Phim Hàn thắng Cannes 2019: Điện ảnh châu Á tiếp tục đáng gờm

26/05/2019 - 07:06

PNO - Chiến thắng của ‘Parasite’ tại Cannes 2019 gợi cho những khán giả theo dõi LHP năm 2018 nhớ lại Cành cọ vàng - ‘Shoplifters’ của đạo diễn người Nhật. Có những nét tương đồng bất ngờ về phim thắng Cannes trong 2 năm qua.

Điện ảnh châu Á: Công thức gia đình

Chiến thắng Cành cọ vàng 2019 của Parasite (tạm dịch: Ký sinh trùng) là kết quả không nhiều người nghĩ đến. Bởi ngay từ ban đầu, với 2 trong số 21 tác phẩm tham dự Cành cọ vàng (Palme d'Or), xác suất để đại diện châu Á giành chiến thắng là rất khó. Đặc biệt, từ sau khi The wild goose lake (1 trong 2 đại diện) của đạo diễn người Trung Quốc - Diao Yinan công chiếu, bộ phim chỉ được đánh giá chất lượng tầm trung, không rơi vào top xếp chót bảng nhưng cũng không nằm trong top 5 phim hay nhất.

Cho đến khi Parasite của đạo diễn người Hàn Bong Joon Ho công chiếu, một sự đảo chiều thấy rõ của đại diện đến từ châu Á với hàng loạt nhà phê bình không tiếc lời khen ngợi. Mức điểm từ 8 – 9/10 dành cho Parasite đồng nghĩa với việc phim nằm trong top dẫn đầu chất lượng cùng Once upon a time in Hollywood (Mỹ); Portrait of a lady on fire (Pháp); Pain and Glory (Tây Ban Nha)...   

Phim Han thang Cannes 2019: Dien anh chau A tiep tuc dang gom
Đạo diễn Bong Joon Ho trong thời gian gặp gỡ báo chí sau khi nhận Cành cọ vàng

Parasite là bộ phim không quá chú trọng vào kỹ xảo hay thể loại khoa học viễn tưởng - từng được Bong say mê. Thay vào đó, ông kể một câu chuyện dung dị, bình thường. Một gia đình luôn sống trong cảnh nghèo túng tình cờ gặp gỡ và quen biết một gia đình giàu có sau một biến cố. Những thật-giả đan xen, từ việc nói dối thân phận dần lật mở. Mô tả về bộ phim, đạo diễn Bong Joon Ho chia sẻ: “Ký sinh trùng chứa đựng tiếng cười, nỗi buồn và cả bi kịch của xã hội loài người”.

Trailer phim Parasite:              

 

Sự trùng hợp về đề tài gia đình của Parasite  Shoplifters – phim thắng Cành cọ vàng 2018 của đạo diễn người Nhật Hirokazu Kore-eda, mang nhiều thông điệp. Chiến thắng này có nghĩa rằng hành trình của các tác phẩm tham dự Cannes hẳn nhiên phải được đầu tư về mặt hình thức, kỹ thuật nhưng suy cho cùng, câu chuyện thông điệp phải được đặt lên hàng đầu. Và những đề tài khai thác về tình cảm gia đình, tại Cannes, đang nhận được cảm tình từ hội đồng giám khảo.

Trước đó, Shoplifters được Chủ tịch hội đồng giám khảo Cannes 2018 - Cate Blanchett dành lời tán dương  hết mực: “Trong một sự nghiệp lâu dài của những đỉnh cao đáng kinh ngạc, Hirokazu Kore-eda đã đưa ra một trong những tác phẩm hay nhất của anh ấy. Shoplifters là một câu chuyện hấp dẫn liên quan đến gia đình theo cách mà tôi chưa bao giờ thấy trước đây”.

Cannes 2019 không phải là lần đầu Bong Joon Ho tham gia tranh giải tại sự kiện danh giá này mà trước đó, ông từng đưa Okja (tựa Việt: Siêu lợn) đến Cannes năm 2017. Okja là bộ phim mang nhiều thông điệp về xã hội đương đại khi con người ngược đãi động vật, quay lưng lại với thiên nhiên.

Bong Joon Ho là một trong số nhà làm phim Hàn hiếm hoi được Hollywood chào mời và có dự án tại kinh đô điện ảnh là Chuyến tàu băng giá, cũng như cơ hội làm việc cùng các ngôi sao Hollywood như Tilda Swinton, Jake Gyllenhaal…

Những ấn tượng từ đại diện châu Á

So với Cannes 2018, năm 2019, giải thưởng không có nhiều đại diện châu Á tham dự ở các hạng mục. Tuy nhiên, dù số lượng ít nhưng chất lượng của các tác phẩm đủ để nói lên, điện ảnh châu Á có thêm một năm đáng gờm tại sân chơi Cannes.

Hai bộ phim Trung Quốc gồm tác phẩm đầu tay của đạo diễn Zu Feng - Summer of Changsha và Nina Wu của Midi Z góp mặt trong hạng mục Phim có góc nhìn đặc biệt cũng tạo được ấn tượng với giới chuyên môn.

Phim Han thang Cannes 2019: Dien anh chau A tiep tuc dang gom
Hình ảnh trong phim Nina Wu

Trong đó, câu chuyện đầy tính sắp đặt của Nina Wu liên quan đến phong trào #Metoo giúp phim gây chú ý với truyền thông quốc tế khi xoáy vào những bất công, vấn nạn lạm dụng tình dục mà nhiều nữ diễn viên Hollywood và các nền điện ảnh khác đang gánh chịu.

Còn lại, Summer of Changsha để lại “ấn tượng” theo một cách khác. Ban đầu, ê-kíp làm phim tuyên bố rút khỏi hạng mục vì “lý do cá nhân” nhưng về sau, bộ phim vẫn được chiếu mà không có sự tham gia của đoàn phim trong buổi giao lưu – trả lời báo chí.

Phim Han thang Cannes 2019: Dien anh chau A tiep tuc dang gom
The Gangster, The Cop, The Devil nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn dù không tham gia hạng mục tranh giải

Tại Cannes 2019, một đại diện khác của Hàn Quốc cũng nhận được đánh giá rất cao là The Gangster, The Cop, The Devil (tạm dịch: Trùm, cớm và ác quỷ) của đạo diễn Lee Won-tae. Phim được chiếu trong chương trình Midnight screenings. The Gangster, The Cop, The Devil là bộ phim hành động kể về một ông trùm băng đảng, sống sót sau khi trở thành mục tiêu của một kẻ giết người hàng loạt. Ông trùm buộc phải hợp tác với một thám tử để bắt kẻ giết người. Bộ phim nhận được tràng pháo tay kéo dài nhiều phút liền của khán giả tại Cannes.

Ngoài ra, sự xuất hiện của First love - đạo diễn Takashi Miike (Nhật) và To live to sing của Johnny Ma (Trung Quốc) được chọn chiếu ở hạng mục không tranh giải là Directors' Fortnight đều được đánh giá tốt.

Cannes 2019 giữa tiến và lùi

LHP Cannes năm nay đã hạ màn chóng vánh. Ngay cả đêm trao giải, tờ Guardian cũng nhận xét "nhạt" khi không có nhiều thời gian dành cho những phát biểu có sức nặng, ngoài việc đạo diễn Michael Moore nói về Tổng thống Donald Trump thông qua ẩn ý trích dẫn lời họa sĩ Pablo Picasso. Từ thảm đỏ cho đến đêm trao giải, nhiều người từng kỳ vọng Cannes 2019 sẽ là nơi những thông điệp bình đẳng giới, không phân biệt chủng tộc, không lạm dụng tình dục... tiếp tục được châm ngòi thì năm nay, mọi thứ đều vắng bóng.

Phim Han thang Cannes 2019: Dien anh chau A tiep tuc dang gom
Hình ảnh duy nhất mang thông điệp tại thảm đỏ Cannes 2019 - mục đích của cuộc biểu tình là mong muốn chính phủ bác bỏ luật hợp pháp hóa phá thai ở Argentina.

Những câu chuyện bên lề của kỳ LHP cũng được nhắc đến nhiều, đặc biệt là cuộc trừng phạt thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc tác động lớn đến Cannes 2019. Trong đó, Trung Quốc đưa ra luật ngầm cho các đơn vị đến Cannes mua phim nên tránh phim được sản xuất từ Mỹ. Ngoài ra, việc hạn chế hợp tác, hạn chế các ê-kíp làm phim xuất hiện tại Cannes cũng được chính phủ Trung Quốc ngầm phát đi thông báo.

Tại Cannes 2019, những "quả bom" truyền thông đang làm bẽ mặt chính chủ nhân của nó khi Once upon a time in Hollywood của Quentin Tarantino ra về trắng tay. Trước đó, ngay từ khi công bố các đề cử hạng mục cho đến khi phim công chiếu, Once upon a time in Hollywood luôn được truyền thông ưu ái nhưng cuối cùng: "Bộ phim hay nhưng không phải là kiệt tác" - câu chốt hạ trên Variety về tác phẩm điện ảnh thứ 9 trong sự nghiệp của  Quentin Tarantino, có lẽ là câu trả lời chính xác nhất cho chất lượng.

Phim Han thang Cannes 2019: Dien anh chau A tiep tuc dang gom
Hình ảnh trong phim Atlantique của nữ đạo diễn da đen Mati Diop

Một điểm sáng trong Cannes 2019 là chiến thắng ở hạng mục Giải thưởng lớn dành cho Atlantique của nữ đạo diễn Mati Diop. Mati Diop là nữ đạo diễn da đen đầu tiên xuất hiện tại hạng mục cạnh tranh Cành cọ vàng.

Atlantiques là câu chuyện bi kịch kể về những gia đình tại các quốc gia lạc hậu, buộc họ phải thực hiện nhiều chuyến đi đầy nguy hiểm để tìm kiếm cơ hội mới. Trong đó, câu chuyện một người phụ nữ trẻ đến từ Dakar suy sụp vì mất người yêu là chi tiết chính của kịch bản. 

Danh sách một số giải thưởng chính

Cành cọ vàngParasite - đạo diễn Bong Joon-ho

Giải thưởng lớn: Atlantique - đạo diễn Mati Diop

Đạo diễn xuất sắc nhất: cặp đạo diễn Jean-Pierre và Luc Dardenne, phim Young Ahmed

Nam diễn viên xuất sắc nhất: Antonio Banderas phim Pain and Glory

Nữ diễn viên xuất sắc nhất: Emily Beecham phim Little Joe

Giải thưởng của Ban giám khảo: Les Misérables – đạo diễn Ladj Ly và Bacurau - đạo diễn Juliano Dornelles, Kleber Mendonca Filho

Kịch bản hay nhất: Céline Sciamma phim Portrait of a lady on fire

Cành cọ vàng danh dự: Elia Suleiman phim It must be heaven

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI