'Thiên đường không tuổi': Gặp lại những hồn nhiên

10/03/2019 - 21:02

PNO - Khi những khác biệt thế hệ ngày càng rõ rệt, văn học các thời kỳ vẫn giữ nguyên giá trị của mình. Tuy nhiên, người trẻ hiện nay không chủ động tìm về dòng văn học cũ.

Không hẳn bỏ quên nhưng không nhiều độc giả trẻ hiện nay tìm về dòng văn học trước 1975 hoặc giai đoạn sau đó - những năm thuộc thập niên 80 - 90 để nghiên cứu, tìm hiểu. Có những khác biệt nhất định về thời cuộc phải nhắc đến để lý giải. Từ sự đổ bộ của internet đi cùng mạng xã hội đã chi phối thời gian, ảnh hưởng tới văn hóa đọc (ebook - sách điện tử) cho đến đời sống tinh thần ngày càng hiện đại, cách nghĩ, cách cảm của thế hệ sau cũng khác.

Tuy sự khác biệt thế hệ ngày càng rõ rệt nhưng giá trị của văn học qua các thời kỳ không đổi. Tủ sách Thiên đường không tuổi do NXB Văn hoá Văn nghệ TP.HCM thực hiện mới đây là một đề xuất hay cho những độc giả muốn tìm về dòng văn học cũ. Đặc biệt là dòng văn học viết cho tuổi mới lớn của những năm trước 1975.

'Thien duong khong tuoi': Gap lai nhung hon nhien
Những tựa sách nằm trong tủ sách Thiên đường không tuổi

"Bởi lẽ đời người chỉ có một, nhưng trải qua nhiều giai đoạn, tuổi nhỏ, mới lớn, trưởng thành, ra đời, trung niên và chạm ngưỡng tuổi già sống với hoài niệm. Ai cũng sẽ có lúc náo nức để trở về với những tháng năm đẹp nhất đời người, đó là vùng trời kỷ niệm, là "Thiên đường không tuổi"", nhà văn Từ Kế Tường chia sẻ.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền - tác giả nằm trong tủ sách nhận định rõ ràng hơn về thị trường văn học hiện tại. Ông cho rằng quyết định thực hiện tủ sách là mạo hiểm trong thời buổi bạn đọc lớn tuổi đã qua thời "tuổi mới lớn", còn độc giả trẻ hơn chưa mặn mà với "những điều cũ". 

Cái khó, theo nhà văn Đoàn Thạch Biền còn nằm ở sự khác biệt trong xu hướng xem - nghe - đọc: "Thời trước, văn học không có nhiều sân chơi để xuất hiện nên khi nhắc đến Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa, độc giả biết ngay sẽ được đọc thơ, truyện, tản văn. Còn bây giờ, nếu khó in sách báo, tác giả đăng ngay lên mạng xã hội. Lâu dần, một vệt văn học thế hệ mới không được in đậm như ngày trước - khi kênh đăng tải ít hơn".

'Thien duong khong tuoi': Gap lai nhung hon nhien
Thiên đường không tuổi là tủ sách gợi ý cho bạn đọc trẻ

Thực trạng thừa nhưng thiếu của tủ sách văn học tuổi mới lớn hiện nay đặt ra nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Theo nhà văn Trúc Thiên, đó là "những câu chuyện trong trẻo của tuổi mới lớn như màu trắng tinh khôi" hiếm khi xuất hiện mà thay vào đó là những áng văn sầu buồn hơn, bi quan hơn. "Bây giờ, chuyện gì cũng vội. Bạn trẻ quen vội qua Facebook, yêu vội, thương vội nên những trang viết cũng vội vàng, không sâu sắc. Đặc biệt, văn học tuổi mới lớn bây giờ khó tìm được cái kết nhẹ nhàng nhưng thấm như ngày trước". 

Tủ sách Thiên đường không tuổi bao gồm tác phẩm của nhiều tác giả đã gắn bó với văn học Việt như: Từ Kế Tường, Mường Mán, Hoàng Ngọc Tuấn, Đinh Tiến Luyện, Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Thị Minh Ngọc. Cùng với những tên tuổi kể trên, các tác phẩm đã từng nằm lòng với bạn đọc cũng quay lại trong diện mạo mới: Anh Chi yêu dấu (Đinh Tiến Luyện), Tình yêu có màu gì? (Từ Kế Tường), Cạn chén tình (Mường Mán), Ở một nơi ai cũng quen nhau (Hoàng Ngọc Tuấn), Đâu phải cái gì cũng mong manh (Đoàn Thạch Biền), Tuổi ngọc ngày chưa xưa (Nguyễn Thị Minh Ngọc).

'Thien duong khong tuoi': Gap lai nhung hon nhien
Từ trái sang: nhà văn Mường Mán, Đoàn Thạch Biền, Từ Kế Tường đã và đang gắn bó với văn học tuổi mới lớn.

Xã hội ngày càng thay đổi, tư duy của con người cũng theo đó mà đổi thay. Tuy nhiên, nói như nhà văn Tiểu Quyên, những tác phẩm viết bằng cảm xúc thật sẽ lay động được mọi người. "Tác giả nên viết bằng cảm xúc thật nhất, trước hết cho mình. Còn việc tác phẩm có phù hợp với độc giả hay không phụ thuộc vào thị hiếu của họ. Nếu tác giả chạy theo xu hướng, viết những cái mới nhưng cái mới đó không thuộc về mình thì chẳng bao lâu sẽ đánh mất bản thân", nhà văn Tiểu Quyên chia sẻ.

như một gợi ý nhẹ nhàng dành cho những bạn đọc muốn tìm về ký ức của dòng văn chương tưởng đã cũ nhưng vẫn vẹn nguyên cảm xúc ngày nào. Có thể, với những người trẻ hiện đại thuộc thế hệ cuối 9X hay 10X, nhiều câu chuyện hơi xa lạ. Ví như chuyện tương tư một cô gái ngày trước khác xa bây giờ. Có khi chỉ dám thương thầm, không đủ can đảm ngỏ lời làm quen hay chuyện thương nhau trong những năm tháng chiến tranh, ngoảnh mặt đi cũng có thể mất nhau.

Đọc Thiên đường không tuổi để tái ngộ/gặp gỡ những hồn nhiên, trong trẻo của cơn say nắng, của lần rung động đầu đời thuở đó kể ra, cũng là một trải nghiệm thú vị cho mọi lứa tuổi.  

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI