay, trước mắt khán giả (Sex box, Anh).

Truyen hinh thuc te Au My ngay cang 'coi mo'
The bi life là chương trình se duyên đầu tiên của Anh dành cho người song tính

Dù sốc, những show hẹn hò kiểu này vẫn còn được xem là “nhẹ đô” so với format chương trình thực tế hẹn hò Making love. Theo đó, như tựa đề, chương trình đưa ra ý tưởng yêu cầu người chơi “lên giường” với nhau trước khi quyết định có muốn hẹn hò với nhau hay không. Kết thúc trải nghiệm, người chơi sẽ dành thời gian chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận về đối tác hoặc hỏi ý kiến khán giả về màn thể hiện chốn “phòng the” của đối tác như thế nào để đưa ra quyết định. 

Các camera đặt ở phòng ngủ sẽ ghi lại mọi hoạt động của các cặp. Sau đó, người chơi sẽ tiếp tục được chương trình theo dõi, ghi hình trong vài tuần tiếp theo để xem mối quan hệ của họ tiến triển ra sao. Lý lẽ mà WeMake đưa ra là muốn thông qua chương trình để trả lời câu hỏi: “Quan hệ thể xác có dẫn đến tình yêu?”.

Tại hội chợ sản phẩm truyền hình lớn nhất thế giới - MIPCOM diễn ra vào tháng Mười qua tại Cannes, đội ngũ sản xuất WeMake (Pháp) đã khiến nhiều người sốc nặng khi giới thiệu chương trình Making love, đã bán được bản quyền. Nhóm sản xuất mô tả Making love như một trải nghiệm “vô tiền khoáng hậu” về tình yêu.

Không đến nỗi “đốt cháy giai đoạn” yêu đương như Making love, nhưng luật chơi cũng buộc người tham dự phải đụng chạm thể xác, trước khi bắt đầu một mối quan hệ là chương trình Flirty dancing của Anh, hiện đang tuyển sinh để lên sóng trên kênh Channel 4 cuối năm nay. 

Lấy cảm hứng từ bộ phim ca nhạc La La Land, chương trình Flirty dancing mai mối hai người xa lạ thông qua khiêu vũ. Từng người chơi sẽ được một huấn luyện viên dạy nhảy riêng rẽ, sau đó thực hiện màn khiêu vũ với nhau, để xem có tâm đầu ý hợp không. Quy tắc của chương trình chỉ cho tương tác qua ngôn ngữ cơ thể mà không được phép nói chuyện để tìm hiểu đối tác là một cách kết duyên khá mới mẻ, dù khó có thể hy vọng hai bên đạt được sự thấu hiểu. 

Truyen hinh thuc te Au My ngay cang 'coi mo'
Flirty dancing- chương trình mà người chơi tìm hiểu nhau thông qua ngôn ngữ cơ thể 

Tương tự Flirty dancing là các chương trình Dance as one, Dance revolution, Dance to the music mang tính kết hợp giữa hẹn hò và nhảy múa.

Một chương trình se duyên khác có tính “lo xa” là Ex-to-be (Tây Ban Nha), nhắm vào các đôi đang có nguy cơ rạn nứt. Những người chơi sẽ được sắp xếp hẹn hò với một số người sở hữu những tính cách mà họ tin rằng bạn đời mình đang thiếu để quyết định có nên chấm dứt mối quan hệ hiện tại. 

Chương trình se duyên The bi life gồm 10 tập vừa ra mắt vào cuối tháng Mười vừa rồi lo lắng cho cả những người song tính trong cộng đồng LGBT. Dưới sự cầm trịch của Courtney Act - một trong những nghệ sĩ drag queen (người có khuynh hướng ăn mặc, hành xử như nữ giới) nổi tiếng, nội dung chương trình theo chân chín thí sinh có ngoại hình nam và nữ du lịch tới Tây Ban Nha để tìm bạn đời.

Cũng dùng hình thức khiêu vũ để “thay lời muốn nói” còn có chương trình Dance stories (Pháp). Không mang tính mai mối, Dance stories đưa ra ý tưởng để cho người chơi làm việc với vũ công và biên đạo múa và tự sáng tác bài nhảy để bày tỏ tình cảm với những người yêu thương.

Tập đầu của chương trình đã lên sóng với phần trình diễn của một nữ nạn nhân sống sót sau cuộc tấn công khủng bố ở Paris năm 2015, để gửi lời cảm ơn đến người lính cứu hỏa đã cứu mạng cô và phần trình diễn của một người đàn ông gửi lời xin lỗi đến những đứa con của mình, do đã làm việc quá nhiều, không có thời gian dành cho con. 

Truyen hinh thuc te Au My ngay cang 'coi mo'
Chương trình se duyên Making love cho người chơi quan hệ thể xác trước khi hẹn hò

Một chương trình “độc, lạ” khác dành chỗ cho người chơi thổ lộ những tâm tư, tình cảm gửi đến người thân là Voices from the grave (Anh). Theo đó, những người bệnh nặng sắp lìa đời được ghi hình những lời nhắn gửi tình cảm gửi cho người thân, bạn bè.

Truyền hình thực tế đã và vẫn đang là món ăn thu hút người xem nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Đó là cơ sở để các nhà sản xuất nảy ra nhiều ý tưởng độc, lạ và lắm lúc cố tình gây tranh cãi, gây sốc để câu khách.

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI