Trần Hậu Tuấn: Sống cùng nghệ thuật

25/04/2019 - 19:00

PNO - Trần Hậu Tuấn nói, mỗi bức tranh, với ông, đều là ký ức không thể quên, về năm tháng khó khăn nhưng nhiều kỷ niệm.

Một cảm giác mê đắm, choáng ngợp khi tôi đứng giữa phòng trưng bày tranh hai tầng, rộng mênh mông của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn (357/2 Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Tân Bình, TP.HCM). Đó là ngày anh ra mắt triển lãm Sưu tập Trần Hậu Tuấn và cuốn sách ảnh cùng tên.

Bộ sưu tập với hàng trăm bức tranh, từ giai đoạn mỹ thuật Đông Dương (1925-1975), mỹ thuật thời chiến và bao cấp (1945-1985) đến mỹ thuật miền Nam trước năm 1975, mỹ thuật đổi mới (1985-2000) và mỹ thuật đương đại sau đổi mới (từ năm 2000 trở về sau).

Tran Hau Tuan: Song cung nghe thuat
Sách ảnh Sưu tập Trần Hậu Tuấn

Hàng trăm bức tranh của hàng chục họa sĩ tên tuổi đại diện cho trăm năm mỹ thuật Việt Nam. “Khởi từ họa sĩ Bùi Xuân Phái, qua sự chỉ dẫn của ông, tôi tìm đến các họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên. Năm 1980, tôi vào Sài Gòn và may mắn gặp họa sĩ Nguyễn Gia Trí, rồi tôi tìm mua tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh… Các bức tranh họa sĩ Trần Trung Tín tặng Bùi Xuân Phái, mà tôi may mắn được ông và gia đình tặng lại, giúp tôi tìm gặp và bổ sung vào bộ sưu tập. Tôi tìm kiếm và trải nghiệm cảm xúc nghệ thuật không chỉ ở Hà Nội, Hải Phòng mà còn là Sài Gòn, Huế, với những khác biệt thú vị trước tranh Thái Tuấn hay Nguyễn Trung và giờ là thế hệ các họa sĩ đương thời: Đặng Xuân Hòa, Phùng Quốc Trí, Lê Quảng Hà, Nguyễn Minh Thành…” - nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn hồi tưởng.

Hành trình sưu tập tranh của Trần Hậu Tuấn kéo dài hơn 40 năm. “Không hành nghề “làm tranh”, cũng không phải là cái thú “chơi tranh” của những tay sành nghệ thuật mua vào bán ra hoặc tích tụ một tài sản. Sưu tập Trần Hậu Tuấn là kết tủa đời sống nghệ thuật của một người tự giác ngộ sứ mạng văn hóa của cá nhân nhìn-thấy-yêu-hiểu hội họa nước nhà” - họa sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quân nhận xét.

Tôi đứng rất lâu trước những tác phẩm Eva trở về (sơn dầu trên vải, Lê Huy Tiếp, 1997), Gia đình (sơn dầu trên vải, Vũ Cao Đàm, 1972), Cưỡi bò qua sông (màu nước trên giấy, Nguyễn Phan Chánh, 1959), Cái chết (sơn dầu trên giấy ảnh, Trần Trung Tín), Phong cảnh nông thôn (Lưu Công Nhân, 1959, 1987)… Nói theo nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn: “Những tác phẩm quý giá trong bộ sưu tập đều là những lời nhắn gửi, những khát khao thẩm mỹ và cả ước muốn đời thường của nhiều thế hệ nghệ sĩ gửi lại cho các thế hệ tiếp theo, rằng: cái đẹp là vĩnh hằng và cuộc đời, dẫu vô vàn khổ nạn, vẫn luôn đẹp đẽ và tràn đầy hy vọng”.

Cùng với triển lãm đồ sộ, cuốn sách ảnh (in bản tiếng Anh và tiếng Việt) mang đến cho người thưởng tranh những chiều kích cảm xúc khác. Trần Hậu Tuấn nói, mỗi bức tranh, với ông, đều là ký ức không thể quên, về năm tháng khó khăn nhưng nhiều kỷ niệm. Vậy nên, cuốn sách dày 400 trang, được làm đầy bởi những trang viết chia sẻ ký ức, cảm thụ nghệ thuật, kết nối cả một chiều dài lịch sử gần trăm năm phát triển của mỹ thuật Việt Nam. Sách được thực hiện trong nhiều năm, ban đầu có tựa là Sống cùng nghệ thuật, sau đổi thành Sưu tập Trần Hậu Tuấn. Dự kiến sẽ còn có tiếp Sưu tập Trần Hậu Tuấn tập 2. 

Hoàng Hạc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI