Tinh giản biên chế ở các đơn vị nghệ thuật: Đau, nhưng cần thiết

18/12/2018 - 09:00

PNO - Tinh giản biên chế, kiện toàn bộ máy là chủ trương đúng và cần thiết; thế nhưng, trong quá trình thực hiện, mỗi đơn vị cần có đối sách cũng như những tính toán hợp lý, hợp tình cho người lao động, đặc biệt là các nghệ sĩ.

Công văn từ năm 2017, thông báo cuối năm 2018 

“Ba suất diễn vũ kịch Kẹp hạt dẻ hôm 7, 8, 9/12 đều cháy vé, các nghệ sĩ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) vui cười chưa kịp khép miệng thì thông báo cắt bỏ tất cả hợp đồng dài hạn, ngắn hạn ngoài biên chế đột ngột được đưa ra, khiến nhiều người bức xúc” - biên đạo múa Phúc Hải, Trưởng đoàn Vũ kịch HBSO, cho biết.

Tinh gian bien che o cac don vi nghe thuat: Dau, nhung can thiet
Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với diễn viên ngoài định biên được đưa ra sau 3 suất diễn Kẹp hạt dẻ cháy vé, khiến các nghệ sĩ của HBSO bức xúc

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại hội nghị cán bộ, nhân viên HBSO vào ngày 11/12 vừa qua, NSƯT Trần Vương Thạch - Giám đốc HBSO - đã đưa ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với hơn 70 lao động ngoài định biên, theo văn bản số 113/UBND-VX của UBND TP.HCM. Lãnh đạo HBSO nói thẳng, ngày 1/1/2019 tới, đơn vị bắt buộc phải thực thi quyết định này; nếu không, chính HBSO sẽ là đơn vị sai phạm. Vài giải pháp đã được đưa ra, nhưng đều không khả thi. Hội nghị kết thúc trong sự chưng hửng của những nghệ sĩ có mặt.

Như vậy, nếu không có gì thay đổi, từ đầu năm tới, HBSO sẽ phải “sa thải” hơn 70 nghệ sĩ, diễn viên ngoài biên chế, hiện đang có hợp đồng dài hạn, ngắn hạn. Trong đó có cả những nghệ sĩ đã có thâm niên 20 năm gắn bó và đóng góp tích cực cho hoạt động chuyên môn. Biên đạo múa Phúc Hải nói, theo quyết định, đoàn vũ kịch có 23 người thì tới 16 người phải ra đi; trong 7 người ở lại, có những người đã bắt đầu lớn tuổi.

Biên đạo múa Phúc Hải bày tỏ, khi đưa ra một thông báo đột ngột như vậy, HBSO đã không có một động thái an ủi nào. Anh nói thêm: “Hiện nay, anh chị em nghệ sĩ sống và hoạt động nghệ thuật khá chật vật với tiền lương ít ỏi. Nhưng có còn hơn không, như một cái cớ để họ làm nghề. Tôi nghĩ, sẽ không ai chết đói cả, không làm chỗ này thì chỗ khác. Nhưng quan trọng là niềm tin nghề nghiệp không còn. Buồn nhất là, nhà hát được xây dựng 20 năm qua và đang ngày càng chuyên nghiệp, giờ quá nửa nghệ sĩ nghỉ, tôi không biết nó sẽ như thế nào. Nhiều người đang rất hoang mang, không thể nào toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật khi đơn vị mà họ cống hiến đưa họ vào tình cảnh chua chát thế này”.

Giám đốc HBSO - nhạc trưởng Trần Vương Thạch nói: “Dù biết diễn viên sẽ bức xúc, nhưng chúng tôi vẫn phải thông báo và hiện chúng tôi đang cố gắng giải quyết những khó khăn này”. Theo ông Thạch, cần phải có một cơ chế đặc thù. HBSO có đủ ba loại hình nghệ thuật, lại chỉ có 75 biên chế, là quá thiếu.

Gần hai tuần trước, HBSO đã có công văn gửi Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, đưa ra các đề xuất như: tăng định biên; sáp nhập HBSO với Trung tâm Tổ chức và biểu diễn TP.HCM, để có giải pháp giải quyết thực trạng khó khăn của nhà hát.

Tinh gian bien che o cac don vi nghe thuat: Dau, nhung can thiet
Là DV biên chế hay chỉ hợp đồng thì những DV của Nhà hát Nghệ thuật hát Bội vẫn miệt mài luyện tập và cống hiến cho sân khấu

Điều khó hiểu là, văn bản số 113/UBND-VX đã được UBND TP.HCM gửi HBSO từ tháng 9/2017. Ban lãnh đạo HBSO đều biết tinh thần chung của chỉ đạo này, nhưng tới nay mới thông báo chính thức cho nghệ sĩ, công nhân viên nhà hát. Thông báo đưa ra chưa đầy 20 ngày trước khi thực hiện, không kèm một phương án “chống sốc” tâm lý nào đối với nghệ sĩ.

Nhiều nhà hát cũng bị ảnh hưởng

Không riêng HBSO, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Hát bội TP.HCM và Nhà hát Trần Hữu Trang cũng bị ảnh hưởng bởi quyết định này. Từ nhiều năm nay, cả ba nhà hát trên đều ký hợp đồng “ngoài quỹ lương” với diễn viên và một số nhân viên của các bộ phận hậu đài, chế tác cảnh trí…

Vấn đề ở chỗ, hiện nay, cả Nhà hát Phương Nam và Nhà hát Nghệ thuật Hát bội đều còn chỉ tiêu biên chế, nhưng lại không thể tuyển thêm, do diễn viên thiếu bằng cấp. Theo quy định mới, nhà hát sẽ không còn được sử dụng ngân sách để trả lương cho số diễn viên hiện có, dù đó là lực lượng chính trong các chương trình biểu diễn.

Với đặc thù của loại hình múa rối, xiếc, hát bội… nhiều diễn viên chỉ học theo kiểu truyền nghề, hoặc do nhà hát đào tạo mà không qua bất kỳ trường lớp chính quy nào. Số diễn viên, nhân viên “ngoài quỹ lương” của Nhà hát Phương Nam hiện có hơn 50 người (chiếm 50% tỷ lệ lao động), Nhà hát Hát bội hơn 10 người. Các nhân viên hậu đài, chế tác đạo cụ, cảnh trí cũng rất khó có đủ bằng cấp theo yêu cầu.

Dù đã áp dụng Nghị định 68/2000/NĐ-CP trong việc tuyển dụng nhân viên, hiện Nhà hát Trần Hữu Trang vẫn còn vài nhân viên hậu đài nằm ngoài chỉ tiêu.

Tinh gian bien che o cac don vi nghe thuat: Dau, nhung can thiet
Gần 50% DV của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đang làm việc theo hình thức hợp đồng do không đủ bằng cấp.

Để đảm bảo quyền lợi cho diễn viên, từ năm 2017, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội và Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã được tạo điều kiện để diễn viên tham gia thi tuyển công chức. “Sau hai đợt thi tuyển, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội có 12 người trúng tuyển, nhưng đến nay vẫn phải chờ quyết định chính thức, do chưa thể xếp ngạch lương phù hợp” - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội - đạo diễn Lê Diễn chia sẻ.

Tương tự, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cũng có hơn 20 diễn viên trúng tuyển công chức, nhưng vẫn đang chờ quyết định.

Từ trước đến nay, nguồn kinh phí trả lương cho số diễn viên, nhân viên này được các nhà hát trích một phần từ ngân sách hoạt động được cấp hằng năm và doanh thu. Nhưng với quy định chấm dứt ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã sử dụng hết số biên chế sự nghiệp (theo công văn số 113/UBND-VX), các nhà hát sẽ không được phép dùng ngân sách để trả lương cho họ nữa.

Điều đáng nói là trong số các diễn viên hợp đồng, nhiều người đã có nhiều năm gắn bó với các nhà hát qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn. Từng có lúc, vì không thể xoay kịp kinh phí, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam phải nợ lương diễn viên gần 6 tháng; nhưng họ vẫn cứ gắn bó, tập luyện và sẵn sàng đi biểu diễn.

“Khó khăn là điều không tránh khỏi khi nhà hát phải tự tìm nguồn thu để trả lương cho số diễn viên hợp đồng. Ban giám đốc Nhà hát Phương Nam và các diễn viên đã cùng ngồi lại, đặt ra tất cả những khó khăn, thách thức trong thời gian tới - khi không còn được sử dụng ngân sách để trả lương, đồng thời thông báo cho anh em biết hướng đi sắp tới để an tâm làm việc. Vấn đề hiện nay của nhà hát là phải năng động hơn trong việc tổ chức biểu diễn có doanh thu, tìm kiếm các nguồn thu khác nhau để chi trả lương và đảm bảo đời sống cho anh em làm việc theo hợp đồng lao động. Nếu không, nhà hát sẽ khó giữ được đội ngũ diễn viên này và cũng khó đảm bảo các hoạt động biểu diễn của đơn vị” - NSƯT Nguyễn Đức Thế, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, khẳng định.

Tương tự, cả giám đốc Lê Diễn và phó giám đốc - NSƯT Nguyễn Hoàn - của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM cũng cho rằng, trong khi chờ đợi quyết định của 12 diễn viên đã vượt qua kỳ thi tuyển công chức, trước mắt, nhà hát chủ động tìm kiếm thêm các hợp đồng biểu diễn, để đảm bảo đời sống nghệ sĩ. Cùng với sự chủ động tìm nguồn thu để trả lương, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam và Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM cũng đã có công văn đề xuất những cơ chế đặc thù riêng cho mình.

Những góc nhìn khác

Những ồn ào quanh việc chấm dứt hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ đã mở ra những góc nhìn khác nhau về vấn đề này. Rất nhiều lần, dư luận lên tiếng về việc Nhà nước phải bao cấp cho các đơn vị nghệ thuật công lập, khiến họ ỷ lại, thiếu năng động trong tổ chức biểu diễn, đưa tác phẩm nghệ thuật tiếp cận với đông đảo công chúng. Khi không còn được bao cấp hoàn toàn, các nhà hát sẽ phải năng động hơn, tính toán hợp lý hơn trong dàn dựng chương trình và tổ chức biểu diễn, để có đủ kinh phí trang trải, đảm bảo hoạt động.

Lúc đó, sự năng động chính là yếu tố sống còn của các đơn vị nghệ thuật. Một mặt nào đó, đó còn là động lực tích cực nếu các đơn vị nhanh nhạy, biết biến thách thức thành cơ hội.

Tinh gian bien che o cac don vi nghe thuat: Dau, nhung can thiet
Cần một cơ chế đặc thù cho từng loại hình nghệ thuật để đảm bảo các NS, DV yên tâm cống hiến cho nghệ thuật.

Song nhìn ở góc độ khác, một cơ chế đặc thù cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp là điều cần sớm được thực hiện, để các đơn vị đảm bảo được hoạt động. Sẽ thật mỉa mai khi mai đây, nhà hát 1.400 tỷ đồng được dựng lên, những tác phẩm lớn không thể diễn vì không đủ nghệ sĩ có chuyên môn, vì họ đã bị dừng hợp đồng. 

Trước phản ứng dữ dội của các nghệ sĩ, sáng 15/12, HBSO phải triệu tập một cuộc họp gấp, “nói lại” cuộc họp trước đó. Theo đó, giám đốc nhà hát đã đưa ra một lời hứa miệng rằng, nhà hát sẽ vẫn giữ nguyên những hợp đồng đã ký; quỹ lương sẽ chi trả bằng thu nhập từ việc bán vé. Nhưng lời hứa vẫn chưa thể trấn an nghệ sĩ, bởi đó chỉ là giải pháp tạm thời, không biết kéo dài được bao lâu.

 Thảo Vân - Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI