Phương ngữ nên được coi là một di sản

30/10/2019 - 16:01

PNO - Có thể thấy phương ngữ chính là chỉ dấu nhận dạng của từng vùng miền. Nó thêu dệt nên bức tranh ngôn từ rực rỡ của đất nước.


Người Huế sở hữu một vốn văn học dân gian đáng nể. Họ nói cái chi cũng chêm vài ba câu ca dao, tục ngữ, hò vè cho mềm mại. Ngày bé, tôi hay hỏi mẹ: “Mẹ ơi, chi là gì, mô là sao, rồi răng rứa có nghĩa thế nào hả mẹ? Sao các bạn con gọi em của ba là cô, mà con lại gọi là o? Rồi sao con phải gọi bà nội là mệ?”.

Tôi nhớ hồi học lớp Sáu, lớp Bảy gì đó, trong một tiết học về phương ngữ, cô giáo cho bài tập chuyển câu “Bầy choa có chộ mô mồ” sang câu thông dụng. Tôi nhờ vốn phương ngữ học được từ gia đình nên đã trả lời đúng. Bên cạnh đó, một số từ khác còn được cô giới thiệu như: đọi - bát, tê - kia, tề - kìa, răng rứa - sao thế, như ri - như thế này, bựa ni - hôm nay, coi mồ - xem nào…

Ngôn ngữ hình thành, phát triển và phản ánh cuộc sống thông qua giao tiếp xã hội. Trong mỗi vùng miền nhất định, ngôn ngữ chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, xã hội để từ đó phương ngữ hình thành. Học giả An Chi từng cho rằng, danh ngữ “nước lạnh” trong phương ngữ Nam bộ, không phải người miền Bắc (thậm chí cả người miền Nam) nào cũng hiểu đúng. Đó không phải là “nước đá” hoặc “nước trong tủ lạnh”. Từ điển phương ngữ Nam bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên giảng một cách ngắn gọn là “nước lã”; Từ điển Từ ngữ Nam bộ của tiến sĩ Huỳnh Công Tín giảng là “nước lã, nước thường dùng để uống hằng ngày, không nấu, không pha chế”; xưa hơn nữa, Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của thì giảng là “nước tự nhiên, không hâm, không nấu”. Còn “nước lã” trong Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên giảng là “nước tự nhiên như nước mưa, nước giếng”; từ điển cùng tên do Hoàng Phê chủ biên giảng là “nước ngọt tự nhiên, chưa qua đun nấu, xử lý”. 

Phuong  ngu  nen duoc coi  la mot di san

Có thể thấy phương ngữ chính là chỉ dấu nhận dạng của từng vùng miền. Nó thêu dệt nên bức tranh ngôn từ rực rỡ của đất nước. Ai đó từng nghe giọng Nghệ An - Hà Tĩnh, Quảng Trị thì bảo là nặng quá, giọng miền Bắc thì chua quá. Nghe người ta động viên gáng lên, thì biết họ thuộc miền Tây sông nước…Phương ngữ vận động song song ngôn ngữ toàn dân. Xa quê lâu năm, nhiều người vẫn giữ gìn được nét đặc sắc ngôn ngữ của mình. Người ta nhớ đến xứ nẫu (Bình Định, Phú Yên) với cách phát âm lẫn lộn a và e. Họ nói con cá, ta có thể nghe thành con ké, đi về là đi dìa. Một vài trường hợp khác, nếu không có vốn phương ngữ phong phú, ta khó có thể hiểu họ nói gì: trem nem, quy hiểm, y cheng… Quảng Nam lại là một vùng đất khác với hệ phương ngữ độc đáo. Người ta vẫn gọi Quảng Nam là Quảng Nôm vì tiếng Quảng tạo cho người nghe cảm giác tròn miệng: tộm biệt: tạm biệt, số tốm: số tám, dọa thưa: dạ thưa…

Cái hay của phương ngữ chính là âm điệu, nhấn nhá, từ ngữ sử dụng. Tuy nhiên, trong tập thể mà mỗi cá nhân đến từ một vùng miền khác nhau sẽ là một vấn đề. Nhiều người tỏ ra tự ti về sắc thái phương ngữ mình, và xem đó là trở ngại giao tiếp. Họ tự tạo cho mình ý thức ngầm rằng phải nói lớ đi cho dễ nghe. Điều này không sai. Thế nhưng, lại gián tiếp tạo khoảng cách giữa họ với nơi chôn nhau cắt rốn. Ngược lại, ở những thành phố cầu thực, phương ngữ gắn kết nhiều người. Họ đứng vững trong những cuộc đồng hóa địa phương. Họ tự hào và kiêu hãnh về chính nhận dạng ngôn ngữ của mình. Đôi lúc, trong những hành trình tha phương cầu thực, ai đó từng một lần thổn thức - tiếng quê.

Phương ngữ nên được coi là một di sản bên cạnh các di sản phi vật thể khác của dân tộc. Vì sao người ta lại gắn nhãn Dân ca quan họ Bắc Ninh, Nhã nhạc cung đình Huế hay Đờn ca tài tử Nam bộ? Ở làng Martynovo thuộc tỉnh Yaroslav (Nga), những người dân sống bên bờ Kadka được gọi là người Katskar. Họ nói tiếng Nga theo phương ngữ Katskar. Chính phương ngữ này đã trở thành một hạng mục tham quan của ngôi làng bên cạnh những hoạt động tham quan khác. Vậy chúng ta nên hiểu phương ngữ là dấu chỉ hay lòng tự hào, là thực thể sống bằng từ thiện của người khác hay bằng niềm kiêu hãnh của chính mình? 

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI