Trần ai làm phim xưa

08/08/2018 - 06:30

PNO - Hầu hết các đoàn phim xưa đều phải quay cảnh ngoại ở tỉnh này, cảnh nội ở tỉnh khác. Rất hiếm có những cú máy dolly mà nhân vật từ bên ngoài bước vào trong nhà.

Sau chuyến về miền Tây tìm bối cảnh cho bộ phim Đất phương Nam phiên bản điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Minh Cao buồn bã cho biết, anh không tìm được nơi nào có thể quay được cảnh nhân vật Võ Tòng trong rừng đước như bản phim truyền hình năm 1995.

“Thập niên 1990, nhiều thứ còn hoang sơ, bối cảnh rất gần với thời trước, còn bây giờ, nhiều khi lực bất tòng tâm” - NSƯT - đạo diễn Lê Cung Bắc - người vừa thực hiện bộ phim Mỹ nhân Sài thành - chia sẻ.

Tran ai lam phim xua
Mỹ nhân Sài thành mất đến bốn năm mới hoàn tất

Dự định sẽ khởi quay vào cuối tháng 3/2018, đến nay đạo diễn Nguyễn Minh Cao cho biết, kế hoạch sẽ phải lùi lại đến cuối năm. NSƯT - đạo diễn Vinh Sơn thì phải điều chỉnh lại kịch bản cho phù hợp với tình trạng bối cảnh xưa khan hiếm.

Phim Mỹ nhân Sài thành mất đến bốn năm mới làm xong, được nhiều lời khen, nhưng vẫn thấy giới hạn - điểm yếu chung của phim bối cảnh xưa hiện nay: thiếu toàn cảnh Sài Gòn xưa. Sự nhộn nhịp của đường phố được tái dựng trong khoảng cách hẹp.

Phim trường chỉ là bãi đất trống

Từ sau Tơ đồng vương vấn năm 2014, gần như không còn đoàn phim nào đến phim trường Hòa Phú (H.Củ Chi, TP.HCM) dựng cảnh làm phim. “Phim trường chỉ là bãi đất trống. Với kinh phí làm phim hiện nay, rất khó để dựng mới những kiến trúc cổ xưa” - một đạo diễn nhìn nhận. Đó cũng là lý do các đoàn phim thà bôn ba khắp nơi ghi hình phim xưa chứ không chọn phim trường.

Ngoài bối cảnh, đạo cụ cũng là vấn đề. Xem Mỹ nhân Sài thành, khán giả có thể bị cuốn theo tình tiết, số phận nhân vật. Nhưng để thuyết phục hơn, đạo diễn phải dùng đến kỹ xảo.“Tôi chỉ có thể dựng cảnh trên một con phố nhỏ rồi đặt máy quay trên cao để tạo góc rộng. Nếu quay ngang, trực diện là lộ hết” - đạo diễn Lê Cung Bắc nói.

Cảnh Thanh Trà đi bán xe ở Sa Đéc, khung hình cần có chiếc xe cổ ở hậu cảnh. Thế nhưng, muốn xe cổ về Đồng Tháp, phải trả cho chủ xe… 15 triệu đồng/cảnh quay. Cảnh các công tử ăn chơi đến sòng bài cũng cần hậu cảnh là một dãy xe cổ, chứng tỏ sự giàu có của các nhân vật.

Chỉ vài giây thoáng qua trên màn ảnh, nhưng ngoài phim trường là cả vấn đề. Đó là chưa kể chuyện phải tránh dây điện, máy bay, xe máy chạy ngang khi đang ghi hình, “người hiện đại” thấp thoáng…

Hầu hết các đoàn phim xưa đều phải quay cảnh ngoại ở tỉnh này, cảnh nội ở tỉnh khác. Rất hiếm có những cú máy dolly mà nhân vật từ bên ngoài bước vào trong nhà.

“Tiến trình hiện đại hóa nông thôn đã làm thay đổi gần hết cảnh làng quê xưa ở Bắc bộ. Cảnh nội - ngoại trong phim Thương nhớ ở ai đều phải ghép. Nội cảnh ở nơi này, nhưng ngoài sân lại quay nơi khác” - đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết.

Một sự kết hợp vất vả điển hình là nhân vật Vĩnh Thái của Trương Minh Quốc Thái trong phim Khóc thầm. Cảnh trong nhà quay ở Q.Thủ Đức, TP.HCM nhưng cảnh sân ở tỉnh Bình Dương và vào ga-ra ở Bến Tre.

Thương nhớ ở ai được VFC đầu tư kinh phí làm kỹ xảo gần 2.000 bối cảnh xưa. Ở phía Nam, điều đó gần như bất khả. Một đạo diễn tâm sự: “Chi phí chỉ đủ để xóa dây điện thôi, còn muốn chuyển từ cánh đồng xanh sang màu lúa vàng cũng khó”.

Chuyện xây những ngôi nhà mái ngói kiểu xưa để rồi đốt trụi trong phim Vó ngựa trời Nam chỉ còn là dư âm của hãng phim TFS.

“Làm phim xưa vất vả lắm. Có những bối cảnh, ngoài sân thì ổn nhưng bên trong thì không được và ngược lại. Nhà cổ, di tích, bối cảnh cho thuê phù hợp với phim xưa đều đã được khai thác mòn trên màn ảnh. Muốn tìm được cảnh chưa từng lên phim thì phải lặn lội về vùng sâu vùng xa, nhưng cũng chỉ có thể nói là tạm chấp nhận” - đạo diễn Phương Điền chia sẻ. Để có bộ phim Giông bão (chuyển thể từ vở kịch Lôi Vũ), anh đã lặn lội hàng tháng trời tìm bối cảnh khắp những nơi xa xôi hẻo lánh ở miền Tây.

Nỗi khổ "thay ngựa giữa dòng”

Vai Thanh Trà trong phim Mỹ nhân Sài thành (Cát Tiên Sa sản xuất, đang phát sóng lúc 20g45, các ngày thứ Hai đến thứ Năm hằng tuần, trên VTV1) ban đầu là của hoa hậu Diễm Hương. Phim quay gần một nửa thì Diễm Hương bị Cục Nghệ thuật biểu diễn cấm diễn vì scandal. Ngân Khánh vào thế vai, đồng nghĩa phải quay lại toàn bộ các cảnh của nhân vật Thanh Trà.

“Bối cảnh quay xong với Diễm Hương đã phá bỏ, nay phải dựng lại. Các diễn viên có cùng phân cảnh với vai diễn của Ngân Khánh cũng phải đóng lại hết. Trong khi họ đã xếp lịch cho phim khác. Tôi rất cảm ơn các diễn viên đã cùng vượt qua khó khăn để làm lại cùng chúng tôi” - đạo diễn Lê Cung Bắc nói.


Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI