Trung Âu ‘cất cánh’ nhờ ‘Game of Thrones’

19/04/2019 - 09:00

PNO - Không ngoa khi nói ‘Game of Thrones’ đang giúp một số quốc gia Trung Âu khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Không ai có thể tin chỉ sau một series phim, diện mạo của nhiều quốc gia đã thay đổi.

Những phim trường đắt giá

Cùng với thành công về mặt nội dung, suốt 8 mùa, những cảnh quay trong Trò chơi vương quyền (tên gốc: Game of Throne) đều được quan tâm. Sự quan tâm không chỉ đến từ khán giả muốn một lần tận mắt chứng kiến cảnh thật mà với những nhà sản xuất phim, họ xem để có thêm sự lựa chọn cảnh quay cho dự án mới.

Từ Bắc Ireland đến Morocco, Croatia và Malta, tất cả những nơi mà 7 gia tộc trong phim đã đi qua, đều thu hút du khách. Sau mỗi mùa, một vài địa điểm mới lại nổi lên và việc đầu tiên, du lịch của vùng đó có sự tăng trưởng. Đơn cử sau mùa 5, Trò chơi vương quyền đến thành phố Sevilla, thuộc vùng Andalucia của Tây Ban Nha để dựng bối cảnh thì ngay khi series kết thúc, thành phố đón du khách nườm nượp đến tham quan.

Trung Au ‘cat canh’ nho ‘Game of Thrones’
Địa điểm xuất hiện trong Trò chơi vương quyền quay tại Malta.

Ngoài ra, sau 7 mùa của Trò chơi vương quyền, một loạt các địa danh được chọn làm bối cảnh trong phim nổi như cồn. Tại Bắc Ireland, quốc gia có số lượng cảnh quay tương đối nhiều đã thu hút du khách đến tham quan: pháo đài Audley ở Strangford, công viên rừng Tollymore ở hạt Down, đền Mussenden, dãy núi Mourne nơi chủng tộc người Dotraky sinh sống... 

Tương tự, Croatia với các cảnh quay xuất hiện trên phim được người xem "truy lùng" như pháo đài Lovrijenac ở Dubrovnik, trung tâm thành phố Croatia, Lokrum - hòn đảo ở ngoài khơi thành phố Dubrovnik, vườn bách thảo Trsteno Arboretum...

Trung Au ‘cat canh’ nho ‘Game of Thrones’
Du khách chụp hình tại cảng Ballintoy, một trong những bối cảnh xuất hiện trên phim.

Theo thống kê được đăng tải trên Traveller, tại Iceland, quốc gia không sở hữu nhiều cảnh quay trên phim bằng Bắc Ireland hay Croatia nhưng sau mùa 1, du lịch đến các địa điểm từng là bối cảnh quay tăng 20%. Mùa thứ 2, tăng lên 40%. Và, con số này càng tăng khi chính diễn viên tham gia series phim trở thành "đại sứ du lịch".

Nam diễn viên Kit Harrington thủ vai chàng cận vệ Jon Snow trong buổi giới thiệu Trò chơi vương quyền đã dành nhiều lời có cánh khi nhắc đến Iceland: "Iceland là quốc gia xinh đẹp. Tôi bị choáng ngợp hoàn toàn khi đến đây và bạn, nếu có cơ hội, đừng bỏ qua du lịch Iceland".

Trung Au ‘cat canh’ nho ‘Game of Thrones’
Con đường cây sồi nổi tiếng hơn từ khi xuất hiện trong Trò chơi vương quyền.

Trong các địa danh, Bắc Ireland được biết đến nhiều hơn trên phim ảnh nhờ phim trường đồ sộ Titanic Studios. Ước tính từ mùa 1 – 7 của Trò chơi vương quyền, đã có khoảng 25 địa điểm xung quanh Bắc Ireland xuất hiện trên phim và nhiều cảnh quay thực hiện trực tiếp tại studio. Hiện tại, các địa điểm trên đều được đưa vào lịch trình du lịch của du khách khi đến với Bắc Ireland. Ngoài ngắm cảnh, những câu chuyện hậu trường về phim cũng trở thành “đặc sản” tại đây.

Titanic Studios là một trong những hãng phim lớn nhất châu Âu với diện tích hơn 1,060 m2, thu hút các nhà sản xuất như HBO, Universal và Play tone. Cơ sở này đã hợp tác thực hiện các sản phẩm quốc tế bao gồm Trò chơi vương quyền (hậu kỳ sản xuất 8 phần), Your Highness, City of Ember... Từ hiệu ứng thành công của series Trò chơi vương quyền và một số phim khác, phim trường ở châu Âu, đặc biệt là Trung Âu và các quốc gia lân cận khu vực được chú ý.

David Minkowski, người đứng đầu bộ phận sản xuất của Stillking Films cho biết những lâu đài xen lẫn với cảnh nông thôn, kiến trúc vùng trung tâm châu Âu đang trở thành bối cảnh lý tưởng cho các chương trình lịch sử và giả tưởng ngày càng phổ biến. Người này cho biết, từ sau thành công của Trò chơi vương quyền, kế hoạch sản xuất các bộ phim do anh thực hiện đang thay đổi thấy rõ. Từ Carnival Row, series lịch sử Das Boot hay bộ phim The Witcher cho Netflix đều được thay đổi địa điểm quay.

Trung Au ‘cat canh’ nho ‘Game of Thrones’
Tháp Minceta, một tòa tháp cổ được xây dựng từ thế kỷ 14 như là tâm điểm trong hệ thống phòng thủ của thành phố Dubrovnik.

Trước nhu cầu ngày càng tăng mạnh của các nhà sản xuất phim vương quyền, không chỉ có Titanic Studios mà nhiều phim trường khác đã xuất hiện. Từ đây, sự cạnh tranh để trở thành đối tác của các nhà sản xuất đã biến thành cuộc đua khốc liệt hơn bao giờ hết.

Thương vụ ăn chia đại hạ giá

Không ngoa khi nói Trò chơi vương quyền đang giúp nền điện ảnh một số quốc gia thuộc châu Âu khởi sắc. Cho đến hiện tại, thủ phủ phim trường của những bom tấn vương quyền hàng đầu đa số bước ra từ khu vực này nhờ chính sách thúc đẩy các công ty.

Đạo diễn, nhà sản xuất phim Tom Hanks từng hợp tác với nhiều phim trường tại châu Âu cho biết: “Tất cả những cảnh tượng không thể tưởng đều được bày trí tại cùng một địa điểm. Điều đó quá thuận lợi để làm việc. Chưa kể, chi phí thấp, nhân viên chuyên nghiệp và cảnh trí đều đáp ứng được yêu cầu mà nhà sản xuất đưa ra”.

Trung Au ‘cat canh’ nho ‘Game of Thrones’
Cảnh quay ấn tượng trong Trò chơi vương quyền tại hồ băng Myvatin.

Đã nhiều năm nay, một số nước như Hungary, Cộng hoà Czech ra sức khai thác hiệu ứng thành công từ series Trò chơi vương quyền. Họ xây dựng những phim trường đúng chuẩn với yêu cầu từ các nhà sản xuất. Ban đầu, đó là cuộc chơi thụ động, chỉ dựa vào cơ sở vật chất có sẵn để thuyết phục khách hàng.

Tuy nhiên, khi các gã khổng lồ Amazon và Netflix chuẩn bị sản xuất những phần phim giả tưởng ăn khách mới, nhiều nước Trung Âu khác nhảy vào cuộc chơi, giành giật ngân sách cho phim bom tấn một cách quyết liệt. Theo Reuters, năm 2018, một số phim trường tại Romania đưa ra đề nghị hấp dẫn, hoàn lại đến 45% chi phí sản xuất, Balan cũng có chiến lược tương tự. Họ tăng phần trăm hoàn lại lên 30% vào đầu tháng 2/2019. Trước sự cạnh tranh của đối thủ, Hungary và Cộng hoà Czech đều đang xem xét tăng thêm phần trăm ưu đãi.

Ông Agnes Havas, Giám đốc điều hành của Quỹ phim Hungary nói với Reuters: “Đây là kỷ nguyên mới của chúng tôi để tạo cú hích cho sự phát triển của điện ảnh quốc gia”.

Trung Au ‘cat canh’ nho ‘Game of Thrones’
Một góc phim trường Titanic Studios rộng 1,060 m2.

Ông Stanislaw Dziedzic, nhà sáng lập Công ty Film Produkcja cho biết: “Tài chính là vấn đề chính thúc đẩy các đơn đặt hàng từ nước ngoài với chúng tôi. Đơn cử, việc hoàn tiền mặt đến 30% dĩ nhiên là động lực để sản xuất phim ở Balan. Chiến lược này đã từng thành công. Năm 2010, Cộng hoà Czech hoàn 20% chi phí sản xuất đã tạo bước nhảy vọt sản xuất phim cho quốc gia”.

Dù vậy, ông Stanislaw Dziedzic khẳng định tiền không phải là vấn đề của các đại gia trực tuyến. Nhà phân tích truyền thông Rich Greenfield ước tính ngân sách nội dung chi trong 2019 của Amazon lên đến 6 tỷ USD. Ngân sách của Netflix còn cao hơn nhiều, 15 tỷ USD. Do đó, các đại gia trực tuyến lựa chọn thực hiện phim ở châu Âu, đặc biệt là Trung Âu với những lý do khác, cơ bản và hợp lý hơn.

“Cộng hoà Czech nổi tiếng nhờ đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và nhiều cảnh đẹp. Đất nước này có nhiều lâu đài và cung điện đẹp, thời tiết dễ chịu và đặc biệt là an ninh. Đây chính là lý do lớn nhất để nhà sản xuất lựa chọn Cộng hoà Czech”, ông Jakub Zika, Giám đốc marketing Barrandov Studio nói.

Đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp điện ảnh của Cộng hoà Czech đã tăng từ 1,2 tỷ lên mức kỷ lục 4,8 tỷ CZK (khoảng 210 triệu USD) cho 38 phim trong năm 2018. Theo Ủy ban Điện ảnh Czech, đầu tư dự kiến ​​sẽ duy trì ở mức đó hoặc cao hơn trong năm nay.

Tại Hungary, đầu tư nước ngoài cho tổng số 333 sản phẩm trong năm 2018 lên tới 110 tỷ HUF (khoảng 385 triệu USD), với 84% khoản đầu tư đến từ các sản phẩm quốc tế bao gồm các bộ phim bom tấn Hollywood, Terminator: Dark Fate Gemini Man. Sự bùng nổ chính thức đến từ sau khi Red Sparrow Colette được sản xuất tại Hungary.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI