Thưa má, con đi…

11/08/2019 - 15:00

PNO - Má nhanh tay đổ vá bột xoay tròn theo vành chảo, tiếng xèo xèo vang khắp chái bếp sau. Một chiều tháng Tám, trời bàng bạc màu lam trầm, sa mưa giông khắp miệt đồng bưng.

Hồi sớm má ra vườn nhà, lảy từng tai nấm mối. Má để dành đến chiều đổ bánh xèo cho Út Oanh. Cái món con nhỏ mê từ hồi nhỏ dại tới chừng lớn khôn, mỗi bận đi xa về nhà gặp mùa nấm mối, thể nào cũng nằn nì má đổ bánh xèo cho ăn. 

Ờ thì má đổ lần cuối cho nó ăn, coi như tiễn nó theo chồng. Má già rồi, đâu phải lúc nào cũng có sức mà ngồi đổ. Mai này, nó theo chồng, cuộc sống bộn bề lo toan với gia đình riêng, năm thì bảy đỗi, rỗi rãi nó mới về, biết có trúng mùa nấm mối hay không? Má vén tay áo chậm mồ hôi rịn trên vầng trán in hằn dấu vết thời gian. Bảy mươi tuổi đời, lần thứ tám má ngồi sui, gả đứa con út đi lấy chồng, mà sao lòng bùi ngùi. 

***
Bảy Hà hỏi má có buồn không. Hồi nào tới giờ má thương con út nhất nhà mà. Nó lông bông hơn chục năm đất Sài thành phồn hoa, má cũng lo nó lạ nước lạ cái. Hay tin nó bệnh, má ra vào thắp nhang bàn thờ, thời kinh chiều của má ngày nào cũng dài thêm mấy đỗi. Nghe nó than ngủ dậy nặng mình, má lật đật lên chùa xin cái phép Lăng Nghiêm cho nó an giấc. 

Thua ma, con di…
 

Nào giờ má trái gió trở trời, cũng chỉ một mình con út tất tả từ thành phố về chăm nom thì má mới ưng lòng. Chỉ mình nó năn nỉ má đi bệnh viện má mới chịu, bằng không có cố nài ép má vào buổi sáng, thì buổi chiều tối má cũng giục giã đòi về, không cho về thì má trốn viện. 

Bảy Hà hỏi má có tiếc không. Chuyện lớn chuyện nhỏ gì trong nhà cũng một tay con út sắp xếp mới ổn thỏa. Nó đi làm tuốt trên Sài Gòn nhưng hễ nhà có chuyện gì, lại í ới điện thoại gọi nó.

Con Thy muốn thành lập công ty, mở rộng kinh doanh, cũng hỏi ý kiến dì út. Thằng Tân ba chục rồi chứ ít gì, nhưng chỉ mỗi con út nói nó mới ngoan ngoãn nghe lời. Cái áo sơ-mi Bảy Hà mặc, cũng tự tay con út lựa. Cái áo dài Bảy Thúy mặc cũng là do nó chọn vải. Vậy nên, giờ nó đi lấy chồng, ai cũng chưng hửng trong lòng. 

Bảy Hà nhìn má thảy từng búp nấm mối vào giữa chảo bánh xèo, rồi má úp bánh. Mùi thơm gạo nghệ dậy theo từng cơn gió đồng. Má vẫn chẳng nói gì. Rặng mù u sau chái bếp trổ bông trắng muốt. Cuối mùa mù u rồi. Không dưng nhà ai mở cải lương, giọng anh kép ngâm da diết, câu ca rót vào lòng má mênh mang nỗi buồn: “Hò ơi, mù u bông trắng lá phấn nhụy huỳnh, thấy em gánh nước, hò ơi, chứ thấy em gánh nước một mình anh thương…”. 

***

Má lấy tía khi chẳng còn xuân sắc. Hai bên cũng đã qua một lần đò. Má hồi đó nuôi cán bộ. Tía cứ mỗi lần xong chiến dịch lại được tổ chức phân về nhà má tá túc. Cảnh nhà cơ hàn, thương má tảo tần, tía ngỏ lời, nhưng má đâu có ưng. 

Thua ma, con di…
 

Có lần nhìn mấy cây mù u trút lá cuối mùa, tía buông câu ghẹo: “Anh đứng bên đây sông, chờ mong, mù u em chín chưa. Em đứng bên đây sông, chờ mong mù u em chưa chín”. Má phe phẩy cái nón lá, ngẩng mặt cười bâng quơ. Hổng lẽ giờ nói tuổi này rồi, còn chín hay chưa gì nữa. Héo hắt theo năm tháng của đạn lửa can qua rồi ông bộ đội ơi. Thôi vậy hen, khi nào hết chiến tranh, bình yên thì mình mới tính. 

Mà chắc do duyên số phận đời, đôi khi ông trời ràng buộc nhiều cái nó hổng thể ngờ. Má không mong, tía cũng chẳng chờ. Đùng một cái, đúng mùa mù u trắng phía bờ năm sau, thì chiến tranh tàn. Má về với tía, như một lẽ thường tình vậy thôi, kiểu như sông về với đồng, nước xuôi dòng, thuyền theo lái, gái theo chồng. Nhẹ nhàng mà an phận. 

Con cái riêng chung vậy mà chưa lần nào tía phân biệt. Con nào cũng là con. Gọi tía một tiếng, vậy là con tía. Mà hễ con tía, thì tía thương đều. Tía làm công an trên huyện, ki cóp từng đồng lương đem về nhà đưa cho má. Dù chẳng thấm vào đâu khi lần lượt đứa thứ bảy, rồi đứa thứ tám ra đời. Tới chừng con Út Oanh sanh ra thì đúng là cảnh nhà nghèo đến nỗi chẳng có mồng tơi để mà rớt. 

Nhưng tía vẫn cười, chưa bao giờ tía than khổ. Cũng chẳng khi nào tía quát nạt mấy đứa con. Phải quấy gì đó trong nhà, tía kêu lại ngồi phân tích thấu đáo. Mấy đứa con còn nhỏ mà, đòn roi chi tội nghiệp. Mình đánh nó đau một thì mình đau mười. Vậy nên, mấy anh chị em lớn lên trong cảnh nghèo nhưng rất đỗi bình yên. 

Chỉ tiếc một điều, ngày con cái lớn khôn, bắt đầu biết trả hiếu cha mẹ thì tía đi xa. Năm đó Út Oanh học tận Vũng Tàu, còn Bảy Thúy đang thi tốt nghiệp. Má giấu nhẹm chuyện tía mất, đợi Bảy Thúy thi xong mới dám báo. Từ Đà Lạt, Bảy Thúy xuôi chuyến xe về bên tía, nước mắt ngắn dài, xỉu lên xỉu xuống. 

Vậy nên, mấy bận cưới gả những đứa con sau, chẳng có tía, một mình má đảm đương. Lần nào má thắp nhang lên bàn thờ gia tiên, cũng lầm lũi lấy vạt áo bà ba chậm nước mắt. Mỗi lần cưới gả là một lần má vẹn tròn bổn phận sinh thành, cho đến cái lần cuối này, gả con Út Oanh đi, lòng má nhiều xáo động như giông tháng Tám, tràn đầy những luyến thương. 

***

Út Oanh gặp Tư Thành khi tuổi đời cũng không còn trẻ. Nhưng má cứ mặc kệ, chẳng thúc giục, cũng chẳng hỏi han. Má biết tính Út Oanh cứng rắn và mạnh mẽ, y hệt như tía nó. Điều gì nó thích thì làm, không thì trời có sập xuống nó vẫn cứ dửng dưng. 

Thua ma, con di…
 

Chuyện yêu đương hay chồng con, từ lâu Út Oanh chẳng màng tới. Cứ lầm lũi suốt những năm tháng đại học rồi ra trường bám víu mảnh đất Sài Gòn mà lập nghiệp. Tiền kiếm được thì phụ trợ má, lo cho đám cháu. Chừng ngoảnh lại, cái xuân thì con gái trôi nhanh như gió. Mà có ai níu được gió bao giờ? 

Suy cho cùng, cuộc đời con người ta, trăm thứ để lo. Bớt một chuyện là bớt một phần nặng nề của cuộc đời mình. Nghĩ vậy thì lòng mình nhẹ. Chứ duyên phận cuộc đời này vô chừng lắm. Giữa những buồn vui của phố thị hoa lệ này, lắm khi đối diện với bốn bức tường của căn phòng trọ, Út Oanh cũng tự hỏi lòng, sao đời mình cứ lẻ loi chiếc bóng. Là tính mình khó? Hay là duyên chưa đến? Hay là như thiên hạ ưa nói, lỡ thì rồi, coi như xong, chẳng thằng đàn ông nào chịu lên một chuyến đò chiều. 

Có lần, đứa bạn thân nhất an ủi, hoa đúng mùa mới nở. Út Oanh nghe vậy hay vậy, mà cũng chẳng dám hỏi thêm điều gì. Hổng lẽ giờ hỏi, sao hoa của Út Oanh nở trễ vậy, muộn mằn lắm rồi, mà đến cả cái mầm mống yêu thương Út Oanh còn chưa thấy nữa là, huống chi đợi đến ngày hoa nở. 

Mấy cái thắc mắc để trong lòng vậy thôi. Chứ Út Oanh thừa biết, nếu có buột miệng hỏi vậy, đứa bạn thân sẽ xỉa xói: “Ong bầu đậu đọt mù u, lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn”. Văn với chả vẻ là thế, chứ kỳ thực, nếu lấy chồng sớm, liệu Út Oanh có đủ thời gian hay tâm trí mà lo cho mấy đứa cháu, rồi lo cho má khi tuổi xế bóng rày đau mai yếu. Chẳng phải đứa bạn thân cũng thường hay nói: “Trong một nhà, ông trời thường xui khiến có một đứa phải hy sinh để cáng đáng mọi thứ lớn nhỏ. Biết là mình thiệt thòi đó, nhưng nhiều khi chỉ cần nhìn gia đình ấm êm, là mình lại vui. Đôi khi đó như là cái sứ mệnh ông trời giao cho mình”.

Vậy mà, đùng một cái, duyên số sắp đặt Tư Thành ghé ngang đời Út Oanh trong bữa tiệc cưới một đứa bạn. Chuyện tình như thể mấy cuốn phim oan gia, cứ dồn nén bao nhiêu chuyện là Út Oanh đem ra xả vào Tư Thành. Thậm chí, giận cá chém thớt, chẳng cần Tư Thành làm lỗi chi. 

Cho đến một ngày, Út Oanh hẹn Tư Thành ra để ăn thua đủ lần cuối cùng, cũng chính là cái ngày định mệnh. Dây tình ông trời khéo se sao vừa vặn lúc đó lại trói buộc cả hai vào nhau.

Hóa ra Tư Thành ăn chay trường. Kiếm đâu ra thằng đàn ông giữa đất Sài Gòn nhiều món ngon vật lạ, lại chỉ thích thú với mấy món chay. Tư Thành hay đi chùa, buồn cũng đi, vui cũng đi. Chỉ cần nghe tiếng chuông chùa là bao nhiêu muộn phiền cũng tiêu tan. Ơ hay, vậy hổng lẽ mấy lần Út Oanh bắt bẻ khó dễ, hay nhắn tin lời lẽ nặng nề thì Tư Thành cũng đi chùa à? 

Cái câu trả lời “chứ sao” cùng nụ cười mắc cỡ của gã đàn ông gần bốn chục tuổi đời với nhiều va vấp làm Út Oanh sững người. Hoang mang. Ngờ vực. Tò mò. Thời này sao còn sót lại một người lành vậy trời? 

Thua ma, con di…
 

Thì thôi, Út Oanh thuận theo duyên vậy, thử cho người ta một cơ hội, cũng là cho chính mình một cơ hội. Ông bà mình đã dạy, muốn gặp nhau kiếp này, ắt kiếp trước phải ngoái nhìn nhau cả trăm lần. Duyên của kiếp này ắt là nợ của kiếp trước. Vậy nên coi như mình trả nợ cho nhau, đặng kiếp sau thảnh thơi thong dong mà sống. 
Nhưng ai dè, cái nợ nó gắn kết kiểu nợ bền vững. Nên ngót sáu tháng yêu nhau, Út Oanh gật đầu khi Tư Thành ngỏ lời cầu hôn.

***

Trăng nhú lên qua rặng mù u. Đêm trước ngày Út Oanh lên xe bông, nhà đông người rộn ràng. Phía trước nhà kê tới ba bàn tròn để má tiếp khách vậy mà cũng không đủ. Lớp hàng xóm kéo qua chung vui. Lớp đám bạn từ Sài Gòn xuống miền Tây ăn cưới, theo lời rỉ tai, đám cưới quê vui như tết. Cái cổng hoa đủng đỉnh như một món lạ của thị dân Sài thành. Mắt tròn mắt dẹt, thi nhau chụp hình check-in rần rần. 

Phía trong nhà, Út Oanh đứng nghiêm trang, trước mặt là họ hàng hai bên nội, ngoại. Con nhỏ mặc bộ áo dài hồng, tóc búi cao, cài mớ bông mù u trắng mà hồi chiều Lan Phương kết hình bán nguyệt. 

Bảy Thúy cầm cây lược bắt đầu chải mớ tóc dài đen nhánh của Út Oanh. Lần chải thứ nhất là răng long đầu bạc, lần chải thứ hai là con cháu đầy đàn, lần chải thứ ba là gia đạo an khang. Mỗi lần chải, là mỗi lần Út Oanh khóc. Mắt Bảy Thúy cũng bắt đầu đỏ hoe. 

Lấy chồng vui hết biết, bây khóc mần chi. Ở nhà với má biết chừng nào khôn. Thôi theo chồng thì phải nhớ, đừng ăn hiếp chồng nghen con. 

Má vừa nói, lại vừa cười. Là má cố vui để đứa con út đi lấy chồng không còn bận tâm nhiều cho má. Má già rồi, gieo neo thân mình với nắng mưa cuộc đời cũng đã hơn bảy chục năm trường, con càng lớn khôn, càng xa mình. Có cha mẹ nào mà không lo lắng. Có cha mẹ nào mà muốn con mình xa xăm vạn nẻo. 

Nhưng mà bây ơi, bây đâu sống đời với má hoài, mà má cũng đâu thể sống đời với bây. Bây còn cả cuộc đời dài, còn má chỉ là nay mai thôi. Vậy nên, bây tạo dựng cho mình một gia đình riêng, sống thiệt hạnh phúc, là bây trả hiếu cho má rồi đó. 

Lao xao trong nhà, vài tiếng nấc. Gió luồn rặng mù u xạc xào. Gió mùa sa giông lúc nào cũng mang theo hơi lạnh. Là lạnh ngoài da thịt thôi. Chứ cái se thắt trong lòng người, đâu phải là do gió.

Má đeo vào tay Út Oanh cái vòng mã não. 

- Cái vòng này má cất kỹ lắm. Cái vòng tía bây cầu hôn má đó. Hồi tía mất, tía dặn, cái vòng này cho bây ngày lấy chồng. Hời ơi, má để dành lâu quá chừng, giờ tới phiên bây đeo nè. Giữ cho kỹ nghen con. Đeo cái vòng này, là lúc nào tía má cũng ở kế bên bây. 

- Khóc cái gì mà khóc. Lấy chồng vui quá chừng. Lâu rồi nhà hổng có gì vui. Nay xôm tụ vậy là coi như tía bây ổng mãn nguyện rồi. Mà má cũng thanh thản. 

Má nói nhẹ nhàng, sao lòng Út Oanh trĩu nặng. 

Ủa mà má nói má vui, không dưng lấy tay vén áo lau mắt chi vậy má? 

Mồ tổ cha thằng Tám Đỏ, tao mừng rồi tao khóc cũng không được à! Lo mà đi tiếp khách đi. 

Tám Đỏ cười, lại hí hửng mời rượu mấy bàn ngoài. Tiếng cười nói rôm rả. Tiếng cụng ly rốp rẻng. Ờ còn có tiếng Út Oanh nữa:
- Thưa má, con đi… lấy chồng…

Gió lùa qua hiên nhà, xạc xào tán lá. Gió nâng lời thưa bay cao vút, len lỏi qua rặng mù u. Cuối mùa mù u. Chái bếp biết bao giờ vang lên tiếng xèo xèo của cái món bánh mà con nhỏ út ưa nằn nì má đổ mỗi mùa nấm mối. 

Sớm mai này, nhà trai đón dâu rồi. 

Trúc Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI