Sân khấu kịch TP.HCM: chờ đợi 'lột xác' đến bao giờ?

19/10/2019 - 07:55

PNO - Những nhà quản lý từng rất lạc quan với kỳ vọng sân khấu sẽ sớm vượt qua khó khăn, giờ bắt đầu dao động với nỗi lo sân khấu kịch sẽ đi về đâu...


Sân khấu kịch thành phố đã và đang đi qua một năm khá bất ổn, có sân khấu đóng cửa, có sân khấu chuyển sang hình thức hoạt động khác, những vở diễn ấn tượng cũng không nhiều. Những nhà quản lý từng rất lạc quan với kỳ vọng sân khấu sẽ sớm vượt qua khó khăn, giờ bắt đầu dao động với nỗi lo sân khấu kịch sẽ đi về đâu trong xu hướng phát triển chung của các loại hình giải trí và nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay. 

Sân khấu kịch thời khó chồng khó

Các sân khấu còn duy trì các suất diễn thường xuyên hiện nay là Hoàng Thái Thanh, Nhà hát Kịch sân khấu Nhỏ, Thế Giới Trẻ, Kịch Sài Gòn và sân khấu Phú Nhuận. Sân khấu Hồng Hạc bắt đầu hoạt động trở lại ở địa điểm mới là Nhà Thiếu nhi Q.4 từ tháng 9/2019, nhưng đến nay, các suất diễn chủ yếu chỉ được tổ chức khi có yêu cầu từ các đơn vị. Dù đóng cửa sân khấu SuperBowl, nhưng điểm diễn còn lại của “bà bầu“ Hồng Vân ở sân khấu Phú Nhuận vẫn chỉ diễn ba suất một tuần. 

San khau kich TP.HCM: cho doi 'lot xac' den bao gio?
Bông hồng cài áo - vở diễn chật kín khán giả trong suất diễn ra mắt

Điểm diễn, suất diễn không nhiều, các vở của sân khấu kịch hiện nay cũng không đa dạng, đa phần là những vở cũ, có vở được dàn dựng từ cách đây năm, sáu năm như Tía ơi má dìa, Người mua hạnh phúc, Cõng mẹ đi chơi… hoặc những bản dựng mới của các vở diễn cũ. Chẳng hạn Mặt nạ bong bóng, vở mới nhất của sân khấu Idecaf vừa ra mắt đầu tháng Mười được làm lại từ vở đã công diễn từ năm 2013, Chuyện hai chàng phiên bản 2019 ở Thế Giới Trẻ đã có phiên bản đầu tiên từ năm 2010. 

Bên cạnh đó, là sự trở lại của thể loại kịch kinh dị, kịch ma, kịch đồng tính… với tần suất khá dày làm không ít công chúng và người làm nghề băn khoăn. Ngoài hai vở diễn đề tài văn học: Con nhà nghèoBỉ vỏ là vở tốt nghiệp của học viên được nâng cấp, chỉnh sửa để đưa vào lịch diễn, thì gần đây, hầu hết các vở mới ở sân khấu của “bà bầu” Hồng Vân đều là thể loại kinh dị. Ngay như sân khấu Thế Giới Trẻ, nơi từng tạo dấu ấn khi chuyển hướng sang những vở tâm lý xã hội thay cho thể loại kịch kinh dị vốn là thế mạnh, thì gần đây các vở diễn mới đề tài đồng tính, kịch ma lại chiếm đa số. 

Khán giả “khát” kịch, nhưng…

Ra mắt tháng 12/2017, sau 5 đợt tổ chức biểu diễn, tính đến tháng 9/2019, vở nhạc kịch Tiên Nga đã có 49 suất diễn, phục vụ hơn 32.000 lượt khán giả. Đây là con số nằm ngoài dự đoán của những người thực hiện. Thực tế này chứng minh điều trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ sân khấu kịch không còn khán giả. Không chỉ “hiện tượng” Tiên Nga, mới đây, suất diễn ra mắt vở Bông hồng cài áo của sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng chật kín khán giả. Rất nhiều người chấp nhận mua vé ghế “xúp” để được xem. 

Không khó để lý giải vì sao Tiên Nga ăn khách và nhanh chóng trở thành hiện tượng của sân khấu kịch thành phố. Lần đầu tiên sân khấu kịch có một vở nhạc kịch thuần Việt, các diễn viên hát live với dàn nhạc sống và sự góp mặt của dàn đồng ca. Vở diễn được chăm chút từ kịch bản, lời thoại, cách nhấn nhá trong xây dựng tính cách nhân vật, đến những sáng tạo trong thủ pháp dàn dựng… để cùng hòa quyện với tài năng diễn xuất của từng nghệ sĩ.

Những yếu tố này góp phần giúp câu chuyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu dẫu không còn xa lạ với số đông công chúng, nhưng vẫn cứ thu hút người xem. Nhiều khán giả chia sẻ họ đã xem đi xem lại Tiên Nga, và mỗi lần xem lại cảm nhận những điều thú vị khác nhau. Khi là những câu thoại súc tích nhưng đầy ý nghĩa mà họ chưa kịp hiểu hết ngụ ý trong lần xem trước; lúc là những cảm nhận mới mẻ về sự phối hợp giữa các nhạc cụ với dàn đồng ca và cách xử lý câu ca, hay sự thăng hoa đầy ngẫu hứng và cảm xúc của các nghệ sĩ. 

San khau kich TP.HCM: cho doi 'lot xac' den bao gio?
Tiên Nga với số khán giả kỷ lục: hơn 32.000 lượt

Từ Tiên Nga, nhìn lại các vở diễn khác của sân khấu kịch chợt thấy chạnh lòng. Kịch bản hay vẫn là nỗi buồn dai dẳng kéo dài suốt nhiều thập niên của các sân khấu. Nhiều vở kịch nội dung hời hợt, chắp vá, tùy hứng theo ý muốn chủ quan của tác giả, đạo diễn, bất chấp tính hợp lý, tính nhất quán trong tính cách, tâm lý nhân vật và tình huống kịch. Ở góc độ khác, có những vở diễn chỉ cố gắng tập trung gửi gắm thông điệp cho khán giả, mà quên đặt ra những nút thắt, những yếu tố bất ngờ. Chỉ cần xem một, hai cảnh, khán giả đã đoán được cái kết. 

Các sân khấu xã hội hóa đều phải thuê mặt bằng, nên thường không có kho chứa cảnh trí, cộng thêm kinh phí hạn hẹp nên cảnh trí nhiều vở diễn khá đơn điệu, đạo cụ chắp vá được sử dụng từ vở diễn này sang vở diễn khác. Có lẽ ít ai hình dung ánh sáng sân khấu thế kỷ XXI vẫn còn rất thủ công. Để chỉnh đèn, người ta vẫn phải dùng sào đẩy cho đến khi đèn chiếu đúng vị trí theo yêu cầu của đạo diễn. Và khi đèn đã chỉnh thì sẽ ở luôn vị trí chết. Diễn viên khi ra sân khấu phải nhớ vị trí di chuyển của mình, nếu không, mặt sẽ bị tối vì lệch ánh đèn. 

Kịch bản yếu, điều kiện vật chất, kỹ thuật thô sơ, sức hấp dẫn của vở diễn được đặt hết vào kỹ năng của từng nghệ sĩ, diễn viên. Sân khấu kịch thành phố không thiếu những nghệ sĩ, diễn viên giỏi nghề. Họ có thể phải làm việc gấp đôi, gấp ba khả năng của mình để thu hút khán giả. Nhưng khả năng sáng tạo của con người cũng có giới hạn. Diễn viên trẻ thì khó để lại dấu ấn khi được đặt vào các vai diễn trong những kịch bản “thường thường”. Chưa kể, lớp diễn viên trẻ hiện nay không nhiều người có đủ kỹ năng và tài năng để thuyết phục công chúng.

Khán giả kịch nói “thèm khát” những vở diễn xứng tầm trong dòng chảy chung của nghệ thuật thời đại 4.0, nhưng sân khấu kịch vẫn cứ vắng khán giả. Một số sân khấu tư nhân vẫn phải bù lỗ, cầm cự duy trì hoạt động, bởi có những nghệ sĩ đã trót yêu sân khấu và không thể buông tay, ngay cả khi đứng trước viễn cảnh phải bán nhà để duy trì hoạt động của sân khấu. Sân khấu kịch thành phố vẫn cứ loay hoay với chính mình, vẫn còn những “bầu” sân khấu nỗ lực cho ra đời những vở diễn tốt nhất trong điều kiện có thể, dẫu trong lòng vẫn nặng nỗi lo: vở mới ra đời sẽ tồn tại được bao lâu? Sân khấu kịch sẽ còn đủ sức sáng đèn đến bao giờ? 

Đạo diễn - NSƯT Công Ninh

Từ nhiều năm trước, các phương tiện kỹ thuật đã trở thành công cụ đắc lực mang lại hiệu quả tối đa cho một tác phẩm sân khấu, thỏa mãn công chúng cả phần nghe lẫn phần nhìn, đồng thời giúp người nghệ sĩ dễ dàng thăng hoa với tác phẩm nghệ thuật mà không cần phải vắt kiệt sức cho từng vai diễn. Các vở diễn của sân khấu biểu diễn thế giới đã có thể đưa người xem ra khỏi thế giới hiện tại để đắm chìm vào không gian, bối cảnh của tác phẩm. Thế nhưng đến tận hôm nay sân khấu thành phố vẫn rất cũ kỹ, thủ công, vẫn cứ phải tắt đèn chuyển cảnh.

Khoảng thời gian “chết” đủ làm khán giả bị ngắt mạch cảm xúc. Mỗi lần mở cảnh diễn, cảm xúc khán giả lại phải bắt nhịp từ đầu. Chưa kể những sự cố bất ngờ xảy ra trong lúc tắt đèn chuyển cảnh như tiếng va đập của cảnh trí, giọng la thất thanh của nhân viên hậu đài khi vô tình va vào “vật cản” trên sân khấu hoặc trong cánh gà; âm thanh hỗn độn của sự cáu bẳn khi chuyển cảnh nhầm, và ti tỉ những sự cố lớn nhỏ khác... Tất cả đều có thể làm trôi tuột những xúc cảm khán giả đã được nuôi dưỡng ở cảnh diễn trước. 

Sân khấu thế giới đã phát triển rất xa, nếu vẫn tiếp tục dựa vào kỹ thuật, kỹ năng cá nhân, thì sân khấu không còn đủ sức để hấp dẫn công chúng. Sàn diễn nghèo nàn, người nghệ sĩ cũng không có điều kiện phát huy tối đa tài năng cá nhân. Nếu không có sự “lột xác”, tôi nghĩ sân khấu kịch thành phố khó có thể đi tiếp con đường dài.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI