Tiên hắc ám 2: Cuộc chiến giữa sắt và hoa

07/11/2019 - 13:13

PNO - Maleficent 2 vẽ ra một vũ trụ hoàn hảo, tuyệt vời khi chưa bị loài người thò chân vào hủy diệt.


Nếu bà tiên hắc ám Maleficent dị ứng sắt; thì nữ hoàng Ingrith dị ứng với hoa. Sắt và hoa được sử dụng như hai hình ảnh ẩn dụ, biểu thị cho một thế giới hiện tồn đầy những mâu thuẫn không thể hóa giải: một bên là bảo tồn, một bên là phát triển. Và bằng một cách nào đó, cuộc đụng độ giữa sắt và hoa ấy đã đưa Maleficent 2 (tên tiếng Việt: Tiên hắc ám 2) vượt lên trên mọi sự trống rỗng lẫn “nữ quyền giả hiệu” theo cách hiểu thông thường, để lại một tuyên ngôn mạnh mẽ về sinh thái.

Bộ phim là sự tiếp nối của Tiên hắc ám chiếu cách đây 5 năm. Trong lần trở lại này, công chúa Aurora (Elle Fanning đóng) được hoàng tử Philip (Harris Dickinson đóng) cầu hôn, song họ không nhận được sự chấp thuận từ mẹ đỡ đầu Maleficent (Angelina Jolie đóng). Trong khi đó, hoàng hậu Ingrith (Michelle Pfeiffer đóng) ôm mối thù nhiều năm với Maleficent, muốn nhân cơ hội này để tạo dựng một cuộc chiến tranh, tiêu diệt xứ Moors do Maleficent cai quản. 

Tien hac am 2:  Cuoc chien giua sat va hoa
Phim Maleficent 2 thể hiện thông điệp sinh thái rất mạnh mẽ

Trong phim, thay vì được xem như sợi dây kết nối hai thế giới, đảm bảo hòa bình, bền vững cho các thế hệ, thì tình cảm của hoàng tử Philip và công chúa Aurora bị lợi dụng, trở thành mồi lửa thổi bùng lên cuộc chiến tranh giữa hai vùng đất Moors và Ulstead. Sau cuộc gặp gỡ bất thành giữa hai gia tộc và rơi vào bẫy của hoàng hậu Ingrith, Maleficent đã bị thuộc hạ của hoàng hậu Ingrith bắn hạ bằng một viên đạn sắt xuyên da thịt. Maleficent dị ứng với sắt; trước khi rơi xuống biển, ánh mắt của bà khiến không ít người cảm thấy ám ảnh.

Từ đây, một cuộc đối thoại sinh thái được mở ra bởi những lát cắt song song, va đập, đối chọi nhau một cách gay gắt: xứ Moors tràn đầy ánh sáng, cây cối, muôn loài bình đẳng và xứ Ulstead ngột ngạt trong những tòa lâu đài kín như bưng, ngày đêm nghiên cứu thứ bột mịn màu đỏ, sản xuất vũ khí hòng thôn tính lãnh địa Moors. Một xứ thong dong, hạnh phúc, bình yên, một xứ đầy hung hãn, sát khí và hình thức giả tạo.

Trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, Maleficent được Conall cứu và đưa đến nơi ẩn nấp của những tiên hắc ám cuối cùng còn sót lại trên trái đất. Trong lời thoại của Conall và Borra (cũng thuộc bộ tộc tiên hắc ám cuối cùng), biểu lộ thông điệp sinh thái một cách rõ ràng: “Thay vì tự do sải cánh bay lượn trên những ngọn cây và biển rộng, chúng tôi sống trong cảnh rượt đuổi, trốn chui lủi trong những hang tối. Loài người lấy sắt từ núi, để rồi quay lại, luyện khiên, đúc kiếm, sản xuất đạn, để truy lùng, đuổi cùng giết tận bộ tộc chúng tôi trong nhiều thế kỷ”.

Để rồi chiến tranh như một mệnh đề phải là. “Có lẽ chúng ta không cần phải trốn tránh loài người nữa. Chúng ta có thể tồn tại mà chẳng cần sợ hãi bất cứ điều gì”, Conall nói. Trước khi chết, Conall chuyển tinh chất của mình cho Maleficent, để rồi, linh hồn hòa làm một cùng thiên nhiên, đất đai và vĩnh cửu. Những đốm sáng tỏa ra từ thân xác của Conall tan biến rất nhanh, nhắc nhở con người về chính nguồn gốc của mình. Rằng con người cũng chỉ là một phần của thiên nhiên, tạo hóa. Rằng, con người một mai rồi cũng về với cát bụi.

Maleficent 2 vẽ ra một vũ trụ hoàn hảo, tuyệt vời khi chưa bị loài người thò chân vào hủy diệt. Ở đó, mọi thành tố được vận hành một cách hữu cơ với nhau, từ những nàng tiên, những ông cây đi đi lại lại, những sinh vật nhí đáng yêu… Vũ trụ ban đầu của chúng ta có lẽ cũng đẹp đến chừng đó mà thôi. Nhưng Maleficent 2 cũng phô bày bộ mặt tráo trở của loài người, một loài sinh vật đi ra từ rừng và quay lại chĩa mũi kiếm, bắn đạn vào mẹ rừng. Trong cuộc chiến sinh tồn của bộ tộc tiên hắc ám, những “thần dân” xứ Moors với loài người, có những sinh linh nhỏ bé đã chết đi, đã tan biến, tuyệt vọng kêu cứu trong giãy giụa. Tôi gọi cuộc chiến chống lại cái ác đó là khúc bi tráng cuối cùng.

Đáng tiếc, cái kết của Maleficent 2 là một cái kết cổ tích “hòa cả làng”, đúng kiểu tôn chỉ, mục đích của hãng phim Disney, là cái kết khá nhạt. Trong thực tế, câu chuyện xung đột giữa bảo vệ thế giới thiên nhiên và sự tham lam phi nhân văn không đáy của con người vẫn đang diễn ra hằng ngày, ở nhiều nơi, và theo chiều hướng càng ngày càng bất lợi cho vũ trụ. 

Trong cuốn Sapiens - Lược sử loài người, sử gia Yuval Noah Harari viết: “Chúng ta đã tiến lên từ những chiếc xuồng đi sông, đến thuyền có mái chèo, đến tàu hơi nước, đến tàu con thoi - nhưng không ai biết chúng ta sẽ đi tới đâu. Chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhưng gần như không biết làm gì với tất cả sức mạnh đó. Tệ hơn nữa, con người dường như vô trách nhiệm hơn bao giờ hết... Hậu quả là chúng ta đang gây nên sự hủy hoại thảm khốc cho tất cả các loài động vật anh em và hệ sinh thái xung quanh, khi tìm kiếm thêm chút thoải mái và vui sướng hơn cho riêng mình, nhưng chẳng bao giờ tìm thấy sự hài lòng. Liệu có điều gì nguy hiểm hơn những vị thần bất mãn và vô trách nhiệm, họ không biết mình thực sự muốn gì”. 

Tùng Hạ

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI