Thêm một lần lại sáng

18/12/2015 - 13:51

PNO - Hai truyện hay nhất trong tập truyện Người lính kèn về làng (Trần Quốc Huấn, 1952-2014) là Người lính kèn về làng và Mùa trái rụng nhiều.

Trái rụng ở đây là những trai tráng ra trận và ngã xuống. Những năm nóng bỏng nhất của chiến tranh ấy, có quá nhiều người trẻ hy sinh. Gia đình ở hậu phương đem những tấm ảnh của họ đi thuê vẽ truyền thần. Nhân vật chính của câu chuyện trở thành người vẽ truyền thần trong hoàn cảnh ấy.

Anh ta càng có nhiều việc, càng phải vẽ nhiều, là ở mặt trận đã có nhiều tổn thất. Anh không chọn nghề mà nghề chọn anh. Một cái nghề rất thịnh, khiến cho người ta luôn tay luôn chân, luôn cả tâm thần. Anh đóng góp phần mình vào cuộc chiến đấu bằng cách ấy. Nhưng cũng đúng như một nghiệp chướng, cái kết cục của đời anh là không thể tránh khỏi.

Them mot lan lai sang

Còn Người lính kèn về làng là một bi kịch hoàn chỉnh, mà chỉ chiến tranh mới tạo ra như thế. Người chồng trẻ ra chiến trường, không chịu được gian khổ bom đạn, đào ngũ lẻn về với vợ. Chỉ trong đêm ấy, anh được vợ động viên nên lại trở về với đơn vị.

Người vợ sau đó sinh con và chịu cái án oan chửa hoang mà không dám tiết lộ việc chồng đào ngũ trở về trong một đêm. Lộ ra là làm nhục gia đình, làng xóm, ảnh hưởng đến tinh thần của cả hậu phương. Bi kịch được đẩy tới đỉnh điểm khi người chồng hy sinh ở chiến trường, xóa sạch nhân chứng duy nhất có thể minh oan cho người vợ.

Trong cảnh khốn cùng, người lính kèn về làng kia đã gánh lấy cái oan khuất của người thiếu phụ, trước sự kỳ thị của dân làng. Bi kịch tưởng như có hậu với đoạn kết có vẻ công thức của phim truyện Việt Nam. Nhưng bàn tay xử lý rất khéo của Trần Quốc Huấn đã biến cái kết có hậu ấy vượt lên khỏi công thức thông thường: nó không an ủi được ai trong câu chuyện này, kể cả người đọc.

Người lính kèn chỉ có thể góp phần mình trong cả một đoàn quân nhạc, một mình anh không thể tấu lên một bản nhạc hoàn chỉnh. Khi phục viên về làng, phải tách ra khỏi đồng đội, anh không còn sức mạnh tập thể, không còn khả năng miễn nhiễm với những trận tấn công nhân danh tập tục đạo đức làng quê, đạo đức hậu phương thời chiến, và cả những ghen tuông đố kỵ thói thường.

Trần Quốc Huấn từng gây dư luận với chùm truyện ngắn được giải nhất tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1987 và một vài bộ phim sau đó anh dựng ở hãng Phim truyện Việt Nam. Nhưng phải đến bây giờ tôi mới đọc những trang viết của anh.

Văn Trần Quốc Huấn viết kỹ, tinh tế, trầm lặng, điều đó giải thích cho những trang viết ít ỏi và việc anh gần như thôi viết kể từ sau thập kỷ 1990. Cầm trên tay tập truyện ấn hành cuối năm 2015, khi tác giả đã ra đi từ hơn một năm trước, tôi cứ nghĩ đến một thứ ánh sáng muộn.

Các nhà thiên văn bảo, có những vì sao ở xa trái đất đến mức đêm nay ta mới nhìn thấy sao nhưng thực ra ngôi sao ấy đã sáng lên và tan vỡ từ lâu trong vũ trụ.

Tất cả là ở vấn đề khoảng cách, kể cả giữa người với người.

Hồ Anh Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI