Thu phí bản quyền karaoke: Phát sinh xung đột vì cách tính bất hợp lý

31/03/2017 - 12:08

PNO - Văn bản của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh (KD) karaoke trả phí 2.000đ/bài hát/đầu karaoke/năm đã khiến nhiều người bất ngờ, cho là không hợp lý và thiếu cơ sở.

Văn bản của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh (KD) karaoke trả phí 2.000đ/bài hát/đầu karaoke/năm đã khiến nhiều người bất ngờ, cho là không hợp lý và thiếu cơ sở. Căn cứ nào để RIAV tự ấn định mức thu là 2.000đ/bài hát được sử dụng tại các dịch vụ KD karaoke, trong khi mà các nhà sản xuất đầu karaoke đã phải thanh toán tiền bản quyền cho nhiều bên liên quan để đưa các ca khúc đó vào đầu máy?

Thu phi ban quyen karaoke: Phat sinh xung dot vi cach tinh bat hop ly
 

Tất nhiên, RIAV có quyền ra bất kỳ mức giá nào cho tài sản của mình, kể cả cái giá bất hợp lý nhất, bởi đó là quy luật thị trường - thuận mua vừa bán và người sử dụng có thể không mua sản phẩm của RIAV. Tuy nhiên, đầu máy karaoke không phải là một sản phẩm người sử dụng có thể chọn lựa sẽ có những gì trong đó.

Mỗi năm, các nhà sản xuất đầu karaoke luôn cập nhật danh mục ca khúc, đưa thêm vào những ca khúc mới. Các chủ KD karaoke hoàn toàn không có quyền chọn đưa thêm ca khúc nào hay loại bỏ ca khúc nào khỏi các đầu máy; nghĩa là họ hoàn toàn thụ động trong việc mua sản phẩm để tránh phát sinh nghĩa vụ trả tiền bản quyền oan.

Ở một góc độ khác, những người hát karaoke có sở thích, nhu cầu khác nhau, nên trong cái danh mục hàng chục ngàn ca khúc cài đặt sẵn, có những tác phẩm thường xuyên được hát, nhưng cũng có rất nhiều tác phẩm thuộc loại đưa vào cho có chứ chẳng mấy ai hát. Nếu muốn thu phí hợp lý, cả RIAV lẫn các nhà sản xuất đầu karaoke phải có thêm chức năng cho phép người mua chọn danh mục ca khúc theo ý mình.

Chỉ khi nào làm được như thế, việc thu phí mới chấp nhận được, bởi bất kể thu bao nhiêu thì khoản thu đó cũng đều được hạch toán để đổ lên đầu những người mê ca hát; các chủ cơ sở karaoke sẽ không đơn phương gánh chịu khoản phí này.

Thu phi ban quyen karaoke: Phat sinh xung dot vi cach tinh bat hop ly
 


Tuy ông Hoàng Anh Dũng - PGĐ Trung tâm Cấp phép và quản lý quyền của RIAV, khẳng định sẽ chỉ thu phí đối với các tác phẩm thuộc quyền của hiệp hội chứ không thu tất cả; nhưng chính ở đây lại phát sinh một vấn đề khác - từng khiến các hãng băng đĩa thành viên RIAV phản ứng và rời khỏi hiệp hội, đến mức RIAV suýt phải tan rã. Phương thức thu phí và chi trả phí của RIAV trước nay là cào bằng - đếm đầu tác phẩm để thu tiền và chi trả cho các hãng băng đĩa thành viên.

Với cách làm này, những hãng đĩa có nhiều tác phẩm như Rạng Đông, Bến Thành A-V, Hoàng Đỉnh... sẽ thu lợi nhiều nhất dù trong kho của họ phần lớn là tác phẩm cũ, không còn nhiều người sử dụng. Trong khi đó, các hãng chuyên sản xuất sản phẩm mới, cập nhật theo thị trường lại phải chịu nhận khoản chi trả thấp hơn, dù các ca khúc của họ được sử dụng nhiều hơn.

Không giải quyết thỏa đáng được mâu thuẫn này, RIAV đã phải chứng kiến cảnh các thành viên rời hiệp hội, uy tín suy giảm, hứng chịu cảnh bị nhiều phía chỉ trích. Hôm nay, vẫn với cách thu phí cào bằng này, RIAV khó lòng thuyết phục được cả người sử dụng lẫn chủ sở hữu thực sự của tác phẩm, bởi không thể thống kê được tác phẩm nào đã vang lên bao nhiêu lần tại các cơ sở KD karaoke.

Chưa kể, với lý do thiếu nhân lực, RIAV hiện chỉ mới nhắm đến các cơ sở karaoke khu vực TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ... bỏ qua các tỉnh thành còn lại. Vì thế, các chủ karaoke phản ứng cũng là điều tự nhiên.

Thu phi ban quyen karaoke: Phat sinh xung dot vi cach tinh bat hop ly
 

Mảng KD dịch vụ karaoke trước giờ luôn phát sinh nhiều xung đột về quyền tác giả và quyền liên quan; đến nay vẫn chưa thể giải quyết thỏa đáng. Việc các nhà sản xuất đầu máy, các chủ cơ sở KD phải trả phí bản quyền cho nhạc sĩ sáng tác xem như đã tạm yên (dù nếu xét theo tần suất ca khúc được sử dụng thì vẫn còn vấn đề), nhưng quyền về hình ảnh của ca sĩ, quyền của nhà sản xuất bản ghi thì đến nay vẫn lấn cấn.

Cách làm hiện đại của thế giới - chia hai mức độ thu phí dành cho các đầu karaoke phục vụ KD và karaoke hát tại nhà dù đã được khuyến nghị nhưng vẫn không ai áp dụng. Kết quả là mỗi khi cơ quan quản lý chạm đến cơ sở KD dịch vụ karaoke là lại thêm một lần tranh cãi mà bên nào cũng có lý, khiến tình trạng bản quyền tại Việt Nam cứ mãi nhì nhằng.

Nếu chỉ vì những tranh cãi đó mà người yêu nhạc không được hát những tác phẩm mình yêu thích hoặc phải trả phí cho những ca khúc mình không sử dụng thì thật bất công. Nhưng, nếu không thu phí thì quyền lợi của nghệ sĩ, của các hãng băng đĩa cũng sẽ mãi bị vi phạm. Tình trạng vi phạm nhiều và kéo dài đến mức, như lời Phó chủ tịch RIAV - Trương Thị Thu Dung, khiến các hãng gần như tê liệt và hậu quả nhãn tiền là các sản phẩm mới sẽ khó ra đời - cũng là một thiệt thòi cho chính công chúng.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI