Thành kiến với phim hợp tác: Lỗi định mệnh?

24/12/2018 - 12:00

PNO - Tiếng là phim hợp tác, nhưng thực chất đa số phía Việt Nam chỉ là bên gia công, kịch bản do nước ngoài chủ động nên khi ra rạp, khán giả trong nước khó đồng cảm.

Tiếng là phim hợp tác, nhưng thực chất đa số phía Việt Nam chỉ là bên gia công, kịch bản do nước ngoài chủ động nên khi ra rạp, khán giả trong nước khó đồng cảm.

Không phải đợi đến khi dự án phim Thiên đường do Việt Nam và Hàn Quốc sản xuất bị đứt gánh nửa đường, khán giả mới thấy bất an về những bộ phim hợp tác, mà lâu nay phim gắn “mác” hợp tác chưa bao giờ tạo cảm giác yên tâm cho người xem. Thành kiến dành cho những sản phẩm điện ảnh hợp tác phải chăng là “lỗi định mệnh”?

Đã gần nửa tháng trôi qua, kể từ khi phía Hàn Quốc - hãng Cion Pictures - chính thức lên tiếng về việc sẽ có động thái pháp lý mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi vì bị đối tác Việt Nam - hãng phim Ivonk Pictures do bà Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân làm giám đốc - nợ tiền trong quá trình làm phim Thiên đường, phía Ivonk Pictures vẫn “im thin thít, lặn mất tăm”.

Hơn 80% tiến độ phim đã hoàn thành, nhưng đoàn phim phải giải tán vì phía Ivonk Pictures thiếu hụt tài chính và thất bại trong việc điều hành sản xuất.

Thanh kien voi phim hop tac: Loi dinh menh?
Vụ vỡ nợ của đoàn phim Thiên đường có Lý Nhã Kỳ và Han Jae Suk đóng chính góp thêm thành kiến về phim hợp tác

Chuyện làm phim “nửa đường đứt gánh” do thiếu vốn không phải chưa từng xảy ra, nhưng đây là lần đầu có việc một đối tác nước ngoài bức xúc, muốn nhờ đến pháp luật giải quyết. Sự cố hy hữu này không chỉ làm mất mặt phía Việt Nam mà còn tô đậm thành kiến nơi khán giả về những bộ phim mang mác hợp tác.

Trước Thiên đường, dự án Đặc vụ ngầm hợp tác với Evoke Entertainment Group (Mỹ) cũng “khua chiêng gióng trống” khởi động, nhưng giờ chót, việc hợp tác không suôn sẻ khi đạo diễn - nhà sản xuất phim Cung Lê - người đem dự án này về Việt Nam - không làm việc với Trương Ngọc Ánh (hãng TNA Entertainment) như công bố ban đầu mà chuyển sang Ngô Thanh Vân (hãng Studio 68).

Thanh kien voi phim hop tac: Loi dinh menh?
Những sản phẩm phim hợp tác không thành công phần lớn lỗi từ sự chủ quan của nhà sản xuất trong nước

Nếu không trục trặc trong lúc sản xuất, nhiều phim hợp tác khác cũng làm sút giảm niềm tin khi công bố ồn ào nhưng một, hai năm sau vẫn chưa thấy lịch phát hành (Sám hối - hợp tác với Ấn Độ, Tình xuyên biên giới Bí mật đảo linh xà - hợp tác với Trung Quốc) hoặc ra rạp được nhưng gây thất vọng lớn (Lala: Hãy để em yêu anh - hợp tác với Hàn Quốc, Yêu em từ khi nào, Những cô gái và găng tơ - hợp tác với Hồng Kông).

Rất nhiều dự án hợp tác khởi động trong năm nay như Mỹ nhân thần sách (Việt Nam - Thái Lan), Game show tử thần (Việt Nam - Nhật Bản), Đêm hoàng đạo (Việt Nam - Mỹ), Tình yêu vô hình (Việt Nam - Trung Quốc) cho thấy xu hướng hợp tác chưa có dấu hiệu thoái trào, dù hiếm hoi mới có phim ghi dấu ấn.

Thanh kien voi phim hop tac: Loi dinh menh?
Lala - Hãy để em yêu anh- bộ phim hợp tác thất bại 

Hợp tác làm phim ở Việt Nam có hai dạng: đồng sản xuất hoặc đồng đầu tư. Phổ biến nhất là đồng sản xuất. Nhưng dù hình thức nào, những phim/dự án hợp tác đều có điểm chung thường thấy là trước khi bấm máy luôn tuyên bố rình rang, hai bên dành nhiều lời lẽ tốt đẹp cho nhau, nhưng rồi sản phẩm ra mắt không hay như mong muốn, tệ hơn thì quá trình hợp tác nảy sinh trục trặc dẫn đến ồn ào, ít nhiều tác động đến tâm lý tiếp nhận nơi người xem. Người xưa có câu “lắm thầy thối ma”. Một việc, nếu có quá nhiều người tham gia chỉ đạo, sẽ dễ “xôi hỏng bỏng không”.

Có nhiều lý do khiến sản phẩm hợp tác không tốt như mong đợi, nhưng tựu trung vẫn ở kịch bản. Tiếng là phim hợp tác, nhưng thực chất đa số phía Việt Nam chỉ là bên gia công, kịch bản do nước ngoài chủ động nên khi ra rạp, khán giả trong nước khó đồng cảm.

Thật khó nhận ra đạo diễn Hàn Quốc Han Sang Hee của Lala: Hãy để em yêu anh muốn chuyển tải thông điệp gì thông qua câu chuyện tình yêu giữa nhạc sĩ Hàn Quốc G-Feel với cô gái Việt Nam Hà Mi. Phim Những cô gái và găng tơ gây hốt hoảng với cốt truyện vô lý về những cô gái chân yếu tay mềm, mang giày cao gót, vác chiếc hộp nặng hàng chục ký vàng, dễ dàng chạy thoát khỏi đám giang hồ hết lần này tới lần khác.

Thanh kien voi phim hop tac: Loi dinh menh?
Bộ phim Những cô gái và găng tơ có kịch bản phi lý, không chinh phục người xem

Ông Lý Quốc Oai, giám đốc hãng phim Nghiệp Thắng - người có kinh nghiệm hợp tác làm phim với nước ngoài từ thập niên 1990 - cho biết: “Làm phim với nước bạn, phải biết rõ họ có uy tín hay không; xem xét kỹ kịch bản, nhất là những kịch bản liên quan đến vấn đề biển đảo, vì hiện tại có rất nhiều đơn vị Trung Quốc chi tiền hậu hĩnh, mời Việt Nam hợp tác sản xuất, để mang phim về nước chiếu tuyên truyền du lịch. Sở dĩ các đơn vị trong nước hào hứng với xu thế hợp tác vì đó là con đường để đưa phim phát hành ở nước ngoài, có thêm nguồn thu và nếu may mắn thì sẽ có lời”.

Thanh kien voi phim hop tac: Loi dinh menh?
Phim hợp tác Lala - Hãy để em yêu anh chỉ gây chú ý nhờ dàn diễn viên trẻ đẹp

Cũng vì tham vọng mở rộng doanh thu ra quốc tế mà dự án Thiên đường vỡ nợ bởi chủ đầu tư Ivonk Pictures không chuẩn bị sẵn tài lực đủ mạnh. Khi vốn đầu tư bị đội lên, dẫn đến chuyện “đem con bỏ chợ” đối tác nước bạn, gây xấu hổ cho cả làng phim Việt.

Hợp tác làm phim là để đôi bên phát huy điểm mạnh, bù đắp điểm yếu của nhau, nhưng nếu không “biết người biết ta”, sản phẩm làm ra không đạt được mục đích, lỗi rõ ràng thuộc về sự chủ quan chứ không thể đổ thừa cho nguyên nhân khách quan. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI