Sân khấu học đường cần trợ lực

30/10/2015 - 09:15

PNO - Với mong muốn cho học sinh tiếp cận những bài học lịch sử, ý thức sinh hoạt cộng đồng, văn hóa ứng xử... thông qua những vở diễn sinh động...

Các sân khấu tư nhân tỏ ra khá năng động với những dự án Tôi yêu lịch sử Việt Nam, Kết nối cộng đồng, Giáo dục an toàn giao thông, Văn hóa ứng xử, giao tiếp... nhưng trong tình cảnh người làm chương trình phải tự thân vận động, tự tìm lối đi, đến nay gần như chì có dự án Tôi yêu lịch sử Việt Nam còn được triển khai.

Ra mắt lần đầu vào tháng 8/2014, đến nay dự án Tôi yêu lịch sử Việt Nam của sân khấu IDECAF đã có năm vở diễn: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Thánh Gióng, Trưng Nữ Vương, Sơn Tinh - Thủy Tinh và Đinh Bộ Lĩnh.

Trong năm học 2014 – 2015 Tôi yêu lịch sử Việt Nam đã thực hiện được khoảng 80 suất diễn ở hơn 60 trường tiểu học. Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3) đã tổ chức cho học sinh (HS) khối lớ p 4, 5 xem kịch của dự án, sau đó cùng thảo luận theo hướng dẫn của giáo viên.

Ông Từ Quốc Tuấn, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với cách dàn dựng đầy màu sắc, vui nhộn nhưng bám sát các sự kiện lịch sử của dân tộc, các vở diễn mang đến sự hào hứng đặc biệt cho HS.

Chương trình giúp những bài học lịch sử trong giáo trình sinh động hơn, các em nhớ lâu hơn, hiểu sâu hơn về từng sự kiện, nhân vật và qua đó thêm yêu hơn môn sử”.

San khau hoc duong can tro luc
Lá cờ thêu sáu chữ vàng - vở kịch lịch sử nhiều màu sắc, vui nhộn và mang ý nghĩa giáo dục trong dự án Tôi yêu lịch sử Việt Nam

Đang lên kế hoạch tiếp tục biểu diễn trong năm học 2015- 2016, nhưng giám đốc sân khấu IDECAF, ông Huỳnh Anh Tuấn lo lắng dự án chỉ có thể quay lại các trường từng đến bằng những vở diễn mới, còn việc phát triển thêm điểm diễn ở các trường khác (TP.HCM có hơn 480 trường tiểu học) là một thử thách.

Phía các trường, lý do khó tiếp nhận dự án, tổ chức cho HS xem kịch thường được nêu ra là không sắp xếp được lịch vì thời khóa biểu học tập đã kín. Cũng có không ít trường, dù rất muốn cho HS học lịch sử thông qua các vở diễn sân khấu nhưng lại không đủ chi phí.

Được biết, kinh phí một suất diễn hiện nay là 15 triệu đồng, nếu trường có 1.000 HS, mỗi em đóng 15.000đ. Nhưng với trường chừng 400- 500 HS, số tiền phải đóng gấp đôi. Chi phí này là chuyện khó đối với những trường ở các quận vùng ven, huyện ngoại thành, thậm chí ở cả không ít trường nội thành.

Tuy nhiên, bà Võ Ngọc Thu - nguyên Trưởng phòng Giáo dục Q.5 cho rằng: “Tôi không nghĩ kinh phí hoặc thời gian là lý do chính. Theo kế hoạch, mỗi năm học, các trường tiểu học đều có từ hai-ba buổi ngoại khóa. Rất nhiều trường sử dụng thời gian ngoại khóa này cho các em sinh hoạt ngoài trời như đi bơi, đi dã ngoại… mà không quan tâm đến việc cần phải trang bị cho HS tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc.

Cho HS xem kịch ở trường là một mô hình tốt. Chi phí này không quá cao, nhà trường hoàn toàn có thể choàng gánh cho những HS khó khăn để các em có cơ hội thưởng thức nghệ thuật. Khi đã quen với văn hóa xem kịch, khi lớn lên, các em sẽ là những khán giả biết chọn lọc, biết thưởng thức những vở diễn được đầu tư dàn dựng nghiêm túc, có ý nghĩa”.

Năm học trước, địa bàn Q.5 có khoảng 80% HS tiểu học được xem kịch lịch sử tại trường. Với những trường ít HS, để kéo giảm kinh phí, các trường cùng liên kết tổ chức ở địa điểm phù hợp. Trong năm học này, một số trường tiểu học như Minh Đạo, Trần Bình Trọng, Lương Định Của… đều đã có kế hoạch cho HS tiếp tục được xem kịch.

Trong bối cảnh giới trẻ, HS không còn yêu thích môn lịch sử, lơ mơ về các sự kiện, nhân vật lịch sử… thì nỗ lực dàn dựng những chương trình, vở diễn mang tính giáo dục, văn hóa, đề cao tinh thần yêu nước là điều rất đáng được khích lệ và cần sự chung tay góp sức của cộng đồng.

Thảo Vân

Ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc sân khấu IDECAF: "Từ năm ngoái, tôi đã gửi công văn lên Sở Văn hóa-Thể thao TP.HCM đề nghị hỗ trợ kinh phí 50 suất diễn/năm để đưa dự án Tôi yêu lịch sử Việt Nam đến được các trường tiểu học ở các huyện ngoại thành và vùng ven.

Nhưng đến giờ này tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ câu trả lời cụ thể nào. Nhiều lần, tôi đã nghĩ đến chuyện bán nhà để lấy tiền thực hiện dự án của mình. Nhưng khi bình tĩnh, tôi thấy đó là việc quá vô lý.

Là đơn vị tư nhân, tôi đã chấp nhận bỏ tiền túi để dàn dựng chương trình mang ý nghĩa giáo dục, khơi gợi lòng tự hào dân tộc cho trẻ thơ. Tôi cần sự sẻ chia, cần những ban ngành có trách nhiệm chung tay gánh vác để thấy mình không đơn độc trong hành trình xây dựng những điều tốt đẹp cho cộng đồng".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI