Quán quân Thử thách cùng bước nhảy - Hải Anh: Nhảy cho ước mơ của mẹ

28/12/2015 - 11:04

PNO - Ngồi xem các bạn nhảy thấy cũng vui, cũng thích, vỗ tay cho bạn nữa, cô giáo mới rủ ra tập múa chung... Từ đó tôi dạn dĩ hơn, chịu đi tập...

Vóc dáng chuẩn, phong cách tự tin và ánh mắt sáng bừng mỗi khi nói về nhảy múa, là những gì người đối diện cảm nhận về cô gái đã làm thay đổi lịch sử chương trình Thử thách cùng bước nhảy (TTCBN) khi trở thành nữ quán quân đầu tiên sau bốn mùa. Ít ai ngờ rằng cô gái ấy, trong những ngày đầu tiên đến với nghệ thuật múa lại... khóc thét, cương quyết không chịu học, mẹ và cô giáo phải dỗ dành, bảo cô chỉ việc ngồi xem, không phải múa.

Quan quan Thu thach cung buoc nhay - Hai Anh: Nhay cho uoc mo cua me
Quán quân Thử thách cùng bước nhảy - Hải Anh

* Lý do gì mà bạn sợ múa đến vậy?

Hải Anh: Hồi nhỏ tôi rụt rè lắm, sợ đám đông nữa, nên mẹ mới cho đi học múa để dạn dĩ. Lúc đó cô Thúy Uyên (ca sĩ - vũ công Thúy Uyên, cựu thành viên nhóm Techno) phải kéo tôi vào lớp, dỗ dành đủ kiểu, rồi phải hứa không bắt tôi múa, chỉ ngồi xem thôi, tôi mới chịu vào lớp - nhóm Baby Mickey của cô.

Ngồi xem các bạn nhảy thấy cũng vui, cũng thích, vỗ tay cho bạn nữa, cô giáo mới rủ ra tập múa chung... Từ đó tôi dạn dĩ hơn, chịu đi tập, sau đó còn đi biểu diễn - múa phụ họa cho chú Lam Trường, múa trong các chương trình thiếu nhi. Thấy tôi có năng khiếu, cô Uyên mới khuyên gia đình cho tôi theo nghề múa, vào học trường múa chính quy.

* Khi kể về mình, bạn bảo vì mẹ mê múa nên mới cho con đi học?

- Mẹ tôi rất yêu thích nghệ thuật múa. Thời trẻ mẹ còn lén gia đình đi múa, bị ông tôi bắt được, cấm tiệt. Vâng lời ông ngoại, mẹ tôi xếp lại đam mê của mình và trao gửi đam mê ấy lại cho các con. Ba chị em tôi đều đi học múa, nhưng hai chị tôi sau này chú tâm vào chuyện học văn hóa, còn mỗi tôi theo đuổi ước mơ của mẹ.

Thuở nhỏ, có nhiều lần mẹ cũng múa cùng tôi. Giờ mẹ có tuổi rồi nên lâu lắm mới “dụ” được mẹ múa. Những lúc như thế tôi đều tranh thủ quay hình lại để cất giữ như một kỷ niệm cho mẹ, cho tôi.

* Thế còn hành trình đến và đi khỏi Arabesque - nhóm múa mà không phải vũ công nào cũng có thể tham gia?

- Ở trường múa, tôi học với thầy Tấn Lộc, cô Tố Như, cô Kim Quy là những tài năng lớn của nghệ thuật múa. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc ở trường múa và trường văn hóa, tôi có thời gian hoạt động trong vai trò solist ở đoàn vũ kịch của HBSO (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM) rồi mới được thầy Tấn Lộc chọn về Arabesque.

Đối với tôi, công ơn của thầy vô cùng to lớn. Nhưng đến một lúc, tôi nghĩ rằng mình cần làm thêm được điều gì đó, mở rộng nghề nghiệp, thử thách mình ở những điều mới mẻ hơn là chỉ múa.

Chuyện tôi đi thi TTCBN, khi thầy biết, thầy có quở trách rằng dẫu sao tôi cũng từng đoạt giải bạc múa đương đại quốc tế, từng lưu diễn nhiều nơi, từng sang Mỹ biểu diễn... Tôi hiểu thầy thương tôi mới trách vậy, nhưng tôi biết mình cần gì. Những ngày tập luyện, thi thố ở TTCBN, tôi học được rất nhiều.

* Một nhóm múa riêng?

- Ở top 20 của TTCBN, tôi nhận ra một điều là các vũ công giỏi nhất thuộc hai nhóm - thu phục và được/bị thu phục. Có một số bạn đã mời tôi tham gia nhóm, nhưng tôi lại đang ấp ủ dự định thành lập nhóm múa riêng và thực hiện chuỗi chương trình miễn phí cho sinh viên các trường đại học. Ngoài ra tôi còn muốn mở một lớp múa nhỏ, miễn phí, dành cho thiếu nhi để góp phần vun đắp đam mê nhảy múa nơi các em. Tôi tin là mình sẽ làm được.

* Tất nhiên trước khi làm việc gì, ai cũng có niềm tin vào thành công. Nhưng hẳn bạn biết rằng nghệ thuật múa hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng tương xứng.

- Đúng là nghệ thuật múa ở Việt Nam chưa được đánh giá và quan tâm đúng mức. Nếu biết chúng tôi đã vất vả như thế nào trong việc dựng một vở múa, khổ luyện ra sao trên sàn tập và xem những gì chúng tôi cống hiến thì mức giá vé 250.000đ hay thậm chí 1,5 triệu đồng không phải là đắt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI