Tìm lại 'chỉ dấu' Sài Gòn xưa

15/11/2019 - 06:51

PNO - Nhìn lại hệ thống bản đồ xưa, thấy được sự phát triển vượt bậc của "hòn Ngọc Viễn Đông", nhưng cũng thấy được cả những đổi thay và biến mất của các dấu tích văn hóa.

 
Trước ngày 20/11, dự án khôi phục thành Bát Quái trên công nghệ số của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và du lịch sẽ được trình lên hội đồng thẩm định. Dự án này nằm trong kế hoạch xây dựng phần mềm ứng dụng khai thác quản lý điểm đến du lịch của UBND Q.1.

Dựng thành cổ trên không gian ảo

Thành Bát Quái (hay còn gọi là thành Quy, Phiên An thành) của nhà Nguyễn được xây dựng theo kiến trúc Vauban, tồn tại từ năm 1790 -1835. Theo vị trí địa lý hiện nay, thành nằm trong khu vực Q.1 và Q.3, phía bắc giáp đường Nguyễn Đình Chiểu, phía nam là đường Lê Thánh Tôn, phía tây là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và phía đông là đường Đinh Tiên Hoàng (kéo dài đến đường Tôn Đức Thắng).

Sử sách ghi lại, thành Bát Quái có hình dạng gần giống hình bát giác, có tám cổng theo mẫu bát quái tượng trưng cho bốn phương, tám hướng. Thành được kỹ sư người Pháp xây dựng, kiến trúc phương Tây nhưng lại theo phong thủy Á Đông. Năm 1835, sau sự biến Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng đã cho phá hủy thành này và xây dựng một tòa thành mới - thành Phụng (tồn tại đến năm 1859).

Tim lai 'chi dau' Sai Gon xua
Thành Bát Quái trên bản đồ Sài Gòn được vẽ năm 1799 - Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

“Trong quá trình lọc dữ liệu, số hóa thông tin về các địa điểm du lịch Q.1, chúng tôi có ý tưởng sẽ khôi phục thành Bát Quái trên không gian ảo, dự án sẽ được nghiệm thu trước ngày 20/11/2019, sau đó kêu gọi đầu tư, dự kiến kinh phí triển khai có thể cần từ 3-5 tỷ đồng” - thạc sĩ Dương Đức Minh, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và du lịch, chia sẻ. 

Điểm đặt công trình dự kiến tại công viên 23/9, du khách có thể trải nghiệm khám phá thành Bát Quái trên không gian ảo. Thạc sĩ Dương Đức Minh cho biết thêm, du khách sẽ được “gặp lại” những nhân vật lịch sử (đồ họa hình ảnh vua Gia Long, tả quân Lê Văn Duyệt, cùng con nuôi của ông là Lê Văn Khôi…) trong những câu chuyện, sự kiện lịch sử. Hướng dẫn viên cũng là nhân vật ảo được xây dựng, lồng ghép khéo léo để dẫn dắt du khách “khám phá” thành Bát Quái. Hiện dự án đã khôi phục được toàn bộ không gian thành cổ bằng đồ họa 3D. Không chỉ tái hiện bằng hình ảnh các tòa thành, những người thực hiện dự án còn mong muốn thông qua ứng dụng phần mềm này, có thể giới thiệu đến du khách quốc tế những giá trị văn hóa Á Đông.

Tích hợp, số hóa các không gian, điểm đến du lịch nổi bật trong thành phố đã được triển khai thực hiện hiệu quả tại nhiều quốc gia, nổi bật có Dubai, Barcelona, và một số thành phố du lịch tại Hàn Quốc. Quảng bá du lịch bằng ứng dụng phần mềm là một trong những phương thức mà UBND Q.1 đang hướng đến. 

Sài Gòn xưa nhìn từ bản đồ

Trong tấm bản đồ Sài Gòn được vẽ vào năm 1979 bởi kỹ sư Le Brun, có thể thấy rõ hai trung tâm đô thị Bến Nghé và Chợ Lớn. Trong đó thành Bát Quái được vẽ chi tiết, với tám hướng cửa. Phía nam là cửa Càn Nguyên và cửa Li Minh. Phía bắc là cửa Khôn Hậu và Khảm Hiền, phía đông là cửa Chấn Hanh và Cấm Chí, phía tây là cửa Tốn Thuận và Đoài Diệt. Đầu tháng 3/1859, một bản đồ công sự của tòa thành cổ đã được vẽ lại, trước khi thành Gia Định bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn. 

Bản đồ năm 1979 được xem là tấm bản đồ vẽ Sài Gòn đầu tiên dưới triều Nguyễn, được PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân sưu tầm, giới thiệu. Đây cũng là một trong những bản đồ quý đang được trưng bày cùng loạt bản đồ xưa tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. 

Triển lãm Từ Sài Gòn đến TP.HCM: Bản đồ và hình ảnh (From Saigon to Hochiminh city: Mapping and Illustration) cho thấy những “chỉ dấu” Sài Gòn xưa từng tồn tại và biến mất trong lịch sử hơn 300 năm của thành phố. 30 tấm bản đồ và hình ảnh TP.HCM từ cuối thế kỷ XVIII được trưng bày, mang thông điệp của từng thời đại, phản ánh được trình độ kỹ thuật lẫn nghệ thuật đương thời.

Với bản đồ 1816, Bến Nghé - Chợ Lớn là đô thị phòng thủ với thành, lũy, đồn. Bản quy hoạch năm 1862 thể hiện các trục giao thông chính làm nền tảng cho hệ thống giao thông sau này. Ngay cả những hàng cây tại các đại lộ ngày nay cũng đã được quy hoạch trên bản đồ từ năm 1878. Bản khắc năm 1881 cho thấy Sài Gòn là một đô thị xanh, sông nước. Tàu hỏa và xe điện xuất hiện trên bản đồ năm 1895; kênh Đôi, kênh Tẻ, máy bay lên bản đồ từ năm 1925, có cả bản đồ quy hoạch thành phố chỉ dành không gian cho 500.000 người…

“Sài Gòn được mở rộng từ năm 1894. Ranh giới về phía bắc được nới rộng ra đến hết rạch Thị Nghè đến vùng Đa Kao ngày nay. Ngày 15/3/1895 thành phố lại được nới rộng ra về phía nam với việc sáp nhập một phần đất các làng Khánh Hội và làng Tam Hội cũ (rộng 182ha) dọc bờ sông Sài Gòn. Khu nhà cửa đã trở nên đông đúc dọc bờ rạch Bến Nghé, tạo thành một đường nối gắn liền hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn. Năm 1931, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn được sáp nhập thành khu Sài Gòn - Chợ Lớn (Région de Saigon - Cholon)”  - PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân chỉ rõ về quá trình hợp nhất Sài Gòn - Bến Nghé từ những tấm bản đồ quý hiếm. 

Nhìn lại hệ thống bản đồ xưa, thấy được sự phát triển vượt bậc của "hòn Ngọc Viễn Đông", nhưng cũng thấy được cả những đổi thay và biến mất của các dấu tích văn hóa. Ý tưởng khôi phục lại hình ảnh, các không gian lịch sử - văn hóa đã mất trên không gian số, với dự án bước đầu là thành Bát Quái cũng là một cách làm đáng khích lệ. Năm 2018, tổ chức phi lợi nhuận Cyark (Mỹ) đã cùng tham gia dự án bảo tồn di sản cố đô Huế bằng kỹ thuật số. Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai thực hiện hiệu quả phương thức này, Việt Nam cũng cần mở rộng mô hình bảo vệ các giá trị đã mất. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI