"Trò chơi biến thái" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng

31/10/2015 - 09:45

PNO - Công chiếu một tuần, bộ phim Con ma nhà họ Vương (đạo diễn (ĐD) Vũ Ngọc Đãng) liên tục nhận chỉ trích từ truyền thông lẫn khán giả.

Hiếm thấy sự nhìn nhận tích cực về thể loại kinh dị mà ĐD này sử dụng để thể hiện sự thay đổi của mình, toàn thấy lời chê trách xung quanh yếu tố đồng tính được khai thác phản cảm, không đúng chỗ trong phim. Hệ lụy này là do “cái tôi” của ĐD đã bị áp đặt quá lố.

Chưa phim nào của ĐD Vũ Ngọc Đãng bị chê bằng nhiều ngôn từ “trần trụi” như Con ma nhà họ Vương. “Lỗi” nghiêm trọng của bộ phim này là không cho ra được thể loại gì, kinh dị nửa vời, lãng mạn không tới, hài không có duyên, đồng tính thiếu tinh tế. Tất cả trộn lẫn trong một gam màu nửa sáng nửa tối, nửa thiện nửa ác, và không vai nào ra vai nào.

Con ma nhà họ Vương của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng bị chê bằng nhiều ngôn từ trần trụi

Con ma nhà họ Vương gây chú ý vì tên tuổi Vũ Ngọc Đãng và vì thể loại mới ĐD nà y chọn thử sức. Người ta chờ xem tác phẩm kinh dị được ĐD “mát tay” và luôn có phim nổi đình nổi đám này thực hiện thế nào, chứ không chờ anh dẫn dắt vào một trò chơi của trí tưởng tượng cá nhân, thiếu cảm xúc và gượng ép thông điệp về giới tính.

Là phim kinh dị nhưng chẳng thấy kinh dị đâu, mọi tình huống xử lý khá vụng. Kỳ thực, xem Con ma nhà họ Vương thấy kinh dị chỉ là phần chìm, là cánh cửa mở để dễ dàng bắt đầu cho “trò chơi biến thái” - chứ không ma quái của nhân vật Vương Huy (Hồ Vĩnh Khoa).

Trò chơi đó thuộc về giấc mơ của nhân vật Nam (La Quốc Hùng) trên màn ảnh và nằm trong trí tưởng tượng của ĐD. Trò chơi vô nghĩa và lẩn quẩn với những kiểu vờn nhau, vờn đuổi cảm nhận của khán giả nhưng đích đến thất bại khi phần lớn các phân cảnh chỉ tạo cảm giác dài dòng, mệt mỏi, thiếu chi tiết đắt.

Sẽ được xem là thất bại sau khi một bộ phim công chiếu mà ĐD phát biểu phải giải thích kiểu “tôi làm như thế vì…”. Sản phẩm của ĐD để được khán giả chấp nhận không phải là kiểu “làm phim giải thích” mà phải là giá trị cảm nhận từ những thước phim.

Cách ĐD áp đặt trong thể hiện khó được số đông khán giả chấp nhận qua suốt nội dung phim: hai nhân vật nam lớn tồng ngồng, không mặc áo quần, đèo xe đạp đi tắm sông, để họ “hôn nhau trong bụi chuối” với lời thoại hết sức ngô nghê, để trò chơi biến thái bắt đầu bằng việc “gửi hình bán nude và cho hai trăm triệu”, để cảnh dí dao vào bụng khoe… cơ, thay đồ khoe thân lồ lộ trước ống kính, để kẻ tội phạm và tên biến thái chơi trò trẻ con “bắt trói bỏ tủ trốn tìm”…

Quan trọng hơn, các nhân vật hầu như không có tính cách riêng mà bị chi phối bằng toàn bộ tính cách áp đặt của ĐD. Trò chơi ma quái do ĐD tạo ra không đi đến đâu cũng bởi “cái tôi” ngẫu hứng.

Cái tôi nghĩ sao làm vậy này từng được thể hiện trong các phim trước đây của Vũ Ngọc Đãng nhưng kiểu tưng tửng, tự nhiên chủ nghĩa chỉ có thể chấp nhận được với loại phim lãng mạn, dễ thương nhẹ nhàng như Bỗng dưng muốn khóc, Vừa đi vừa khóc… Mang lên màn ảnh và xử lý vấn đề đồng tính theo ý mình như một giấc mộng mang tính cá nhân như vậy khiến người xem thấy lợn cợn.

Mọi sáng tạo chỉ được đón nhận và khẳng định giá trị riêng khi số đông đồng cảm, chia sẻ. Sự dị biệt nếu có, cũng phải là những trao gửi thông điệp trên nền tảng chung của cảm quan duy mỹ và giá trị. Không có tác phẩm nào hay mà lại được khán giả gọi là “bước lùi, vô nghĩa, lố”, như Con ma nhà họ Vương.

Hoàng Hạc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI