Tranh cãi về nhạc Việt ‘lai’ tiếng Anh

20/03/2018 - 08:00

PNO - Sự quyết liệt của nhạc sĩ Lê Minh Sơn mới đây về việc bài hát 'chèn' tiếng Anh một lần nữa nói lên tình trạng 'lai căng' trong các tác giả trẻ. Và, ngay trong giới sáng tác, đây vẫn còn là vấn đề chưa thống nhất.

Đến với Sing my song 2018 Nguyễn Minh Cường mang đến sáng tác mới có tên I’m sorry, lấy cảm hứng từ lời xin lỗi, sự hối tiếc của một người đàn ông vì cuộc sống, mưu sinh mà quên đi sự hy sinh của người phụ nữ bên cạnh.

Tranh cai ve nhac Viet ‘lai’ tieng Anh
Thí sinh Nguyễn Minh Cường và vợ trên sân khấu Sing my song

Tiết mục với những giai điệu da diết, tình cảm cùng hàm ý được thể hiện sau ca khúc đã giúp Nguyễn Minh Cường chinh phục được Đức Trí và Giáng Son. Tuy nhiên, nhạc sĩ Lê Minh Sơn dù khá thích thú với bài hát này nhưng không nhấn chọn. Lý do mà anh đưa ra là tên ca khúc việc chèn một số câu tiếng Anh vào trong bài hát.                           

Tiết mục của Nguyễn Minh Cường trên sân khấu Sing my song 2018 và nhận xét của HLV Lê Minh Sơn:

 

Lê Minh Sơn chia sẻ: “Bài hát này có sự từng trải nhưng điều tôi chán nhất là cái tên I’m sorry. Bao nhiêu cái tên Việt Nam đẹp đẽ lại không cho vào. Tôi không thể chịu nổi”. Tuy bấm chọn nhưng nhạc sĩ Giáng Son và Đức Trí cũng đồng ý với vấn đề đặt tên ca khúc bằng tiếng Anh cũng như đưa các câu bằng ngôn ngữ này vào, và kỳ vọng Nguyễn Minh Cường có thể cân chỉnh cho bài hát tốt hơn.

Tranh cai ve nhac Viet ‘lai’ tieng Anh
Lê Minh Sơn phản đối chuyện thí sinh đưa tiếng Anh vào nhạc Việt

Từ câu chuyện của Nguyễn Minh Cường, quay trở lại với bức tranh tổng thể của làng nhạc Việt, dễ dàng thấy rằng đây không phải là trường hợp duy nhất. Đến với BXH âm nhạc 100 ca khúc hot nhất làng nhạc Việt trong thời gian gần đây của một trang nhạc trực tuyến, không khó để bắt gặp tiếng Anh được đưa một cách đầy rẫy trong các sáng tác, ngay cả phần lời chính hoặc đọc rap.  

Ca khúc Đã lỡ yêu em nhiều do Justa Tee sáng tác và trình bày có một đoạn với những từ tiếng Anh được đan xen vào nhau khó thể chấp nhận: “Đã lỡ yêu... nah nah nah/ U know, oh lỡ yêu.. nah nah nah/ I love you so, bei I love you so/ Mình phải bước chậm lại vì ngày mai rất dài”.

Một sáng tác khác của Justa Tee kết hợp với Kai Đinh có tên Mặt trời của em cũng có phần lời được hình thành theo mô tuýp tương tự: “I just wanna be with you/ I just wanna be with you/ I just wanna be wanna be with you”. Đoạn rap cũng có những từ Việt, Anh đan xen hỗn loạn: “Just just just I'm just I'm just ah/ Anh call để cho em nghe đôi lời…/ Cause I'm in love with you you/ Cause I'm in love with you”.

Ca khúc Có em chờ do Min trình bày có hẳn một đoạn điệp khúc sử dụng toàn tiếng Anh, trong khi những phần còn lại được thể hiện bằng tiếng Việt; “What is love/ Can you feel it/ What is love/ Can you feel it, oh, oh, oh , oh…”.

Tranh cai ve nhac Viet ‘lai’ tieng Anh
Hình ảnh của Min quảng bá cho ca khúc Có em chờ

Đừng yêu, một ca khúc gắn liền với Thu Minh, do Trang Pháp sáng tác cũng được chèn một câu tiếng Anh để nối đoạn thân và điệp khúc. Nhìn vào tổng thể, sự xuất hiện của “But you did but you did it baby” khá vô duyên giữa những dòng tâm tư được viết nên từ tiếng Việt.

“Em chẳng thể gục ngã/ Baby don't make me cry/ Xin anh đừng nói/ Em xin anh đừng nói/ Ngàn lời lúc ấy đã bóp nát trái tim em vỡ tan”, chẳng hiểu vì sao giữa những dòng tiếng Việt, Đỗ Hiếu lại cao hứng cho vào một câu tiếng Anh ở giữa đoạn điệp khúc của Xin anh đừng. Đây là một sáng tác mà Đông Nhi thường thể hiện trong thời gian qua.

Tranh cai ve nhac Viet ‘lai’ tieng Anh
Đông Nhi là một trong những ca sĩ hay sử dụng sáng tác có chèn tiếng Anh

Ngoài việc đưa ngoại ngữ vào trong lời hát, không ít những ca khúc còn được khoác một chiếc mác ngoại, mà nghe đã thấy kiêu: In the night (sáng tác Đỗ Hiếu, trình bày Bảo Anh), What’s is love (trình bày Hồ Ngọc Hà), I don’t belive (Thu Minh), Talk to me (Chi Pu), Walk Away (Tóc Tiên), Is love real (Đào Bá Lộc), Pink girl (Đông Nhi)…

Nói không ngoa khi tư duy sáng tác nửa nạc, nửa mở này đã tạo nên một xu hướng trong làng nhạc Việt, còn đẹp mắt, tinh tế, văn minh hay không còn là chuyện phải bàn sau. Điều đáng nói ở đây, những cụm từ, câu bằng tiếng Anh được đưa vào các sáng tác tên thì tiếng Việt hoàn toàn có thể diễn đạt được, thậm chí thổ lộ ý tứ, cảm xúc còn dạt dào, đầy đủ hơn.

Tranh cai ve nhac Viet ‘lai’ tieng Anh
 
Tranh cai ve nhac Viet ‘lai’ tieng Anh
Hình ảnh Hồ Ngọc Hà và các học trò trong MV What's love

Câu chuyện đưa tiếng Anh vào nhạc Việt không mới, nhưng luôn là vấn đề gây tranh cãi. Cũng chính vì thế, không bất ngờ khi ngay trên ghế HLV Sing my song, các nhạc sĩ đã có những quan điểm trái chiều. Và mở rộng ra với những người trẻ, đối tượng đang sử dụng ngoại ngữ vào trong sáng tác của mình, họ nghĩ gì?

Lê Minh Sơn khá quyết liệt với câu chuyện người Việt phải tôn trọng và gìn giữ tiếng Việt. Với anh, thông qua văn hoá, nghệ thuật, chúng ta cần làm cho tiếng Việt đẹp hơn. Không riêng Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới, họ có ngôn ngữ riêng và có những câu, từ để lột tả hết nét đẹp văn hoá dân tộc, vì sao chúng ta không làm?

Tranh cai ve nhac Viet ‘lai’ tieng Anh
Lê Minh Sơn khá quyết liệt trong việc ca khúc Việt phải được sử dụng tiếng Việt, tránh sự lai căn

“Cứ thử tưởng tượng bài Cát bụi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang ngân nga Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi rồi chèn một câu tiếng Anh vào thì làm sao chấp nhận được. Bài hát là tiếng lòng của người Việt thì chính người Việt phải có trách nhiệm bảo vệ văn hoá Việt Nam mình, làm tròn trịa hơn ngôn ngữ mà ông bà đã để lại. Đó là tư duy của một lớp trẻ văn minh”, nhạc sĩ Lê Minh Sơn bày tỏ quan điểm cá nhân. Theo anh, văn minh không phải là đi góp nhặt, hoà tan với tất cả mà trên hết đó phải là sự hiểu biết tường tận về văn hoá.

NS Lê Minh Sơn cũng cho rằng việc người trẻ liên tục đưa tiếng Anh vào nhạc Việt, đó là cách chơi mà người chơi bị ám ảnh nhạc Tây. Chỉ đặt một câu hỏi rằng khi bạn cầm bút, bạn là người nước nào, xuất thân từ đâu, bạn phải tồn tại đúng với văn hoá của nơi mà bạn đang sống. “Ngay cả người Tây, họ cũng đi tìm nghe những cái riêng đó, chứ không phải những thứ hội nhập hoà tan. Bạn là người Việt khi khoác lên chiếc áo vest, quần âu thì không có nghĩa bạn trở thành người Tây”, Lê Minh Sơn nói.

Thị trường nhạc luôn có sự vận động, có thể việc đưa tiếng Anh lồng vài tiếng Việt là trào lưu, được khán giả ưa chuộng. Và vô tình hay hữu ý, người sáng tác lại chiều long người nghe nhưng không phải lúc nào cũng được thông cảm, chấp nhận: “Trên hết tôi vẫn dành sự trân trọng cho những sáng tác bằng tiếng Việt. 7 nốt nhạc là dùng chung cho cả thế giới. Vì thế, điều quan trọng chúng ta cần tạo nên những bản sắc riêng, mà ngôn ngữ, đặc tính văn hoá là một trong những công cụ hữu hiệu nhất. Tiếng Việt có quá nhiều câu hay, thậm chí biểu đạt nghĩa còn tốt hơn cả tiếng Anh nên không có lý do gì mà không thể chuyển ngữ được”.

Tranh cai ve nhac Viet ‘lai’ tieng Anh
Nam nhạc sĩ cho rằng người Việt phải phát triển, giữ gìn văn hoá Việt. Tiếng Việt có hệ thống từ phong phú, đa nghĩa thì vì sao phải sử dụng tiếng Anh, khi không thực sự cần thiết.

Trong khi đó, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh lại đứng ở phía ngược lại hoàn toàn: “Tôi chẳng thấy vấn đề gì trong chuyện này. Chúng ta muốn hội nhập thì việc sử dụng một ngôn ngữ chung của thế giới là điều dễ chấp nhận. Chúng ta cứ khư khư ôm lấy vốn của mình thì làm sao hội nhập được”.

Riêng nhạc sĩ Giáng Son cho rằng tiếng Việt hay, mang nhiều hàm nghĩa, từ ngữ đa dạng nhưng có nhiều dấu. Đôi lúc, việc biểu đạt một ý phải sử dụng nhiều hơn 1 câu trong khi bài hát thì cần gọn, súc tích. Trong khi đó, tiếng Anh lại gãy gọn hơn, câu cú ngắn và đặc biệt là không có dấu nên trong một số trường hợp được đặt vào rất vừa vặn, gọn gẽ. 

Tranh cai ve nhac Viet ‘lai’ tieng Anh
Nhạc sĩ Giáng Son phân tích cả cái được, cái mất của tiếng Việt và tiếng Anh khi tồn tại trong một ca khúc

Dẫu thế, theo chị, sự tồn tại của tiếng Anh trong một ca khúc có những vấn đề nhỏ, mà không khéo sẽ trở thành trò cười. “Đôi khi chúng ta cứ để vào và hát, mặc định có thể chấp nhận được, nhưng khi người bản xứ họ nghe thì thấy buồn cười. Trọng âm tiếng Anh cũng phải đi liền với giai điệu, tương tự như dấu trong tiếng Việt. Quan trọng nữa, khi đặt tiếng Anh vào nhưng đảm bảo bài hay, hợp lý thì sẽ được chấp nhận”, nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ.

Giải thích thêm về quan điểm của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Giáng Son cho rằng do đặc thù dòng nhạc và sự tiếp nhận văn hoá nên có những khác biệt. Nhưng mọi sự khác biệt đều nên được chấp nhận trong một bức tranh đa dạng, đa chiều của nghệ thuật.

Phạm Toàn Thắng, một cây bút sáng tác trẻ cũng nhìn vấn đề tương tự nhạc sĩ Giáng Son. Anh đề cao tính hợp lý khi đưa tiếng Anh vào nhạc Việt để tránh tạo cảm giác nửa nạc, nửa mỡ: “Việc sử dụng tiếng Anh nên hợp lý bằng những từ thông dụng, câu ngắn và có mô tuýp lặp lại để người nghe có thể ghi nhớ. Nghĩa của câu cũng phải đơn giản, quen thuộc để người nghe hiểu ngay. Với sáng tác, nếu sử dụng được tiếng Việt hoàn toàn thì quá tuyệt. Nhưng trong một số trường hợp để tạo tiết tấu, bắt tai, ấn tượng hơn thì việc dùng tiếng Anh nên được chấp nhận”.

Theo anh, trong thời đại giao lưu, hội nhập văn hoá thì việc làm trên không đáng để bị lên án, chỉ trích nhưng người nhạc sĩ cần phải cân chỉnh để tránh tạo cảm giác khó chịu cho người nghe.

Tranh cai ve nhac Viet ‘lai’ tieng Anh
Phạm Toàn Thắng

Mười năm trước đây, khi cái tên Dương Khắc Linh bắt đầu xuất hiện tại thị trường nhạc Việt, anh cũng từng gặp khó khăn khi đưa tiếng Anh vào các sáng tác vì không được chấp nhận. Tuy nhiên, sau đó việc làm này trở nên phổ biến, mà tiên phong là ca khúc Xin hãy thứ tha do Hồ Ngọc Hà trình bày với từ "sorry' được lặp lại liên tục trong điệp khúc.

“Nghệ thuật không nên bị giới hạn hay cấm cản điều gì cả. Chúng ta nên tôn trọng những nghệ sĩ, cái tôi cá nhân của họ, dù cho một bài hát toàn tiếng Anh chỉ có 1 từ tiếng Việt cũng được, và ngược lại, miễn hay. Một khi khán giả chấp nhận thì ca khúc sẽ tồn tại, còn không sẽ tự bị đào thải. Chúng ta tôn trọng ngôn ngữ mẹ đẻ nhưng không phải cái gì nhất nhất cũng là tiếng Việt. Sự thay đổi nào hợp lý thì nên được chấp nhận”.

Tranh cai ve nhac Viet ‘lai’ tieng Anh
Dương Khắc Linh

Những yếu tố về văn hoá, nghệ thuật mang cái tôi cá nhân sẽ là câu chuyện trái chiều không hồi kết. Tiếng Anh đi vào nhạc Việt, là một xu hướng tất yếu trong quá trình giao thoa văn hoá. Tuy nhiên, sự hợp lý và việc giữ gìn, phát huy giá trị của tiếng Việt phải là ưu tiên, và không được xem nhẹ. 

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI