'Rác' từ... thế giới ngầm

17/03/2019 - 19:00

PNO - Không ít người cho rằng, đã là underground - dòng nhạc thuộc mạch ngầm của đời sống nghệ thuật thì phải phóng túng 'hết nấc', tự do 'tới bến'; như thế mới phô diễn được hết khả năng sáng tạo, cá tính nghệ sĩ.

Thế nhưng, đó chính là sự ngộ nhận cực lớn, làm cho dòng nhạc này méo mó trong mắt công chúng.

Cuộn sóng từ dòng chảy ngầm

So với thời các nghệ sĩ underground chơi nhạc trong một cộng đồng nhỏ thì giờ đây, công nghệ hiện đại và sự thay đổi phương thức nghe nhạc đã giúp nhiều ca khúc thuộc dòng nhạc phi chính thống này tiếp cận công chúng không giới hạn. Nhiều tên tuổi underground được truyền thông săn đón không kém những nghệ sĩ nổi tiếng của dòng nhạc chính thống (mainstream). Nhiều ca khúc underground dẫn đầu các bảng xếp hạng âm nhạc chỉ sau một thời gian ngắn công bố và nghệ sĩ underground giờ cũng chạy show, dự sự kiện, nhận hợp đồng quảng cáo…

Thậm chí, một số ca sĩ mainstream còn hát lại “hit” underground như Lam Trường, Thu Phương, Đức Phúc… Một số khác chọn cách hợp tác như Trịnh Thăng Bình với Osad, Đàm Vĩnh Hưng với Binz, Hoàng Thùy Linh với Kimmese hay Đạt G với Chi Pu... Ranh giới giữa hai “thế giới” chừng như đã bị xóa bỏ.

Ca khúc Em ngủ chưa (Trịnh Thăng Bình - Osad):

 

 Riêng trong 3 tháng đầu năm 2019, bảng xếp hạng nhạc Việt chứng kiến sự đổ bộ và leo bậc của những tên tuổi mới như Jack, Thịnh Suy, Việt & Deus, Thanh Hưng, B Ray… Điều đó ít nhiều cho thấy, Việt Nam đang có một thế hệ nghệ sĩ mới của dòng underground, góp phần làm nên diện mạo của nhạc Việt trong mấy năm trở lại đây, trong đó có không ít cái tên ấn tượng, thú vị như Lê Cát Trọng Lý, Ngọt band, Hoàng Touliver, Da LAB, Thái Vũ, Đen, Suboi, SlimV…

Underground vẫn có giới hạn

Trong bối cảnh pop-ballad, với những ca khúc tình yêu “sến sẩm”, có dấu hiệu thoái trào, sự trỗi dậy của underground đã mang đến một làn gió mới, đồng thời xóa định kiến về chính thống hay phi chính thống. So với ca từ có vẻ khá khuôn phép của mainstream, underground thu hút, được tán dương nhờ sự phóng khoáng, bắt tai, ca từ mộc mạc, rất “đời”, thoát khỏi những ràng buộc và đề cao sự tự do của các bạn trẻ.

Nhiều ca khúc tạo thành trend. Nhiều lời ca trở thành câu cửa miệng, được giới trẻ truyền nhau trên mạng xã hội. Không ít ca khúc thể hiện cách lập ngôn cũng như thái độ của giới trẻ trước những vấn đề nóng của xã hội.

Thế nhưng, cũng có không ít ngộ nhận về dòng nhạc này, như tinh thần âm nhạc phải phóng khoáng đến phóng túng, tự do “tới bến”. Kết quả: bên cạnh những ca khúc thỏa mãn yếu tố thị trường lẫn chuyên môn, không ít ca khúc underground nghèo nàn về giai điệu, ca từ, cố gây sốc bằng ngôn ngữ phản cảm, tục tĩu, sỗ sàng, làm vẩn đục tiếng Việt, đề cao tự do thái quá, cổ vũ lối sống buông thả, tệ nạn… Ca sĩ Trần Thu Hà khẳng định: underground là một sự lựa chọn phong cách, lối sống và cố ý giữ danh tiếng ở dưới tầm radar, chứ không hẳn chỉ là dòng nhạc.

'Rac' tu... the gioi ngam
Dù được nhiều người yêu thích, vài ca khúc Đen vẫn gây tranh cãi về ca từ

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nhận xét khá nặng, nhưng không phải không có lý, khi cho rằng, nếu lạm dụng quá, tinh thần mà underground muốn hướng tới sẽ bị phá hủy bằng thứ âm nhạc dơ bẩn. Với trường hợp cụ thể là ca khúc Anh đếch cần gì nhiều ngoài em, Võ Thiện Thanh thẳng thắn: “Tôi cũng không hiểu vì sao những từ đó đưa vào âm nhạc, lại được coi là bình thường. Một nghệ sĩ có văn hóa sẽ không bao giờ dám làm thế”.

Nhạc sĩ nói thêm: “Ở các nước, cũng có những nghệ sĩ dung tục như vậy, nhưng người ta phân biệt rạch ròi và nhìn nhận đúng về những thứ mà họ theo đuổi. Thậm chí, sự dung tục mà giới nghệ sĩ underground dùng cũng để phản ánh hiện thực hoặc truyền tải một thông điệp nào đó, không nhằm mục đích câu view như ở ta”.

Khi underground dần bước ra ánh sáng, gây ảnh hưởng, nó phải theo luật chơi chung, nhất là khi âm nhạc trở thành công cụ kiếm tiền, để được nổi tiếng. Underground cá tính, khác biệt, mới mẻ; nhưng không thể là ngược ngạo, chơi trội, thể hiện bản ngã vô độ. Âm nhạc càng không phải thứ để người ta bộc lộ sự ngạo mạn, bốc đồng, hời hợt của bản thân. 

Ở MV Thôi anh không chơi mới đây, Binz sử dụng những từ ngữ lấp lửng, gây tò mò như: “Đừng đưa cho anh hóa chất lạ”, “đừng bắt anh uống cả chai”, “đừng bẻ cho anh một nửa” hoặc sỗ sàng như “Trong phòng tắm/ On top của a/ Vẫn là mông của em” hay “Khỏi nói về nội trợ/ Khỏi nói về trinh tiết/ Vị trí em là doggy”. Năm ngoái, Anh đếch cần gì nhiều ngoài em gây tranh cãi một thời gian dài. Ngọt band, vốn được đánh giá cao về âm nhạc, cũng từng phóng túng sửa lời ca khúc Không làm gì thành “đ… làm gì”.

'Rac' tu... the gioi ngam

Binz - tác giả của ca khúc Thôi anh không chơi gây tranh cãi về ca từ

Năm 2014, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch từng xử phạt ca sĩ Yanbi và Mr T 5 triệu đồng mỗi người, T-Akayz bị phạt 4 triệu đồng vì phổ biến bản ghi âm Phiếu bé ngoan vì có ca từ phản cảm, tục tĩu, đồng thời xử phạt 6 trang nhạc số vì có hành vi phổ biến bản ghi âm bài hát có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

UBND TP.Hà Nội vừa yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ thông tin nhóm rapper LOCOBoiz đốt sách của học sinh trường Hà Nội - Amsterdam và xử lý theo quy định pháp luật.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI