Thái Quốc: Thích được sống với vai diễn

16/03/2013 - 00:07

PNO - PN - Tốt nghiệp Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) năm 1992, Thái Quốc nhanh chóng tạo được sự chú ý của khán giả khi cùng lúc hóa thân thành ông Nghè Ất và thằng Khế trong vở Đứa...

Nhưng, gần tám năm sau khán giả mới được gặp lại anh với vai Hoàng Tú trong vở Nhân danh công lý... Và một lần nữa anh lại “biến mất” để rồi trở lại đầy ấn tượng với vai ông Sinh (vở Xóm vịt trời) và người đàn ông (vở Mặt nạ bong bóng) trên sân khấu Idecaf mùa kịch Tết vừa qua. 

Thai Quoc: Thich duoc song voi vai dien

Diễn viên Thái Quốc trong vở Mặt nạ bong bóng 

* Quay lại với sân khấu Idecaf từ năm 2007, nhưng xem Thái Quốc ở Xóm vịt trời và Mặt nạ bong bóng có khán giả vẫn tưởng anh là… diễn viên mới?

- Tôi không ngạc nhiên với điều đó. Quay lại sàn diễn tôi chỉ được giao những vai nhỏ hoặc thế vai cho diễn viên khác. Tôi vốn không có nhiều lợi thế về vóc dáng và ngoại hình nên để có được một vai diễn hay, phù hợp là điều không dễ. Thêm nữa, có vẻ như tôi là người khá lận đận trong nghề. Mỗi lần có một cơ hội để khẳng định mình thì tiếp sau đó sẽ là những chuyện không vui, những sự cố… khiến tôi phải chia tay với sàn diễn. Chỉ có điều, dù gặp không ít khó khăn, trở ngại, thậm chí từng có lúc phải làm một công việc khác không hề dính dáng đến chuyên môn diễn viên và đạo diễn đã được học nhưng sự đam mê và nỗi nhớ sân khấu vẫn cứ âm ỉ trong tôi.

* Được đánh giá là thuận tay và có duyên với những vai già, lại có khả năng thể hiện được chất giọng của nhiều địa phương, lần trở lại này của Thái Quốc đã ghi điểm với khán giả. Khi trở lại, điều gì khiến anh lo lắng nhất?

- Nỗi sợ lớn nhất là bị khán giả dị ứng vì cho là tôi nhái giọng. Khi tạo tính cách nhân vật bằng giọng nói, tôi phải nghiên cứu cá tính đặc trưng, lối ứng xử, lắng nghe ngữ điệu, cách nhấn nhá câu từ theo trạng thái cảm xúc của người dân ở vùng miền đó và cách dùng từ của từng địa phương. Điều này không chỉ giúp tôi phát âm chuẩn giọng địa phương mà còn thể hiện được đúng bản chất của người dân ở đó. Tôi muốn khi xem các vai diễn của tôi khán giả sẽ nói “nó là người xứ đó”, chứ không phải “bắt chước giống quá”. Diễn nhiều vai già, tôi cũng lo có sự trùng lắp. Vì vậy, tôi tự nhắc mình phải luôn sáng tạo. Nhận vai, tôi nghiên cứu, xác định cho mình một tính cách riêng để tạo hình nhân vật và sáng tạo hành động sân khấu phù hợp với tính cách, xuất thân, điều kiện, hoàn cảnh sống của nhân vật

* Hiện nay nhiều diễn viên tất bật chạy sô nên không còn nhiều thời gian để tập vở mới, khi đầu tư quá nhiều cho vai diễn như anh nói, liệu thời gian lên sàn có đủ cho anh sáng tạo?

- Tôi tập trên sàn, suy nghĩ thêm về vai diễn những lúc có thời gian và hoàn thiện dần sau từng suất diễn.

* Có năng lực, được đào tạo bài bản nhưng con đường nghệ thuật của anh nhiều trắc trở. Anh có chạnh lòng khi thấy không ít diễn viên nổi tiếng rất nhanh dù thiếu cả năng lực lẫn nền tảng nghề nghiệp?

- Ngày trẻ thì có, giờ thì không. Mỗi người có một cơ may và số phận khác nhau, quan trọng là mình phải tự tin và không ngừng tự nỗ lực, tự hoàn thiện của mình. Đó mới là cách để mình có thể tồn tại một cách lâu bền trong nghệ thuật chứ không phải là sự nổi tiếng.

* Cám ơn anh.

Thảo Vân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI