Thời của nhân vật châu Á trong phim Hollywood?

16/08/2018 - 19:30

PNO - Lâu nay, trong các bộ phim Hollywood, các nhân vật châu Á, do diễn viên gốc Á đảm nhận, thường chỉ xuất hiện với vai trò làm nền hoặc ở tuyến phản diện.

Thậm chí, có những vai diễn được miêu tả là dành cho người châu Á nhưng vẫn do diễn viên da trắng thể hiện. Theo thống kê, chỉ có 1% các vai diễn chính tại Hollywood được giao cho diễn viên người châu Á.

Thoi cua nhan vat chau A trong phim Hollywood?
Crazy rich Asians là phim Hollywood “rặt” Á

Chuyện Hollywood phân biệt chủng tộc, kỳ thị diễn viên da màu chẳng phải là điều lạ, đã từng bị rất nhiều nghệ sĩ lên tiếng tố cáo, yêu cầu thay đổi. Nhưng có lẽ phải đến khi bom tấn Black Panther thành công rực rỡ về doanh thu (kinh phí 200 triệu USD, thu hơn 1,3 tỷ USD; trong đó, phân nửa từ thị trường hải ngoại), các nhà làm phim Hollywood mới bắt đầu chú ý hơn đến việc làm phim về những nhân vật da màu. Trong tháng Tám này, Hollywood tung ra ba bộ phim với nhân vật chính là người châu Á.

Searching ra mắt từ đầu tháng, do diễn viên người Mỹ gốc Á - John Cho - đóng vai chính, nói về một người cha tuyệt vọng lướt Facebook để tìm thông tin về cô con gái 16 tuổi bị mất tích. Phim được đánh giá cao nhờ đề tài thời sự và góc quay độc đáo - từ góc nhìn của điện thoại thông minh và màn hình máy tính.

Crazy rich Asians có ê-kíp “rặt” Á: từ biên kịch, đạo diễn tới diễn viên. To all the boys I’ve loved before dựa trên cuốn truyện ăn khách cùng tên của tác giả Jenny Han, với nhân vật chính là một nữ sinh gốc Hàn - Lara (do diễn viên gốc Việt Lana Condor đóng).

Những lời khen ngợi từ giới phê bình dành cho SearchingCrazy rich Asians chứng tỏ việc chuyển hướng làm phim về các nhân vật châu Á của Hollywood là lựa chọn đúng đắn.

Tất nhiên chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó. Nếu như trước đây, khán giả thường không thắc mắc hay phản ứng gì với việc cố tình “tẩy trắng” nhân vật của các nhà làm phim Hollywood thì giờ đây, cùng với sự phát triển của xã hội, nhận thức về các quyền bình đẳng, khán giả, nhất là cộng đồng châu Á, bắt đầu chú ý đến vai trò, vị trí của mình.

Họ đã lên tiếng đòi bình đẳng ngay từ khi các đoàn phim công bố diễn viên. Sức ép mạnh mẽ từ công chúng đã buộc Ed Skrein phải bỏ vai diễn người lai Nhật - Mỹ trong phim Hellboy. 100.000 người đã ký tên phản đối diễn viên Scarlett Johansson vào vai người phụ nữ Nhật trong Ghost in the shell. Diễn viên Emma Stone cũng phải đăng đàn xin lỗi và thừa nhận chuyện nhận vai người gốc Hoa trong phim Aloha đã cho cô một bài học thấm thía.

Sau tất cả, những bộ phim Hollywood “tẩy trắng” kể trên đều bị khán giả quay lưng ở phòng vé - một cách phản đối hữu hiệu nhất đối với những hãng phim chỉ tập trung vào chuyện doanh thu thay vì các vấn đề xã hội, ý chí của công chúng.

Cần biết rằng, 70% doanh thu của các bộ phim Hollywood đều từ thị trường quốc tế, trong đó châu Á là thị trường tiềm năng nhất. Chọc giận công chúng châu Á không hề có lợi cho Hollywood.

Hướng đến sự đa dạng cũng có nghĩa là hướng đến nhiều đối tượng khán giả hơn và trên hết: Hollywood đang cố tẩy bớt tiếng xấu của mình trong chuyện phân biệt sắc tộc, phân biệt giới tính, kỳ thị cộng đồng LGBT, tước đoạt cơ hội của người khuyết tật…

Giờ thì, khi thực hiện một bộ phim, ngoài chuyện kịch bản, bối cảnh, kinh phí… Hollywood sẽ buộc phải để ý đến cả vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật, bình đẳng giới và nhiều yếu tố khác. Nhưng đó cũng là cách để xã hội tiến đến văn minh và công bằng hơn. Làm được như thế, Hollywood mới xứng đáng là kinh đô điện ảnh thế giới. 

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI