Sự hồn nhiên đáng thương

19/10/2016 - 16:44

PNO - Được giới thiệu là vở nhạc kịch theo phong cách Broadway, nhưng thực tế, Chuyện tình nàng Giáng Hương chỉ là đêm nhạc với chuỗi ca khúc xếp đặt gọi là có diễn biến, nhưng khá gượng ép.

Phải hồn nhiên lắm mới định vị Chuyện tình nàng Giáng Hương (CTNGH) là vở nhạc kịch theo phong cách Broadway. Cũng thật hồn nhiên mới tin rằng chỉ cần dốc lòng dốc sức (và dốc túi tiền) là được đền đáp, để đầu tư vở nhạc kịch 12 tỷ đồng trong bối cảnh hiện tại.

Sau hai suất diễn đầu, CTNGH còn ba đêm diễn nữa vào 21, 22, 23/10 tại Nhà hát Hòa Bình TP.HCM. Nhưng, với lượng khán giả từ hai đêm đầu, không khó để thấy việc thu hồi vốn là bất khả. Thực tế, giữa tình hình thị trường giải trí ảm đạm hiện nay, việc hồi vốn đối với vở diễn xuất sắc cũng đã khó khăn, huống gì CTNGH còn xa mới với tới hai chữ xuất sắc.

Được giới thiệu là vở nhạc kịch theo phong cách Broadway, nhưng thực tế, CTNGH chỉ là đêm nhạc với chuỗi ca khúc xếp đặt gọi là có diễn biến, nhưng khá gượng ép. Hầu hết nhân vật chính đều do các ca sĩ thể hiện, không thể hiện được khả năng diễn xuất. Đài từ gượng gạo, những bước nhảy thô kệch, không toát lên được tâm trạng giằng xé hay đớn đau của nhân vật… là những gì mà các “diễn viên” này mang lại. 

Su hon nhien dang thuong

Khán giả ngơ ngác khi bối cảnh của câu chuyện đang từ không gian cổ xưa chuyển sang hiện đại. Ngơ ngác vì khán giả không nhớ để liên tưởng tới nội dung tích Từ Thức gặp tiên, khi trở về làng thì 300 năm đã trôi qua. Lỗi do kịch bản được xây dựng với mặc định rằng đó là điều khán giả hiển nhiên phải biết, nên không có bất kỳ câu thoại hay chi tiết nào để họ nhận diện điều này.

Điểm trừ lớn nhất là diễn tiến của vở được lắp ghép bằng những bài hát có sẵn, dẫn đến tình trạng ca khúc có câu từ và tình cảm không phù hợp với tiến độ câu chuyện hay diễn biến cảm xúc nhân vật, khiến nội tâm nhân vật hoặc bất hợp lý, hoặc gượng ép.

Đạo diễn kiêm biên kịch Trần Nguyễn Thiên Hương cho biết, không làm đao to búa lớn, không dựng mâu thuẫn cầu kỳ, phức tạp cho CTNGH. Nhưng, đơn giản không có nghĩa dễ dãi. Điều này thể hiện ở phần chuyển cảnh được thao tác rất vụng về, nhân viên hậu đài tới lui rõ mồn một trên sân khấu, khiến người xem như nhai phải sạn.

Thực tế, phần nhạc của vở - khi tách rời từng tác phẩm độc lập, thì không chê vào đâu được. Các nhạc phẩm Thiên thai, Đóa hoa vô thường, Riêng một góc trời, Cát bụi, Trăng sơn cước… và thậm chí là Vợ người ta (viết lại lời mới) được nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam phối lại với sự dụng công của người có tay nghề cao, khiến bài hát quen mang đến nhiều cảm xúc mới. Thể hiện các ca khúc ấy là ca sĩ Nam Khánh và các giọng ca của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM… nên cảm xúc, sự điều tiết về kỹ thuật thanh nhạc là của những giọng ca được đào tạo bài bản.

Bên cạnh những giây phút chìm đắm vào giai điệu sâu lắng của các ca khúc kinh điển Việt, khán giả còn ngạc nhiên với những sáng tác mới, thích thú với những đoạn rap mà nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam viết riêng cho CTNGH. Chuyện lạ lùng đã xảy ra, thay vì những tràng pháo tay vang lên khi kết thúc cảnh (vở có sáu cảnh) thì khán giả lại không ngớt vỗ tay sau mỗi bài hát.

Điều này càng cho thấy sự không ăn nhập giữa nhạc và kịch, khi các bài hát được thể hiện tốt, còn diễn xuất thì đáng chán. Cái hay của phần nhạc là cái hay của từng ca khúc, không phải là cái hay của sự hòa quyện ăn ý giữa kịch và nhạc.

CTNGH mang thông điệp đẹp, cho đi tình yêu sẽ được nhận lại tình yêu. Đó là tình yêu không toan tính, không so đo thiệt hơn, chỉ cần sống thật với cảm xúc của mình. Người đầu tư vở diễn cũng đã mang tâm thế và cảm xúc ấy khi chọn thể loại kén khán giả và khó thực hiện để thử sức. Chỉ tiếc rằng, không phải cứ chân thật là sẽ thành công.

Vũ Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI