Phúc Zelo: Bạn thân của tôi là mẹ

04/06/2017 - 07:10

PNO - Không chỉ có cái tên khá ngộ nghĩnh, mà theo Phúc Zelo giải thích là vì yêu màu vàng, Trần Hồng Phúc còn là một trong những diễn viên hài trẻ được khán giả kỳ vọng sẽ “làm nên chuyện”.

Không lợi thế về hình thể, nhưng bù lại, Phúc Zelo có khả năng biến hóa đa dạng và sự linh hoạt trong diễn xuất. 

Đảm nhận vai diễn một đứa trẻ hồn nhiên vô tư, một vũ công chuyển giới hay lão già keo kiệt, bủn xỉn… điều khác biệt nhất ở Phúc Zelo so với các diễn viên đồng trang lứa là sự thông minh trong khai thác những đặc điểm riêng dựa theo tuổi tác, tính cách, hoàn cảnh… của nhân vật để mang lại tiếng cười cho khán giả và không bị lặp lại chính mình… 

Phuc Zelo: Ban than cua toi la me
 

Từng là gương mặt nhận được nhiều sự chú ý ở các cuộc thi hài với giải 3 cuộc thi Tiếu lâm tứ trụ, là thành viên của nhóm đoạt giải Quán quân cuộc thi Làng hài mở hội, mới đây, Phúc Zelo tiếp tục gây bất ngờ khi lấy được nước mắt khán giả với vai Đức - đứa con trai nhỏ đau yếu, bệnh tật nhưng yêu thương mẹ hơn cả mạng sống của mình (vở Chúng ta thuộc về nhau - sân khấu Thế Giới Trẻ).

Còn rất trẻ so với chiều sâu cảm xúc và sự linh hoạt thể hiện trong các nhân vật, Phúc nói, đó là nhờ những trải nghiệm, vốn sống mình tích lũy trong mười năm sống tự lập với ước mơ để cha mẹ bớt cực. P

húc là con út trong gia đình có ba chị em ở Cà Mau, mẹ bị khớp nặng, cả nhà năm người chỉ trông vào tiền công chở ghe mướn của ba mà sống. Thấy ba mẹ làm hoài không có dư, năm lớp 10 Phúc “rón rén” xin: “Cho con lên ở chùa trên Sóc Trăng, vừa đi học vừa đi làm. Con muốn thử ra đời kiếm tiền coi khó cỡ nào, nếu thấy không sống được, con sẽ về lại với ba mẹ”. 

Phuc Zelo: Ban than cua toi la me

Phúc Zelo và mẹ

Vốn tin cậu con út biết sớm tự lập và có ý thức trong chuyện học hành, mẹ dắt Phúc lên chùa, dặn dò: “Nếu thấy khó quá thì về nghe con. Nhà mình nghèo nhưng ba mẹ vẫn đủ sức nuôi con”.

Sau một tháng ở chùa, Phúc bắt đầu tự lập thật sự bằng công việc phục vụ ở một quán nhậu. Được bao ăn ở, mỗi tháng có thêm 300.000đ “dằn túi”, nhưng đổi lại, cậu bé phải làm việc từ 6 giờ chiều đến 1-2 giờ sáng. Buổi nào phải học thể dục buổi sáng với Phúc là một cực hình. 

Phúc đến trường mà cứ ngỡ mình đang đi trong mơ. Nhưng so ra, chuyện ngủ chưa đủ giấc đã phải đến trường của cậu học trò ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới chỉ là chuyện nhỏ trong suốt ba năm xa nhà học cấp III của Phúc. 

Phuc Zelo: Ban than cua toi la me
Phúc Zelo và cha 

“Buồn nhất là những lần bị chủ la, bị khách nhậu xỉn mắng mỏ, hạch sách. Có lần tôi không chịu nổi nên gọi điện về kể cho mẹ nghe. Không biết tôi đã nói những gì mà gọi sạch sành sanh mười mấy ngàn tiền thẻ điện thoại để dành “phòng thân”. Tôi khóc, mẹ khóc… Mẹ kêu tôi về, sướng khổ gì cũng có ba mẹ, anh chị… Nhưng, đặt điện thoại xuống, tôi mới hối hận là đã làm cho mẹ lo. Lúc đó, tự nhiên tôi nhớ câu nói của ba hồi tôi còn nhỏ xíu: “Con cứ ráng học cho tới nơi tới chốn, có phải bán nhà cho con ăn học thành tài, ba cũng bán”. Mảnh đất ba nói sẽ bán chỉ đủ xây căn nhà ba gian, đang là chỗ ở của gia đình tôi. Bán đi, nghĩa là cả nhà sẽ phải thuê trọ. Ba mẹ quá cực khổ, chỉ mong tôi được học hành tới nơi, tới chốn. Giờ có điều kiện đi học, sao tôi lại muốn về nhà cho ba mẹ phải cực hơn vì mình? Sau lần đó, tôi không còn ý nghĩ sẽ về nhà, dù rất tủi thân vì phải sống xa gia đình, trong khi bạn bè vẫn quấn quýt bên mẹ cha” - mắt Phúc chợt đỏ hoe khi nhắc chuyện xưa.

Sau ba năm cấp III ở Sóc Trăng, Phúc lên TP.HCM  học trường CĐ SK - ĐA. Để có tiền đóng học phí và trang trải cuộc sống, Phúc làm đủ mọi việc, từ phục vụ quán nhậu, bán chè đến đan lưới, múa đám cưới…; trước khi có thể  kiếm sống bằng nghề của mình với việc đóng vai quần chúng, diễn kịch cà phê… 

Phuc Zelo: Ban than cua toi la me
Phúc Zelo trong vai lão hà tiện tại chương trình Tiếu lâm tứ trụ

Phúc nói, mình có thể làm tất cả để tự nuôi bản thân, miễn là việc đó lương thiện vì từ nhỏ Phúc đã quen với hình ảnh tháo vát của ba mẹ. Nhà không ruộng đất, nuôi ba cái “tàu há miệng” với gia đình Phúc là việc không đơn giản. Ba mẹ xoay đủ nghề như bán tạp hóa, bán hủ tíu, nuôi gà vịt… để có tiền nuôi con. 

Có những hình ảnh đã ăn sâu vào tiềm thức Phúc từ bé. Đó là cảnh ba mẹ chạy như con thoi vừa bưng bê phục vụ khách ăn hủ tíu, vừa bán hàng tạp hóa. Ba chị em nhỏ xíu, không giúp gì được ngoài việc ngồi yên học hành. “Ba mẹ giống hệt… “siêu nhân”, hình như không có điều gì ba mẹ không làm được. Từ nhỏ, tôi đã nghĩ sau này lớn lên mình cũng sẽ phải làm được mọi việc như ba mẹ” - Phúc nhắc về ba mẹ đầy tự hào.

Ngày mẹ phát bệnh khớp, ba chuyển sang chạy ghe chở mướn. Những lúc nghỉ học, Phúc được theo ba để phụ những việc lặt vặt hoặc nấu ăn trên ghe. Có theo ghe mới biết nghề chạy ghe của ba cực cỡ nào. Chạy mấy tiếng đồng hồ tới nơi còn phải phụ chuyển vật liệu xây dựng hoặc kiểm tra hàng hóa. Chất hàng xong là hối hả quay đầu chạy về cho kịp giờ. 

Có lần vì quá mệt, ba để ghe suýt đâm vô đáy. Lần khác, tranh thủ nước cạn, ba tấp ghe vô bờ chợp mắt lấy sức. Ngủ quên, nước lên, ghe trôi tự do trên sông… Thương ba thắt ruột nhưng đứa trẻ con như Phúc ngày đó chỉ nghĩ được là mình phải sống tự lập để bớt cho ba mẹ một gánh lo. Tuy nhiên, dù có cực đến mấy thì chuyện học của ba chị em Phúc vẫn được ba mẹ đặt lên hàng đầu. 

Phuc Zelo: Ban than cua toi la me
 

“Những ngày đi xa, tôi nhớ hoài những lúc mẹ vừa múc hủ tíu cho khách, vừa kiểm tra coi tôi tập viết có đúng ô li chưa. Hay vừa bán hủ tíu, mẹ vừa đọc chính tả cho chị em tôi… Đôi lúc tôi bật cười khi tưởng tượng cảnh cái roi mẹ nhịp nhịp sẵn để canh chừng tôi ham chơi viết ẩu… Mẹ nhịp rồi quên luôn vì bận buôn bán, đến chừng quay lại thì chữ viết của con đã méo mó rồi… Những ký ức đó khiến tôi không bao giờ dám lơ là việc học hành” - Phúc chia sẻ.

Ham học và cũng muốn ba mẹ vui nên Phúc cứ… học mãi. Tốt nghiệp lớp diễn viên, Phúc lại thi tuyển vào khoa Đạo diễn. Ngày nhận tin con đậu đại học, thay vì mừng rỡ như tâm lý chung của các phụ huynh khác, ba mẹ Phúc đầy vẻ lo âu: “Lại đậu nữa rồi hả?”. 

Ước mơ của ba mẹ Phúc rất đơn giản, con cái học hành đến nơi đến chốn, tìm được công việc yêu thích và sống được bằng nghề của mình, là đủ; không cần con cái phải thành ông này bà nọ, hay phải học hành thật cao. Vậy nên, thấy Phúc học mãi, ba mẹ đâm lo, sợ Phúc cứ phải nặng gánh học phí mà cực khổ hoài. Khi đó Phúc phải giải thích, mình học lên không phải vì muốn thành nhân vật “cao siêu” nào đó, mà là học để có thêm kiến thức làm tốt công việc của mình. Nghe vậy, ba mẹ mới bớt lo. 

Đi xa mười năm, nhưng Phúc nói, đến giờ cuộc sống gia đình vẫn ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, suy nghĩ của mình. Không la cà quán xá sau giờ tập luyện, biểu diễn; không có nhiều mối quan hệ bạn bè và chỉ thèm được về nhà ăn cơm do chính mình nấu… 

Phuc Zelo: Ban than cua toi la me

Những điều này có vẻ như khá xa lạ với những người trẻ, lại là người trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật. Phúc nói, mình đã quen với những điều đó từ bé, với cuộc sống chỉ biết có công việc và gia đình của ba mẹ và những bữa cơm gia đình mà “cao lương mỹ vị” là nụ cười thật hiền của ba mẹ, là những cuộc tranh luận rôm rả, thậm chí có lúc là tiếng cãi cọ, giận hờn của mấy chị em… 

Bạn thân nhất của Phúc cho đến giờ vẫn là mẹ. Sắp làm việc gì, có chuyện buồn vui… là Phúc gọi điện kể cho mẹ nghe. Có lúc mẹ an ủi động viên nhưng cũng có nhiều chuyện, kể xong là Phúc phải “trấn an” tinh thần cho mẹ, bởi với mẹ, showbiz là một thế giới rất xa lạ. 

Chuẩn bị dựng vở tốt nghiệp đạo diễn, ước mơ của Phúc Zelo đơn giản chỉ là: “Có nhiều show, kiếm được đủ tiền dựng vở tốt nghiệp để không phải dùng đến tiền hỗ trợ của ba mẹ”.

Thảo Vân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI