Tác phẩm sân khấu đỉnh cao: Ước vọng mong manh

06/05/2019 - 06:43

PNO - Sau Tiên Nga, bao giờ mới có một tác phẩm đỉnh cao mới, nếu nhà tổ chức cứ phải tự bơi và tự chịu, lẻ loi với cái nghiệp của mình.

Khán phòng chật kín khán giả trong suất diễn đầu tiên của đợt diễn thứ hai, vở kịch Tiên Nga. Nhiều lúc, người xem ồ lên thích thú, những tràng pháo tay vang dội, bên cạnh những lúc khán phòng im phăng phắc để lắng nghe từng câu thoại, câu ca của các nhân vật.

Vở diễn kết thúc, nghệ sĩ cúi chào giữa những tiếng vỗ tay tán thưởng khi NSƯT Thành Lộc gởi lời chào tạm biệt, những ánh mắt vẫn hướng về phía sân khấu. 

Tac pham  san khau dinh cao: Uoc vong  mong manh
Tiên Nga tái diễn với một số thay đổi về diễn viên nhưng vẫn trọn vẹn cảm xúc

37 suất diễn với hơn 20.000 khán giả chỉ sau hơn một năm, kể từ ngày công diễn là con số kỷ lục của sân khấu kịch thành phố. Không chỉ vậy, Tiên Nga còn để lại nhiều dấu ấn khác. Đây là tác phẩm nhạc kịch 100% “made in Việt Nam”, từ nội dung đến chất liệu âm nhạc; lần đầu tiên một vở nhạc kịch có dàn nhạc sống và dàn hợp xướng tham gia biểu diễn trực tiếp. Không chỉ khiến người xem thổn thức với câu chuyện tình yêu thủy chung và lòng nhân nghĩa, Tiên Nga còn mang theo cả khát vọng hòa bình của người Việt Nam. Năm năm kể từ sau Vua Thánh triều Lê (2012) sân khấu kịch mới lại có một tác phẩm được cả khán giả lẫn giới chuyên môn đánh giá là tác phẩm sân khấu đỉnh cao, xứng tầm với sự phát triển và tầm vóc đời sống văn học nghệ thuật của TP.HCM.

Thành phố luôn đòi hỏi sân khấu phải có được những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, nhưng làm sao để có tác phẩm đỉnh cao và xa hơn nữa là làm sao để tác phẩm ấy đến được với công chúng thì người làm nghề phải loay hoay tự tính, tự nỗ lực mà làm

Giải nhất (lĩnh vực sân khấu) Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM lần 2 (2012-2017) dành cho Tiên Nga đã làm nức lòng khán giả yêu kịch nói và là lời động viên kịp thời của thành phố dành cho ê-kíp thực hiện. Ngay sau giải thưởng, Tiên Nga đã có đợt tái diễn với 8 suất (từ ngày 27/4 - 5/5). Nhiều người háo hức với sự trở lại của Tiên Nga, nhưng ít ai ngờ, mỗi buổi sân khấu sáng đèn là một lần đơn vị tổ chức lo đến thót tim. Với quy mô của tác phẩm, sự tham gia trực tiếp của dàn nhạc sống và dàn hợp xướng, cứ mỗi suất diễn, Tiên Nga phải bán được ít nhất 650 vé thì đơn vị tổ chức mới đủ trang trải. Sau 37 suất diễn, hiện đơn vị tổ chức vẫn còn lỗ 1,5 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu.

Tac pham  san khau dinh cao: Uoc vong  mong manh
Sau 37 suất diễn, hiện đơn vị tổ chức vẫn còn lỗ 1,5 tỷ đồng

Xem các nghệ sĩ vắt kiệt sức trên sân khấu, nhìn sân khấu lung linh, được chăm chút kỹ lưỡng đến từng chi tiết; dàn nhạc, dàn đồng ca căng mình theo từng lớp diễn... chợt thấy chạnh lòng thương sân khấu, thương ê-kíp thực hiện tác phẩm và thương cả đơn vị sản xuất.

Hơn 2 tỷ đồng và tâm huyết, công sức của gần 100 con người đã dốc cho đam mê, khát vọng được cống hiến cho khán giả một tác phẩm nghệ thuật nghiêm túc và đúng tầm. Những người làm nghề không mảy may toan tính, nếu có chăng chỉ là tính toán để làm sao có thể cống hiến hết khả năng của mình, tính toán để có một suất diễn cho khán giả thăng hoa cảm xúc. Nhưng, họ lại hết sức đơn độc trong hành trình kiến tạo dấu ấn đẹp cho đời sống văn học nghệ thuật của thành phố này.

Tiên Nga, một lần nữa cho thấy, sân khấu thành phố không thiếu tài năng, đầy lửa đam mê và khát khao được cống hiến. Tiếc rằng, những tài năng ấy lại không có nhiều cơ hội để tỏa sáng. Hơn 2 tỷ đồng đầu tư cho một tác phẩm sân khấu là con số rất lớn trong bối cảnh sân khấu hiện nay. Nhưng bỏ tiền rồi lại phải tự tổ chức biểu diễn, tự tìm nhà hát... thì liệu có bao nhiêu nhà sản xuất đủ can đảm và cả tiềm lực để lao vào cuộc chơi tốn kém và đầy rủi ro đó?

Bắt tay làm Tiên Nga, những người thực hiện xác định sẽ khó thu hồi vốn, nhưng họ vẫn quyết lao về phía trước, bằng cả đam mê lẫn trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cộng đồng. Thực hiện tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao cho thành phố, nói cho công bằng, đâu phải là trách nhiệm của đơn vị tư nhân, mà chính xác là của những đơn vị đang hằng năm nhận tiền từ ngân sách. Nhưng sân khấu tư nhân đã làm và đã làm được. Ước gì có sự chung tay để người làm sân khấu bớt một phần nỗi lo cơm áo trong từng suất diễn.

Sau Tiên Nga, bao giờ mới có một tác phẩm đỉnh cao mới, nếu nhà tổ chức cứ phải tự bơi và tự chịu, lẻ loi với cái nghiệp của mình. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI