Thế hệ nghệ sĩ vàng tề tựu trong đêm tôn vinh nghệ thuật sân khấu cải lương

14/01/2019 - 07:07

PNO - Lần đầu tiên những người âm thầm đứng phía sau sân khấu cải lương như công nhân hậu đài, thiết kế phục trang sân khấu, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng... đã được ghi nhận, tri ân.

Chương trình giao lưu, biểu diễn, tôn vinh 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương (do Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM tổ chức) diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ tối 13/1 đã thu hút sự quan tâm của hàng ngàn khán giả mộ điệu cải lương. 

The he nghe si vang te tuu trong dem ton vinh nghe thuat san khau cai luong
Vọng trăng xưa - tiết mục mở màn nhiều cảm xúc của chương trình.

Vọng trăng xưa- tiết mục mở màn với những giai điệu tiêu biểu cho tiến trình hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương trong suốt một thế kỷ mang lại cho người xem nhiều cảm xúc. Những tiếng vỗ tay, lời trầm trồ vang lên từ hàng ghế khán giả khi họ nhận diện được những giọng ca thuộc thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương.

The he nghe si vang te tuu trong dem ton vinh nghe thuat san khau cai luong
Khán giả dễ dàng "nhận diện" những giọng ca vang bóng một thời mà không cần phải nhìn thấy diện mạo, dung nhan.

Lâu lắm rồi khán giả mới được nghe lại giọng ca của những nghệ sĩ nổi tiếng một thời: NSND Ngọc Giàu, NSND Lệ Thuỷ, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Minh Vương, NSƯT Thoại Miêu, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Thanh Điền, NSƯT Tuấn Thanh, NS Hồng Nga…

The he nghe si vang te tuu trong dem ton vinh nghe thuat san khau cai luong
Giọng ca của NSND Lệ Thuỷ - NSƯT Minh Vương vẫn đầy sức quyến rũ, như rót mật vào tai người nghe.

Lâu lắm rồi NSND Lệ Thuỷ và NSƯT Minh Vương mới lại song ca cùng nhau bài Bánh bông lan – bài tân cổ giao duyên gắn liền với tên tuổi của cặp đôi nghệ sĩ từng làm thổn thức không biết bao nhiêu trái tim khán giả mộ điệu. Giọng ca vẫn sang sảng, ngọt ngào, bất chấp tuổi tác và thời gian.

The he nghe si vang te tuu trong dem ton vinh nghe thuat san khau cai luong
Vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga của các nghệ sĩ NSND Ngọc Giàu, NSƯT Phượng Loan và NSƯT Thoại Mỹ.

Bên cạnh phần giới thiệu sự hình thành và phát triển của cải lương, chương trình còn điểm lại những đóng góp của các đoàn cải lương Giải phóng, đoàn Văn công R… và hai sự kiện đáng nhớ của sân khấu cải lương: vụ ném lựu đạn sát hại các nghệ sĩ đang diễn tuồng Lấp sông Gianh và việc các đoàn hát đồng loạt dựng vở Thái hậu Dương Vân Nga sau khi NSƯT Thanh Nga bị sát hại.

The he nghe si vang te tuu trong dem ton vinh nghe thuat san khau cai luong
Vở diễn Lấp Sông Gianh và ký ức kinh hoàng về vụ nổ, sát hại nghệ sĩ vào ngày 19/12/1955 tại rạp Nguyễn Văn Hảo.

Lần đầu tiên chương trình Tôn vinh những đóng góp cho sân khấu cải lương đã nhớ đến cả công nhân hậu đài, thiết kế phục trang sân khấu, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng- những người âm thầm đứng phía sau sân khấu để nghệ sĩ và cải lương toả sáng. 

The he nghe si vang te tuu trong dem ton vinh nghe thuat san khau cai luong
Sân khấu cải lương xã hội hóa Chí Linh - Vân Hà.

Các sân khấu xã hội hoá (XHH) cũng được trao cơ hội  tiếp cận và giới thiệu mình với công chúng TP.HCM. Các tiết mục được chọn tham gia chương trình biểu diễn tối 13/1 là những trích đoạn được các sân khấu dàn dựng và biểu diễn trước đó.

The he nghe si vang te tuu trong dem ton vinh nghe thuat san khau cai luong
Sân khấu XHH Kim Tử Long.

Tiếp bước con đường nghệ thuật của tiền nhân, những mầm non của nghệ thuật cải lương vẫn đang tiếp tục từng ngày được chăm sóc, vun vén với mong muốn “giữ lửa, truyền nghề” của ông bà, cha mẹ. Sự hồn nhiên, trong trẻo của nhóm thiếu nhi - những hạt nhân kế thừa của các gia tộc, gia đình cải lương như những ngọn lửa nhỏ, nhen nhóm niềm hy vọng về một thế hệ nghệ sĩ cải lương trong tương lai.

The he nghe si vang te tuu trong dem ton vinh nghe thuat san khau cai luong
Những nghệ sĩ, diễn viên đoạt giải Trần Hữu Trang và Chuông Vàng vọng cổ thể hiện một sáng tác mới của nhạc sĩ Đức Trí.
The he nghe si vang te tuu trong dem ton vinh nghe thuat san khau cai luong
Nhóm Thắp Sáng Niềm Tin.
The he nghe si vang te tuu trong dem ton vinh nghe thuat san khau cai luong
Sân khấu của gia tộc Minh Tơ.

Chương trình giao lưu, biểu diễn, tôn vinh 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương là sự kiện nổi bật, có ý nghĩa văn hoá quan trọng  nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 320 năm thành lập Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định- TP.HCM. Chương trình giúp chúng ta nhìn lại những thành tựu to lớn của sân khấu cải lương qua hành trình 100 năm hình thành và phát triển.

Có thể nói ít có loại hình nghệ thuật truyền thống nào có được sự yêu thương và niềm đam mê trải dài từ Bắc tới Nam như cải lương. Cải lương ngày nay không chỉ đơn thuần là loại hình nghệ thuật truyền thống mà còn đóng vai trò như một sản phẩm văn hoá đặc thù cổ vũ cho cái Chân - Thiện - Mỹ để phản biện xã hội, tuyên truyền lịch sử và giáo dục truyền thống, nhân cách con người.

Trong quá trình phát triển, TP.HCM khẳng định luôn quan tâm gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, trong đó có nghệ thuật cải lương bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể, tác động tích cực đến đội ngũ nghệ sĩ, đội ngũ sáng tác và các tầng lớp khán thính giả, nhất là công chúng trẻ để cùng hướng về và phát triển nghệ thuật cải lương truyền thống trong chặng đường mới, chặng đường hội nhập và phát triển, nhưng vẫn giữ đậm đà bản sắc dân tộc”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong 

Bài, ảnh: Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI