Trịnh Vĩnh Trinh: Ngay cả nông dân cũng 'cảm' được nhạc Trịnh Công Sơn

01/04/2018 - 17:03

PNO - Em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khẳng định gia đình không khó khăn trong việc nhiều ca sĩ hiện nay cover nhạc Trịnh. Tuy nhiên, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nhấn mạnh, người hát phải hiểu được cốt lõi bên trong của nhạc Trịnh Công Sơn.

Dịp kỷ niệm 17 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm nay, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sĩ cùng chồng và gia đình phối hợp thực hiện chương trình ca nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn vào đêm 28/4 tại Huế. Đêm nhạc diễn ra trong khuôn khổ Festival Huế 2018. 

* Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là sự kiện "đến hẹn lại lên", và đã  17 năm rồi.  Gia đình có gặp khó khăn gì trong công tác lên ý tưởng sao cho mới mẻ? 

Trinh Vinh Trinh: Ngay ca nong dan cung 'cam' duoc nhac Trinh Cong Son
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh

- Mỗi năm, gia đình chúng tôi đều nghĩ ra những điểm mới để mang đến cho khán giả trong đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và năm nay cũng không ngoại lệ. Tại chương trình sắp tới, tôi có mời các nghệ sĩ thân thiết với gia đình hay từng có thời gian gắn bó với anh Sơn như Hồng Nhung, saxophone Trần Mạnh Tuấn, Đức Tuấn, Lệ Quyên...

Đặc biệt, Lệ Quyên không phải là ca sĩ chuyên hát dòng nhạc Trịnh Công Sơn nhưng cô từng tâm sự với tôi rằng từ thời sinh viên, cô đã yêu thích và hát nhạc anh nhưng đến bây giờ, sau 20 năm mới mạnh dạn làm CD nhạc Trịnh Công Sơn. Do đó, gia đình chúng tôi đã ngỏ lời mời Lệ Quyên tham gia chương trình. Ngoài ra, đêm nhạc còn có sự tham gia của 2 giọng ca trẻ Lân Nhã và Ngọc Mai. Đây là hai ca sĩ có cách hát và nhả chữ trong các ca khúc nhạc Trịnh mà tôi tin rằng nếu anh Sơn còn sống thì anh sẽ rất hài lòng.

Bên cạnh đó, đêm nhạc Trịnh Công Sơn năm nay chúng tôi sẽ đưa chất "thiền" vào không gian âm nhạc, đó là điểm khác biệt so với những chương trình khác. Đêm nhạc sẽ được bắt đầu bởi tiếng chuông gõ mõ, mang lại không khí lắng đọng, nhẹ nhàng ngay từ đầu, khác với sự hào hứng thông thường. Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn là người đảm nhận phần thể hiện chất "thiền" này trong đêm nhạc.

* Thời gian qua có khá nhiều ca sĩ từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp hát hay thậm chí cover ca khúc nhạc Trịnh theo những phong cách mới đa dạng. Bà có nghĩ điều này làm mất đi chất riêng của nhạc Trịnh?

Trinh Vinh Trinh: Ngay ca nong dan cung 'cam' duoc nhac Trinh Cong Son

Vợ chồng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh

- Gia đình tôi luôn muốn mỗi ngày sẽ tìm kiếm ra những giọng ca mới, trẻ, vì thời gian trôi qua rồi, ai cũng sẽ lớn dần theo thời gian và mình cũng cần những người trẻ nối tiếp. Nhưng riêng nhạc Trịnh Công Sơn lại có cái khó là người hát phải hiểu được nhạc của anh, nghe thì rất là đơn giản.

Sinh thời, anh Sơn thường nói với tôi rằng nhạc của anh phải hát thật đơn giản, hát giống như đang thở, không cần phải uốn éo gì cả thì sẽ ra cái chất. Vì vậy, khi bắt gặp được một giọng ca mới, trẻ mà chúng tôi cảm nhận được người này hiểu được nhạc của anh Sơn, chúng tôi rất mừng. Nhạc của anh Sơn không đòi hỏi phải là ca sĩ chuyên nghiệp mới hát hay được, trong đời thường vẫn có nhiều người hát rất hay mà mình chưa gặp thôi.

Bản thân anh Sơn là người luôn thích cái mới nhưng vẫn phải gần gũi và thể hiện đúng chất những ca khúc của anh. Cho nên, gia đình tôi không khó khăn trong việc ca sĩ trẻ hát nhạc anh Sơn bởi tôi nghĩ chúng ta không thể nào bắt các bạn trẻ đi theo lối mòn, mình phải biết chấp nhận những cái mới. Điều quan trọng nhất tôi muốn nhắc nhở mấy em là, mới gì thì mới nhưng vẫn phải thể hiện được cái chất của Trịnh Công Sơn, chứ không thể đi lệch lạc quá xa để rồi sao nghe lạ quá. Phải hiểu được cốt lõi bên trong của nhạc Trịnh Công Sơn!

* Nhạc Trịnh đậm chất triết lý từng câu, từng từ, thậm chí, có những quan điểm sống mà đến nhiều năm sau người nghe mới có thể ngộ ra. Theo bà, đây có phải là điều hạn chế khán giả trẻ có thể hiểu và cảm được ngôn từ trong nhạc Trịnh?

Trinh Vinh Trinh: Ngay ca nong dan cung 'cam' duoc nhac Trinh Cong Son

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh

- Tôi không nghĩ như vậy, gặp nhau đã là cái duyên và tôi luôn luôn muốn tiếp đón các em trẻ để có cơ hội nói cho các em hiểu thêm về nhạc Trịnh Công Sơn. Đặc biệt, nhạc của anh Sơn, nếu ngồi diễn giải ra nghĩa của từng từ thì rất khó, điều đó phải nhờ đến nhà triết học, nhưng với những người bình thường, họ có thể cảm nhận bài hát theo kiểu khác tùy thuộc vào mỗi người.

Tôi thấy nhạc của anh Sơn, tùy mỗi bài và tùy mỗi người có thể cảm nhận theo cách riêng của mình. Chứ không phải như nhiều người thường nói, nhạc Trịnh Công Sơn đầy triết lý, nghĩa là nhạc Trịnh triết lý quá nên người bình thường khó có thể tiếp cận được, là không đúng.

Lúc sinh thời, anh Sơn và nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng chứng kiến những người nông dân hát các ca khúc nhạc Trịnh nhưng họ không hề biết đó là sáng tác của anh. Nghĩa là bất cứ ai ở tầng lớp nào cũng có thể đến với nhạc Trịnh Công Sơn mà không cần hiểu. Người ta cứ hát như một điều gì đó quen thuộc. Chính vì thế mà nhạc của Trịnh Công Sơn đã đến gần được với nhiều tầng lớp trong xã hội.

* Dù nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có hơn 600 sáng tác nhưng đến nay, chỉ mới hơn 200 ca khúc của ông được cấp phép lưu hành rộng rãi. Đây là điều đáng tiếc bởi công chúng chưa có cơ hội thưởng thức nhiều tuyệt phẩm khác của ông... 

- Tôi cho rằng đó là điều mong chờ của không chỉ riêng với sáng tác Trịnh Công Sơn mà còn là mong mỏi của các nhạc sĩ nói chung, bởi các tác phẩm đó như là đứa con tinh thần của họ. Ngoài ra, tôi mong mỏi cơ quan quản lý xem xét về việc xin giấy phép biểu diễn các đêm nhạc Trịnh sao cho rút ngắn thời gian. Những ca khúc nào đã được cấp phép thì mình nên lược qua một bên và xem xét duyệt những bài chưa cho phép, chứ đừng lặp đi lặp lại danh sách dài như vậy, mất nhiều thời gian cho cả hai bên.

* Xin cám ơn bà.

Thanh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI